Multimedia Đọc Báo in

Chung tay giảm nghèo

08:45, 21/05/2013

Kỳ cuối: Để thoát nghèo bền vững

Trong 2 năm 2011 và 2012, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Dak Lak đã giảm từ 20,82% xuống còn 14,67%. Tuy nhiên kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, chênh lệch giảm nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng nhiều nơi vẫn còn cao.

Giảm nghèo, nhìn từ huyện Cư Kuin

Cho vay hộ nghèo cần được chú trọng nhiều hơn.
Cho vay hộ nghèo cần được chú trọng nhiều hơn.

Từ thực tế cho thấy, nơi nào cán bộ phụ trách công tác giảm nghèo năng động, biết cách huy động các nguồn lực của xã hội; sát sao với người nghèo, cùng họ tìm hiểu nguyên nhân, xây dựng biện pháp giảm nghèo cho từng nhóm đối tượng cụ thể thì kết quả đạt được cao hơn những nơi khác. Điều này được minh chứng khá rõ nét trong công tác giảm nghèo ở huyện Cư Kuin. Ngoài chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, huyện còn có nhiều biện pháp riêng, có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo động lực cho các hộ vươn lên thoát nghèo. Điểm nổi bật nhất là đích thân bà Phó Chủ tịch UBND huyện H’Bliăk Niê đã đến từng thôn, buôn, gặp trực tiếp các hộ nghèo để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, phân tích nguyên nhân nghèo, từ đó đưa ra các giải pháp giảm nghèo phù hợp. Trong đó, cùng với đẩy mạnh sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp, các xã cần khảo sát và nắm lại thực trạng đời sống của các hộ chính sách, hộ nghèo và cận nghèo để ưu tiên đầu tư giảm nghèo bằng nguồn vốn của chương trình giảm nghèo cũng như của các nguồn vốn lồng ghép khác và vốn hỗ trợ của các doanh nghiệp. Ban Chỉ đạo giảm nghèo huyện đã “gõ cửa” nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn huyện vận động chung tay cùng với địa phương đẩy mạnh công tác giảm nghèo. Việc bình xét và hỗ trợ hộ nghèo được công khai, minh bạch, tạo niềm tin trong nhân dân. Bà H’Bliăk Niê cho biết, hỗ trợ làm nhà, phương tiện sinh hoạt cũng có thể giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo nhưng tính bền vững không cao. Điều quan trọng là phải đánh thức ý chí, quyết tâm vươn lên thoát nghèo của mỗi người. Để làm được điều này, huyện chủ động tổ chức các buổi đối thoại với hộ nghèo, công tác này cũng đã được cải tiến đáng kể, nếu như trước đây, thường tổ chức những buổi đối thoại chung với  toàn bộ hộ nghèo, thì nay huyện chỉ tổ chức đối thoại riêng ở từng thôn, cụm dân cư để hộ giàu, hộ nghèo chia sẻ tâm tư, nguyện vọng cùng với lãnh đạo các cấp, qua đó sẽ khuyến khích tính chủ động, vươn lên của người nghèo. Cùng với đó, việc dạy nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động cũng được huyện quan tâm đúng mức. Phó Chủ tịch H’ Bliắk Niê đã đến từng doanh nghiệp ngoài tỉnh - nơi có lao động là con em đồng bào trong huyện làm việc để gặp gỡ, động viên người lao động công tác tốt; làm việc với lãnh đạo các doanh nghiệp này trong việc thực thi các chính sách đối với người lao động, đồng thời tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng để xây dựng kế hoạch đào tạo lao động của địa phương cho sát với nhu cầu thực tế. Theo thống kê mới nhất, Cư Kuin có 1.300 lao động làm việc ở ngoài tỉnh và 69 người xuất khẩu lao động, trong đó có 50 lao động là người dân tộc thiểu số tại chỗ. Xuất khẩu lao động đã tạo công ăn việc làm, thu nhập cao cho lao động, giúp thay đổi bộ mặt nhiều vùng quê nghèo ở huyện; trung bình mỗi lao động về nghỉ Tết Nguyên đán Quý Tỵ đã đem về cho gia đình trên 40 triệu đồng. Đáng mừng là có nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài đã gửi tiền về không chỉ để mua sắm trang thiết bị sinh hoạt mà đã mua đất để lo cho tương lai. Với những cách làm trên, tỷ lệ hộ nghèo của Cư Kuin đã giảm nhanh trong những năm gần đây, đến cuối năm 2012 giảm 13,5%, phấn đấu năm 2013 giảm xuống còn 10,5%, đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm từ 66,14% xuống còn 30,47%.

