Multimedia Đọc Báo in

Hỡi ơi khói thuốc!

09:28, 31/05/2013

Kỳ III: Bỏ thuốc, chuyện riêng mà không riêng!

“Nhớ ai như nhớ thuốc lào/Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”, cuộc chiến với thứ thức hút gây nghiện này quả không đơn giản, dễ dàng. Bởi vậy, không còn là chuyện cá nhân, phòng chống tác hại của thuốc lá đã trở thành vấn đề xã hội khi cộng đồng cùng lên tiếng và vào cuộc...

Chuyện của các “tín đồ” 

Mới gần 50 năm tuổi đời nhưng đã có thâm niên hơn 30 năm nghiện thuốc lào, thuốc lá nên mặc dù vợ, con cằn nhằn rồi hết lời khuyên nhủ, phân tích nhưng ông Lê Văn Lai ở tổ dân phố 8 (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) cũng chưa từng nghĩ đến chuyện thử bỏ thuốc. Đối với ông, hút thuốc cũng quan trọng như ăn cơm, uống nước hằng ngày. Đi đâu, làm gì trên tay ông lúc nào cũng có điếu thuốc “làm bạn”. Cách đây 5 năm, ông liên tục bị những cơn ho kéo dài đến mất ăn, mất ngủ, người gầy xọp, sức khỏe giảm đi trông thấy. Sau một lần đi khám bệnh, được bác sĩ tư vấn, ông quyết tâm bỏ thuốc. “Đúng là “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”, trước kia ai nói gì tôi cũng mặc, cứ hút cho sướng cái đã, bệnh tật tính sau. Nhưng từ khi bị ho nhiều, đi chụp X-quang thấy phổi mình nám hẳn đi, bề mặt gan thô ráp, xù xì, bác sĩ bảo nếu cứ tiếp tục hút có nguy cơ dẫn đến ung thư phổi, gan. Tôi sợ quá nên quyết tâm cai thuốc. Từ khi bỏ được thuốc lá người khỏe hẳn lên, hơi thở không còn mùi khó chịu, lại đỡ tốn một khoản tiền mua thuốc lá”, ông Lai thổ lộ.

Năm 2007, sau khi được mời tham dự một buổi truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá do hội phụ nữ tổ chức, anh Đỗ Văn Tân ở thôn Tiến Thành (xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar) mới thực sự hiểu hết những ẩn họa đằng sau khói thuốc. Trước đây, anh chỉ biết rằng hút thuốc lá có hại sức khỏe nhưng cụ thể như thế nào, khói thuốc có thể gây ra những bệnh gì thì còn rất mơ hồ. Sau khi xem những video clip quay cảnh bệnh nhân đau đớn chống chọi với những căn bệnh có liên quan đến thuốc lá, anh Tân thực sự rùng mình. Với suy nghĩ “không có gì là quá muộn” lại thêm sự động viên, hỗ trợ từ phía gia đình, anh quyết tâm bỏ thuốc. Mỗi lần lên cơn thèm thuốc, anh  cố tìm cách quên bằng cách vùi đầu vào làm việc. Thế rồi từ chỗ mỗi ngày hút một gói, anh giảm dần số lượng và bỏ hẳn.

Đó là hai trong số nhiều trường hợp đã cai được thuốc lá nhưng trên thực tế, số người bỏ rồi lại hút hoặc cố tình “tập” hút thuốc không phải là ít. Chẳng hạn như anh N.M.C ở tổ dân phố 7 (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột). Sau 6 năm kết hôn, đến giờ khi cô con gái đã gần 5 tuổi nhưng lời hứa “ngày con cất tiếng khóc chào đời, anh sẽ bỏ thuốc lá” của anh vẫn chỉ là “lời nói gió bay”. Mặc dù đã ký vào tờ giấy cam kết “Ngôi nhà không khói thuốc” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động vào tháng 6-2010 nhưng sau khi anh bỏ thuốc được 8 tháng, vợ con chưa kịp mừng thì mọi việc lại đâu vào đấy. Sau đợt đó, dù vợ tiếng to, tiếng nhỏ, khuyên nhủ đủ điều, còn sưu tầm cả tài liệu, sách báo nói về tác hại của thuốc lá cho anh tham khảo nhưng lòng anh vẫn kiên định như “kiềng 3 chân”. Nhiều lần vợ chồng giận dỗi, không khí gia đình căng thẳng cũng chỉ vì chuyện hút thuốc lá, biết vậy nhưng mãi anh vẫn chưa bỏ được. Lý do được anh C. đưa ra: “Bỏ thuốc nhạt miệng lắm, ăn không ngon, người cứ lừ đừ, làm việc gì cũng uể oải”.

Kiểm tra chức năng hô hấp cho bệnh nhân bị bệnh phổi do ảnh hưởng của khói thuốc.
Kiểm tra chức năng hô hấp cho bệnh nhân bị bệnh phổi do ảnh hưởng của khói thuốc.

 Đã thành chuyện chung

Bỏ thuốc lá đã không còn là chuyện riêng của những người nghiện thuốc. Câu chuyện này đã trở thành nội dung, chương trình hành động của nhiều tổ chức, đoàn thể. Bà Đặng Thị Hương, Trưởng Ban Gia đình - Xã hội (Hội LHPN tỉnh) cho biết, hưởng ứng chiến dịch “Ngôi nhà không khói thuốc” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động từ năm 2010, Tỉnh hội đã chỉ đạo hội phụ nữ các cấp phát động, triển khai đến các gia đình hội viên có người hút thuốc lá ký cam kết tham gia chiến dịch. Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng đẩy mạnh công tác truyền thông, lồng ghép nội dung tuyên truyền tác hại của thuốc lá trong các buổi sinh hoạt, hội họp, trong triển khai các mô hình “5 không, 3 sạch”, “gia đình không có người thân phạm tội và mắc tệ nạn xã hội”, “gia đình hạnh phúc”… Toàn tỉnh cũng đã thí điểm thành lập được 3 câu lạc bộ “Gia đình không khói thuốc” nhưng thật đáng buồn khi đến nay cũng đã “chết yểu”. Riêng chiến dịch “Ngôi nhà không khói thuốc” thì chỉ phát động được 1 năm sau đó dần chìm vào quên lãng vì… không có kinh phí triển khai tiếp.

Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh cũng vào cuộc trong “cuộc chiến” này. Theo đó, các công đoàn cơ sở chủ động phối hợp xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá trong công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) gắn với thực hiện xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa và xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh; xây dựng hệ thống áp phích, khẩu hiệu hành động tại các phòng làm việc, xưởng sản xuất, trường học, bệnh viện; vận động CNVCLĐ và gia đình ký cam kết; bổ sung tiêu chí “Cấm hút thuốc lá” vào nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Võ Thị Hạnh thì công tác tuyên truyền mới chỉ được phát động, triển khai đồng bộ trong năm 2009, còn những năm sau đó thì chưa thực sự được các cấp Công đoàn, cơ quan, đơn vị duy trì thường xuyên, thậm chí nhiều nơi còn xem nhẹ hoặc bị lãng quên. Cũng theo bà Hạnh thì khó khăn lớn nhất hiện nay trong xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc là người đứng đầu nhiều cơ quan, đơn vị lại nghiện thuốc lá nên chưa nhiệt tình hoặc khó chỉ đạo thực hiện. Theo thống kê sơ bộ của LĐLĐ tỉnh, năm 2012 có khoảng 13.800 CNVCLĐ hút thuốc lá, trong đó có trên 8.200 người giảm hút và 2.400 người đã bỏ thuốc lá, nhưng số người tái nghiện vẫn chiếm tỷ lệ cao trên 50%.

Đối với ngành Giáo dục, mặc dù cũng đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền như đưa nội dung này vào phong trào thi đua, xét điểm thi đua của giáo viên, của lớp; giáo viên phải là người gương mẫu để học sinh noi theo; tổ chức nói chuyện chuyên đề về tác hại của thuốc lá… nhưng kết quả vẫn chưa đạt được như mong muốn. Tổng số lao động, viên chức của ngành là 33.413 người, trong đó nam giới là 18.470; về học sinh, trong tổng số 457.313 em, thì số học sinh nam là 237.499 em. Số lượng nam nhiều sẽ càng làm cho công tác tuyên truyền, vận động bỏ thuốc lá gặp nhiều khó khăn.

Đàm Xuân Gia

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.