Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực “trồng người” ở vùng biên

15:12, 17/05/2013

Là huyện nghèo, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhưng sự nghiệp “trồng người” ở vùng biên Ea Súp luôn được Đảng bộ và chính quyền địa phương quan tâm, chăm lo đúng mức. Nhờ vậy bức tranh giáo dục-đào tạo ở đây đã dần sáng rõ lên, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội trên vùng quê này.

Không còn “điểm trắng” về giáo dục

Đến nay, Ea Súp không còn “điểm trắng” về giáo dục, kể cả những khu dân cư mới quy hoạch cho hàng trăm hộ dân di cư tự do từ các tỉnh, thành phía bắc đổ vào như Cư K’bang, Ia R’vê, Ea Rôk, Ya T’mốt… cũng được Nhà nước đầu tư xây dựng nhiều trường học khang trang và ngày càng hoàn thiện hơn, đáp ứng nhu cầu học tập cho con em đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Bà Hoàng Thị Hiệp, Quyền Trưởng phòng GD-ĐT huyện Ea Súp cho biết, trên địa bàn huyện vùng biên này không còn tình trạng học ba ca/ngày, trường lớp cũng từng bước được kiên cố hóa đàng hoàng hơn. Trong số 32 ngôi trường của các bậc học (mầm non, tiểu học và trung học cơ sở) ở đây đã có hơn một nửa được xây cao tầng, có cơ sở vật chất khá đầy đủ, đồng bộ phục vụ công tác dạy và học cho khoảng 16.000 học sinh các cấp.

Điều đáng nói hơn, những năm gần đây, Ea Súp là một trong những “điểm nóng” của di dân tự do đổ vào, khiến áp lực đè nặng lên ngành giáo dục rất lớn. Trong bối cảnh ấy, chính quyền địa phương đã không ngừng nỗ lực giải quyết vấn đề học hành cho con em người dân từ các nơi về đây lập nghiệp. Những tiểu khu 249, 265, 271…thuộc địa bàn các xã Cư K’bang, Cư M’Lan, Ea Lê đã nhanh chóng có nhiều phân hiệu trường tiểu học mở ra để đón nhận và thu hút con em đồng bào Tày, Nùng, H’mông và Dao đến trường. Ông Bun Thó Lào, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp cho rằng, mặc dù cơ sở vật chất ở các phân hiệu này còn khó khăn, thiếu thốn… nhưng thời gian qua, đội ngũ thầy cô giáo vẫn kiên trì bám lớp để chăm lo sự nghiệp “trồng người” cho những vùng quê đặc biệt khó khăn này. Thầy giáo Kiều Hòa Nha, Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Văn Trỗi (Ea Lê) chia sẻ thêm: cứ luân phiên nhau, hằng tháng mỗi thầy cô giáo ở đây đều có lịch phân công vào các phân hiệu trực thuộc trên để đứng lớp và duy trì sĩ số học sinh đạt yêu cầu, nhờ vậy đã khắc phục được tình trạng bỏ “trắng” giáo dục tại những điểm dân di cư tự do vừa mới được huyện Ea Súp đưa vào quy hoạch gần đây.

Ưu tiên cho giáo dục

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện, Bun Thó Lào, từ nhiều nguồn lực khác nhau, mỗi năm địa phương đầu tư cho giáo dục khoảng 18-19 tỷ đồng. Từ mối quan tâm, ưu tiên ấy, bức tranh giáo dục ở huyện vùng biên này ngày càng sáng lên. Vào xã vùng sâu Ea Rok sẽ thấy rõ điều đó, bởi tại địa bàn này hiện đã có 7 trường học được xây dựng khang trang và bề thế, phục vụ nhu cầu học tập cho gần 3.000 học sinh các bậc mầm non, tiểu học, THCS và cả PTTH. Ông Bùi Đức Nguyệt, Chủ tịch UBND xã Ea Rok thừa nhận: giáo dục ở đây được Nhà nước quan tâm hàng đầu, cứ nhìn những ngôi trường đang được triển khai xây dựng theo hướng kiên cố hóa kia khắc biết nguồn lực dành cho sự nghiệp “trồng người” ở vùng biên này như thế nào! Có thể nói là nhanh chóng và có quy mô nhất trong vùng, vì ông chủ tịch xã này cho rằng: chỉ trong vòng 5-7 năm trở lại đây từ vùng rừng heo hút, dân cư thưa thớt và cơ sở hạ tầng chưa có gì ngoài trụ sở của các lâm trường quản lý, bảo vệ rừng… vậy mà nay đã trở thành thị tứ sầm uất và nhộn nhịp. Một phần lớn thành quả ấy cũng nhờ chính sách ưu tiên phát triển cho giáo dục.Nhiều ngôi trường được xây dựng nên, đường giao thông được quy hoạch, kiến thiết phục vụ nhu cầu cho con em người dân đi lại và học hành… đã trở thành những công trình xây dựng cơ bản nổi bật nhất trong vùng, góp phần làm thay đổi diện mạo đời sống ở vùng biên xa xôi này.

Đường giao thông và điện được đầu tư xây dựng trên vùng biên Ea Súp tạo điều kiện cho các em đi lại và học hành thuận lợi hơn.
Đường giao thông và điện được đầu tư xây dựng trên vùng biên Ea Súp tạo điều kiện cho các em đi lại và học hành thuận lợi hơn.

Đánh giá của Ông Bùi Đức Nguyệt quả thật xác đáng, những cơ sở giáo dục đã và đang được xây dựng tại đây đã thật sự vẽ nên gam màu ấn tượng cho khu dân cư thuộc cánh Nam của huyện Ea Súp hiện nay. Theo cô Hoàng Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Viết Xuân và thầy Lê Phi Hùng, Trường THCS Lê Đình Chinh, trong năm học tới hàng chục phòng học, phòng hiệu bộ, phòng thực hành chuyên môn (hai tầng lầu) của hai ngôi trường này hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ không những góp phần nâng cao chất lượng dạy và học cho con em người dân địa phương, mà còn có ý nghĩa tạo dựng cơ sở quan trọng ban đầu để cùng với các công trình hạ tầng khác như: điện - đường - trạm y tế và chợ Ea Rok…hình thành nên khu trung tâm kinh tế-văn hóa-xã hội thứ hai (sau thị trấn Ea Súp) cho cả khu vực phía Nam vùng biên này. Ông Bun Thó Lào cho rằng, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển lâu dài. Vì thế  Ea Súp đang dồn sức cho công tác này thông qua kế hoạch kiểm tra, khảo sát và đánh giá hằng năm trên các mặt: nhân lực, chất lượng và đặc biệt là việc xây dựng cở sở vật chất cho các trường… để đẩy mạnh sự nghiệp “trồng người” ở đây sớm theo kịp với các địa phương khác trong toàn tỉnh.

Phương Đình

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.