Multimedia Đọc Báo in

Chung tay giảm nghèo - Kỳ II: Dồn sức xóa nghèo

10:04, 20/05/2013

Giảm nghèo không phải là chuyện riêng của một ngành hay địa phương nào mà luôn nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Ngoài nỗ lực thực hiện các chính sách chung, mỗi địa phương, tổ chức đoàn thể đều có cách làm riêng mang lại hiệu quả.

Tín dụng ưu đãi hộ nghèo

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, các địa phương trong tỉnh đã giúp người nghèo tận dụng tốt cơ hội từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, trong đó đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất; đẩy mạnh giải ngân cho vay ưu đãi thông qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội là những giải pháp đem lại hiệu quả lâu dài, được đông đảo người nghèo đánh giá cao. Tại huyện Ea Súp, trong năm 2012 đã tổ chức 75 lớp tập huấn mô hình, hội thảo về kỹ thuật trồng và chăm sóc ngô lai, thâm canh lúa các loại; chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản; tổ chức cho nông dân tham quan mô hình sản xuất ngô ở huyện Cư M’gar. Đối với công tác cho vay vốn ưu đãi, bên cạnh nguồn vốn của trên, UBND huyện Ea Súp đã dành một phần ngân sách để Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội bổ sung vốn cho hộ nghèo vay. Tính đến hết tháng 4-2013, tổng dư nợ của Phòng Giao dịch đạt hơn 169 tỷ đồng, trong đó  riêng dư nợ cho vay hộ nghèo đã hơn 75,5 tỷ đồng cho trên 6.600 hộ vay còn dư nợ. Tại huyện Cư M’gar, trong 2 năm 2011 và 2012 đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt-chăn nuôi, hội thảo đầu bờ; xây dựng nhiều mô hình làm phân vi sinh từ vỏ cà phê, sản xuất nấm rơm, cải tạo giống bò… thu hút hàng nghìn hộ nghèo tham gia. Qua khảo sát cho thấy, những nỗ lực của huyện đã và đang mang lại kết quả rất lớn. Đơn cử như việc đầu tư kinh phí xây dựng mô hình làm phân từ vỏ cà phê (khoảng 175 triệu đồng) nhưng đã giúp các hộ nghèo giảm được 6 tỷ đồng mua phân bón; Dự án “Cải tạo giống bò theo hướng thịt năm 2011” tại xã Ea M’droh đã góp phần cải tạo giống 150 con bò của 82 hộ dân, đến nay số bê lai ở đây được đánh giá là đạt tiêu chuẩn; mô hình trồng bông tại xã Quảng Hiệp đã giúp hơn chục hộ thoát nghèo. Ngoài ra, huyện Cư M’gar cũng luôn tạo thêm điều kiện cho các hộ nghèo được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, phát triển thêm nhiều mô hình kinh tế hiệu quả.

Việc hỗ trợ phát triển sản xuất luôn được xem là một trong những trọng tâm giúp người nghèo vươn lên. Chỉ tính riêng trong 2 năm 2011 và 2012, thông qua chính sách tín dụng ưu đãi Dak Lak đã giải ngân hơn 113 tỷ đồng cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay nâng tổng dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng chính sách đến nay lên  khoảng 2.725 tỷ đồng, với gần 215 nghìn hộ vay vốn, trong đó riêng dư nợ cho vay hộ nghèo đã hơn 955 tỷ đồng, gần 89 nghìn hộ vay. Cùng với đó, tỉnh đã tích cực triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, dạy nghề cho người nghèo, xây dựng nhiều mô hình giảm nghèo như mô hình trồng bông tại huyện Cư M’gar, Buôn Đôn, trồng bắp lai tại huyện Ea Kar, chăn nuôi bò tại huyện M’Drak… Nhiều hộ nghèo chia sẻ việc quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và hướng dẫn cách làm ăn bài bản cho hộ nghèo cũng như tạo điều kiện để họ tiếp cận cơ hội phát triển kinh tế dựa vào cộng đồng như xuất khẩu lao động, vận động doanh nghiệp đầu tư vào vùng khó khăn mới là cách thoát nghèo bền vững.

