Đừng để "con sâu làm rầu nồi canh"
Vào hồi tháng 4-2013, sự việc một bác sĩ ở Bệnh viện H. đã kê nhầm thuốc rối loạn cương dương cho bệnh nhân viêm Amydal, tuy không để lại hậu quả, nhưng đó cũng là bài học đối với người thầy thuốc và bệnh nhân trong việc kiểm tra lại đơn thuốc. Sự việc đó, theo lý giải từ phía bệnh viện, do lượng bệnh nhân đông quá và bác sĩ không kiểm tra lại tên thuốc nên dẫn đến xảy ra sự cố như thế. Theo Quyết định số 11/2007/QĐ-BYT, ngày 24-11-2007 của Bộ Y tế, nguyên tắc “Thực hành tốt nhà thuốc” là đặt lợi ích của người bệnh và sức khỏe của cộng đồng lên trên hết; cung cấp thuốc bảo đảm chất lượng kèm theo thông tin về thuốc, tư vấn thích hợp cho người sử dụng và theo dõi việc sử dụng thuốc của họ…”. Ngoài sự việc nêu trên, ở một số nơi, trong một số trường hợp, bệnh nhân bị “tước” mất quyền được biết về các thông tin của thuốc và các tư vấn của bác sĩ, dược sĩ để dùng thuốc chữa bệnh. Một lần vào một bệnh viện trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột khám bệnh, lấy thuốc, khi kiểm tra lại thuốc, tôi thấy có một loại thuốc tên không giống với đơn bác sĩ đã kê cho mình nên quay lại hỏi người cấp thuốc, không những không được giải thích thắc mắc, tôi còn bị người cấp thuốc nói những lời lẽ xúc phạm. Tôi đành nhờ một người quen cũng làm việc trong bệnh viện đó hỏi lại giùm, nhưng chị ta cũng nhận được thái độ khó chịu từ nhân viên cấp thuốc…
Trong một trường hợp khác, lúc đi mua thuốc ho, sổ mũi cho con, ngoài 2 loại thuốc gói dạng dung dịch hỗn hợp có tên, liều lượng và hướng dẫn sử dụng rõ ràng in trên bao bì, thì 4 loại thuốc viên còn lại (24 viên), không thấy tên thuốc, nhân viên bán thuốc chỉ dặn mỗi loại cho uống 2 viên/ngày vào buổi sáng và tối. Với bản tính cẩn thận, tôi đề nghị nhân viên viết vào một tờ giấy tên đầy đủ của những loại thuốc đó, để trong quá trình sử dụng nếu có tác dụng phụ hoặc dị ứng với các thành phần của thuốc thì sẽ báo lại với bác sĩ khám. Nghe tôi nói vậy, nhân viên nọ đã giật lấy hết số thuốc trên tay tôi và bảo “chị đi quầy thuốc khác mà mua, quầy thuốc của em bán đúng thuốc chứ không ghi tên gì hết”. Cũng theo Quyết định 11, người bán lẻ phải tư vấn cho người mua về lựa chọn thuốc, hướng dẫn cách sử dụng thuốc bằng lời. Trong trường hợp không có đơn thuốc kèm theo, người bán lẻ phải hướng dẫn sử dụng thuốc thêm bằng cách viết tay hoặc đánh máy, in gắn lên bao bì trước khi giao cho người mua.
Vẫn biết, vài sự việc nêu trên cũng chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” trong ngành y tế, nhưng nếu không kịp thời chấn chỉnh hoặc có biện pháp xử lý thì rất dễ gây hậu quả nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh mà còn làm mất niềm tin giữa bệnh nhân và thầy thuốc, uy tín của bệnh viện, phòng khám, hiệu thuốc cũng dần mất đi.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc