Multimedia Đọc Báo in

Tạo môi trường an toàn, lành mạnh và điều kiện sống thuận lợi cho trẻ em

09:35, 31/05/2013

Trẻ em là niềm hạnh phúc của gia đình, là tương lai của cả nhân loại. Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em không chỉ là trách nhiệm của mỗi gia đình mà còn là trách nhiệm chung của Nhà nước và của toàn xã hội. Khẩu hiệu “Trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai” đã và đang trở thành phương châm hành động của nhiều quốc gia trên thế giới, là mối quan tâm của Liên hiệp quốc cũng như của Nhà nước ta.

Trò chơi đu quay tại Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh.                                                                                      Ảnh: Hoàng Gia
Trò chơi đu quay tại Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh. Ảnh: Hoàng Gia

Tại Dak Lak, hằng năm UBND tỉnh, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã có nhiều văn bản chỉ đạo cụ thể liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em như: xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 1408/CT-TTg, Chỉ thị 11/CT-UBND về việc tăng cường thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh; triển khai thực hiện Quyết định số 37/2010/QĐ-TTg về xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em; thực hiện xây dựng mô hình Ngôi nhà an toàn với trẻ em theo quyết định số 548/QĐ-LĐTBXH, của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về ban hành tiêu chí Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; Công văn số 3595/UBND-VHXH về tăng cường công tác phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh; Quyết định 1851/QĐ-UBND của UBND tỉnh về phê duyệt Chương trình Bảo vệ trẻ em tỉnh Dak Lak giai đoạn 2011-2015. Bên cạnh đó, để tiếp tục tăng cường và thực hiện có hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý cho trẻ em theo Chỉ thị số 1408/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Quyết định số 267/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015, liên ngành Sở Tư pháp, Sở Lao động - Thương binh và xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính, UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã thống nhất kế hoạch phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý cho trẻ em giai đoạn 2011-2015.

Tính đến năm 2011, toàn tỉnh có  641.404 trẻ em từ 0-16 tuổi, chiếm 37,1% dân số; trong đó hiện còn hơn 11.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 5.000 trẻ em khuyết tật, và trên 65.000 trẻ em đang sống trong những hộ gia đình nghèo. Sau hơn 10 năm triển khai Chương trình hành động vì trẻ em, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh có nhiều tiến bộ, đạt được những thành tựu đáng kể. Các quyền cơ bản của trẻ em được bảo đảm, đời sống vật chất, tinh thần từng bước được cải thiện. Các chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu, giáo dục mầm non, tiểu học, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đều khởi sắc. Hằng năm có trên 95% trẻ được tiêm chủng đầy đủ 6 bệnh truyền nhiễm; tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng từ gần 47% vào năm 2000 đã giảm xuống còn 27% vào năm 2010; 100% trẻ mồ côi đã được quan tâm, chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội và tại cộng đồng; hơn 1.500 trẻ (khoảng 90% số trẻ) sứt môi, hở hàm ếch đã được phẫu thuật nụ cười; có hơn 3.000 trẻ tàn tật và bệnh hiểm nghèo được khám, chữa bệnh, phẫu thuật và phục hồi chức năng; hơn 28.000 lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được chăm sóc, giúp đỡ (tăng 70% so với năm 2000)…