Cộng đồng vào cuộc

Điểm nổi bật trong công tác giảm nghèo của tỉnh là nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận từ phía người dân. Ngoài kênh hỗ trợ của Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã phát động nhiều chương trình ý nghĩa cùng chung tay giảm nghèo. Theo đó, nhiều phong trào xây dựng “Quỹ vì người nghèo”, “Tết vì người nghèo”, “Tháng cao điểm vì người nghèo” đã và đang được triển khai rộng khắp, thu hút đông đảo sự quan tâm, tham gia của người dân. Các đoàn thể: Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… hỗ trợ cho chương trình giảm nghèo về tài chính, vật chất rất phong phú. Điển hình các cấp Hội Phụ nữ huyện Ea H’leo đã vận động hội viên có điều kiện kinh tế khá giúp hội viên nghèo; xây dựng các nhóm tiết kiệm; thành lập Câu lạc bộ “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế hộ gia đình”; xây dựng nguồn vốn tiết kiệm “Ngày vì phụ nữ nghèo”; tín chấp với các công ty vật tư nông nghiệp cho hội viên mua sản phẩm trả chậm; phối hợp với Trạm Khuyến nông, Hội Nông dân huyện mở các lớp tập huấn, hội thảo về áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất….  Hay tại huyện Cư M’gar, chỉ tính riêng năm 2011 và 2012, MTTQ và các tổ chức thành viên đã vận động khoảng 11 tỷ đồng, xây dựng, sửa chữa hàng trăm căn nhà “Đại đoàn kết”, “Tình nghĩa”, “Tình thương”; hỗ trợ vốn sản xuất (vay lãi suất thấp hoặc không tính lãi) cho hàng nghìn lượt hộ nghèo. Đáng chú ý là qua đó đã có gần 3.000 địa chỉ hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được các tập thể, cá nhân duy trì giúp đỡ.

Xây nhà tặng hộ nghèo đã trở thành phong trào lớn trong giúp đỡ người nghèo.
Xây nhà tặng hộ nghèo đã trở thành phong trào lớn trong giúp đỡ người nghèo.

Theo tổng hợp của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, trong 2 năm 2011 và 2012, UBMTTQ Việt Nam các cấp đã vận động được 32 tỷ đồng; tổ chức xây dựng hơn 920 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo và 5 giếng khoan cho nhân dân các xã biên giới. Hội Liên hiệp Phụ nữ vận động 11 nghìn lượt hội viên khá giả về kinh tế giúp 8.800 lượt hội viên khó khăn với số tiền 8,3 tỷ đồng; xây dựng mới hàng trăm tổ, nhóm phụ nữ tín dụng tiết kiệm với số vốn khoảng 8,7 tỷ đồng và đã giải quyết cho 1.900 lượt hộ vay vốn làm ăn; vận động quyên góp xây dựng gần 50 căn nhà “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ nghèo. Hội Nông dân có phong trào tín chấp giúp hội viên mua phân bón trả chậm; tập huấn khuyến nông cho hàng chục nghìn lượt hộ nghèo; nông dân sản xuất giỏi giúp nhau giảm nghèo; mô hình “mỗi chi hội giúp đỡ 1 hội viên nghèo”. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều hoạt động, phong trào lồng ghép với công tác giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới; xây nhà nhân ái cho đoàn viên thanh niên khó khăn; tặng quà, học bổng cho học sinh nghèo vượt khó; khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí… cho hộ nghèo

Dak Lak phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 11,67% vào cuối năm 2013 (tức là giảm 3% so với cuối năm 2012). Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ và kịp thời các chính sách giảm nghèo theo Nghị quyết số 27/2011 của HĐND tỉnh; tập trung ưu tiên nguồn lực để thực hiện giảm nghèo tại 19 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao; ưu tiên nguồn vốn cho vay phát triển sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân; hỗ trợ nâng cao năng lực giảm nghèo, truyền thông và giám sát đánh giá thực hiện chương trình…

Kỳ cuối: Để thoát nghèo bền vững

Ngọc Nguyên

 

 

 

 

 


Ý kiến bạn đọc