Giúp hộ nghèo tiếp cận nhiều hơn với vốn tín dụng ưu đãi

Vợ chồng Y Sê (buôn  Pu Huê, xã  Ea Ktur, huyện  Cư Kuin) đã  thoát nghèo nhờ biết chăn nuôi.
Vợ chồng Y Sê (buôn Pu Huê, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) đã thoát nghèo nhờ biết chăn nuôi.

Nghèo xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó, thiếu vốn sản xuất là nguyên nhân quan trọng dẫn đến nghèo khó. Chính vì thiếu vốn nên hộ nghèo không có điều kiện đầu tư thâm canh sản xuất, đa dạng hóa cây trồng - vật nuôi, thu nhập thấp không đủ chi tiêu, không có tích lũy thì làm sao có thể vươn lên thoát nghèo! Thực tế cho thấy, có rất nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, tiến tới làm giàu chỉ trong một thời gian ngắn sau khi tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Câu chuyện vươn lên thoát nghèo của hộ ông Lương Văn Hiếu (thôn 3, xã Cư Kbang, huyện Ea Súp) là một minh chứng. Gia đình ông Hiếu vào lập nghiệp tại thôn 3 từ năm 1993, lúc đầu rất nghèo khó. Năm 2006, được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện xem xét cho vay 8 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ nghèo để chăn nuôi bò. Nhờ được chăm sóc chu đáo, 2 con bò lớn nhanh trông thấy và sinh sản đều đều, mỗi năm thêm được 2 con bê. Sau 3 năm vay vốn, ông chỉ cần bán 1 con bò đã đủ tiền trả nợ ngân hàng và chính thức thoát nghèo. Tính đến nay (chỉ hơn 6 năm) kể từ ngày được vay vốn tín dụng ưu đãi dành cho hộ nghèo, ngoài làm được nhà ở khang trang, mua sắm phương tiện sinh hoạt, sản xuất hiện đại, gia đình ông còn có số vốn là đàn bò 20 con. Không chỉ gia đình ông Hiếu mà nhiều hộ ở xã Cư Kbang đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống khấm khá cũng nhờ vay vốn ưu đãi như các hộ: Chu Thị Hồng (thôn 5b), Ma Thế Huân (thôn 6), Long Thị Vân (thôn 5a)…

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và xã hội, tính đến cuối năm 2012, toàn tỉnh còn 59.270 hộ nghèo. Còn số liệu từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Dak Lak, cũng tính đến cuối năm 2012, tổng dư nợ cho vay hộ nghèo đạt hơn 955 tỷ đồng với gần 88.940 hộ còn dư nợ. Qua đó cho thấy, số hộ nghèo của tỉnh được tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội là rất lớn. Tuy nhiên, trong thực tế cũng còn không ít trường hợp hộ nghèo gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn này do công tác điều tra, xác nhận hộ nghèo ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức; chưa tổ chức rà soát, bổ sung kịp thời những trường hợp nghèo mới phát sinh hoặc tái nghèo…

Giảm nghèo bền vững là một trong những mục tiêu quan trọng đang được cả hệ thống chính trị trong tỉnh dốc sức thực hiện. Vậy nên, những hạn chế trong việc giúp hộ nghèo tiếp cận vốn vay ưu đãi rất cần được quan tâm hơn.

Thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, trong 2 năm 2011 và 2012, bình quân mỗi năm tỉnh Dak Lak giảm 3,08% hộ nghèo, vượt kế hoạch đề ra. Nếu như cuối năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 20,82% (tương đương 81.053 hộ) thì đến cuối năm 2012 giảm xuống còn 14,67% (59.271 hộ); hộ cận nghèo giảm từ 8,59% xuống còn 6,99%. Tuy nhiên kết quả giảm nghèo chưa thật bền vững, số hộ nghèo và cận nghèo phát sinh cao; tốc độ giảm nghèo ở hộ đồng bào dân tộc thiểu số chậm, nên tỷ lệ hộ nghèo so với tổng số hộ nghèo vẫn còn chiếm 60,09%.

Ngọc Nguyên


Ý kiến bạn đọc