Tuy nhiên, hiện nay ở tỉnh ta vẫn tồn tại một số vấn đề liên quan đến việc bảo vệ quyền trẻ em; chỉ tiêu của Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em Dak Lak giai đoạn 2001 – 2010 chưa đạt yêu cầu đề ra, đặc biệt là chỉ tiêu giảm số lượng trẻ em bị xâm phạm tình dục, bị lạm dụng sức lao động, bị mua bán, bị bạo lực, bị tai nạn, thương tích, nhiễm HIV, phạm các tội đặc biệt nghiêm trọng… Chỉ tính riêng trong 3 năm từ 2009-2011, tổng số vụ bạo lực, xâm hại trẻ em ở tỉnh ta là 167 vụ. Trong đó, đáng chú ý là số vụ liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em chiếm tỷ lệ cao (95 vụ, chiếm 56,8% tổng số vụ bạo lực, xâm hại trẻ em) và đang có chiều hướng gia tăng (năm 2010 là 26 vụ; năm 2011 là 31 vụ). Những địa phương xảy ra nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em là: TP. Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ và các huyện: Cư M’gar, Ea Kar, Ea H’leo, Buôn Đôn. Ngoài ra, những vụ án mạng liên quan đến giết hại trẻ em xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cũng rất nghiêm trọng không những gây xôn xao, bức xúc trong xã hội (vụ đốt 2 trẻ tại thị xã Buôn Hồ, vụ giết trẻ em vứt xuống giếng tại huyện Cư Kuin…) mà còn đặt ra câu hỏi về nguồn gốc sự xói mòn, xuống cấp của đạo đức xã hội hiện nay.

Nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên là do hệ thống luật pháp, chính sách về bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa đầy đủ, đồng bộ; đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực chuyên môn, đặc biệt ở cấp xã; hệ thống dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã được hình thành nhưng có chưa đầy đủ và chưa đáp ứng được yêu cầu; ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, cha mẹ, giáo viên và công dân chưa tốt; kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa được phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong toàn xã hội; hệ thống thông tin quản lý, cơ sở dữ liệu về bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa đầy đủ, thiếu tin cậy…

Để có một thế giới phù hợp với trẻ em, nhằm tạo ra môi trường sống an toàn, lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi để cho trẻ em sống và phát triển, bảo đảm việc thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em, thực hiện các mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc, góp phần thực hiện tốt công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em cần có những giải pháp sau:

Thứ nhất, Quốc hội cần xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004, trong đó xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm và vai trò của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình và các cá nhân trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đáp ứng các nhu cầu chăm sóc và bảo vệ an toàn cho mọi trẻ em; bổ sung một chương riêng về bảo vệ trẻ em nhằm tăng khả năng phòng ngừa, ngăn chặn các nguy cơ xâm hại, bạo lực trẻ em; bổ sung những quy định, chế tài cụ thể, thích đáng về các hành vi xâm hại, bạo lực đối với trẻ em; quy định rõ các thủ tục và quy trình phòng ngừa, trợ giúp và giải quyết các trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo lực, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình và các cá nhân phòng ngừa các hành vi xâm hại, bạo lực đối với trẻ em.

Thứ hai, Chính phủ cần quan tâm, xem xét xây dựng hệ thống thông báo về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em một cách chuyên nghiệp từ Trung ương đến địa phương, hệ thống cần được lồng ghép, đưa ra các khâu phòng ngừa, can thiệp, hỗ trợ phục hồi cho trẻ em bị xâm hại để tránh hậu quả dẫn đến những hành vi rối loạn, trầm cảm của trẻ.

Thứ ba, UBND tỉnh cần tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo UBND các cấp trong công tác bảo vệ trẻ em; rà soát thực trạng trẻ em lang thang, trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm để có giải pháp hỗ trợ, bảo vệ các đối tượng trẻ em này. Quan tâm đầu tư nguồn kinh phí  thực hiện các chương trình bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em, chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng các điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng.

Thứ tư, UBMTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức đoàn thể và các sở, ngành liên quan cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm phối hợp giữa các sở, ngành, đoàn thể trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và tăng cường công tác tuyên truyền, vận động xã hội với nội dung phù hợp với từng khu vực, từng vùng và từng nhóm đối tượng nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư... Tập trung hoạt động truyền thông vào những vùng trọng điểm, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, có như vậy mới nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong tình hình mới, kịp thời ngăn ngừa và giảm thiểu trẻ em bị lạm dụng, xâm hại và bạo hành trong tương lai.

            Võ Quang Tuyên

(Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội của HĐND tỉnh)


Ý kiến bạn đọc