Multimedia Đọc Báo in

Tháng 5, tuổi trẻ báo công dâng Bác

16:51, 27/05/2013

Những ngày tháng 5 lịch sử, người dân Việt Nam bồi hồi nhớ thương Bác. Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ khắp mọi miền từ miền xuôi lên miền ngược, từ thành thị đến nông thôn, từ học sinh sinh viên đến công nhân viên chức, chiến sĩ, sôi nổi các hoạt động báo công mừng sinh nhật Người...

Bằng tấm lòng kính yêu Bác vô hạn, với lòng nhiệt huyết và trách nhiệm, tuổi trẻ các dân tộc Dak Lak cũng hăng hái thi đua học tập, công tác, lao động sáng tạo, huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Rất nhiều, rất nhiều những công trình, phần việc thanh niên đã được thực hiện từ niềm đam mê và khát khao cống hiến của tuổi trẻ. Màu áo xanh của những chiến sĩ thanh niên tình nguyện đã trở nên thân thuộc trên mỗi tuyến đường trong các hoạt động bảo đảm an toàn giao thông; giữ gìn đô thị, xóm làng, thôn buôn văn minh, xanh, sạch, đẹp. Mỗi mùa hè xanh đi qua, tuổi trẻ để lại dấu ấn của mình bằng các hoạt động thiết thực, đầy nghĩa tình như: xây dựng và sửa chữa nhà nhân ái cho cựu thanh niên xung phong; khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí; ôn tập hè cho học sinh nghèo vùng sâu; hiến máu nhân đạo; nạo vét kênh mương, làm đường giao thông nông thôn... Cũng đã rất nhiều năm rồi, “sức nóng” những mùa thi đại học, cao đẳng của các sĩ tử như dịu hơn khi đồng hành với họ là các chiến sĩ thanh niên tình nguyện với phong trào tiếp sức mùa thi.

Tuyên dương những thanh niên điển hình làm theo lời Bác.
Tuyên dương những thanh niên điển hình làm theo lời Bác.

Thể hiện sức trẻ và vai trò xung kích, tuổi trẻ Dak Lak cũng sôi nổi với những hoạt động chiều sâu, được cụ thể hóa trong các phong trào: Sinh viên 5 tốt, học sinh 3 rèn luyện, sáng tạo trẻ trong công chức viên chức, thanh niên chung tay xây dựng nông thôn mới... Cũng từ đây, trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đã xuất hiện nhiều thanh niên tiên tiến, họ là những minh chứng sống cho phong trào “Tuổi trẻ Dak Lak làm theo lời Bác” đã và đang được phát động và khơi dậy mạnh mẽ trong các tổ chức đoàn. Khắc ghi lời Bác dạy, học để rèn đức luyện tài, nhiều học sinh sinh viên đã vượt qua những khó khăn về vật chất để làm giàu thêm tri thức cho mình bằng lòng quyết tâm, ham mê nghiên cứu, học hỏi. Đó là tấm gương của cô sinh viên Khoa Sư phạm Vật lý K09 - Trường Đại học Tây Nguyên, người sở hữu bảng thành tích đáng nể khi đoạt giải Ba cá nhân và giải Nhì đồng đội với vai trò là đội trưởng đội tuyển Olympic Vật lý cấp toàn quốc, được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Vật lý Việt Nam; đạt danh hiệu “Sao tháng giêng” năm học 2012-2013 do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam trao tặng. Không chỉ là người gương mẫu, xung kích trong các phong trào Đoàn, Trần Quang Cưới, học sinh Trường THPT Krông Bông, huyện Krông Bông còn là một “cây học tập” khi 10 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện; năm 2013 đoạt giải Ba kỳ thi giải toán - vật lý trên máy tính cầm tay cấp tỉnh...

Không chùn bước trước gian khó, nhiều thanh niên có ý chí, khát vọng làm giàu chính đáng và đã trở thành những triệu phú trẻ. Ở buôn Cư Phieng, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, tấm gương làm kinh tế của Y Hô Byă được nhiều đoàn viên khâm phục khi năm 2000, sau khi lập gia đình với số vốn 9 triệu đồng (4 triệu tiền vốn, 5 triệu tiền vay), vợ chồng anh chăm chỉ làm ăn, đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, mở rộng diện tích đất canh tác theo phương châm lấy ngắn nuôi dài. Từ một hộ nghèo, đến nay gia đình anh đã thoát nghèo, trở thành hộ có thu nhập khá của buôn, mỗi năm thu nhập trên 170 triệu đồng. Học tập và làm theo lời Bác, dám nghĩ dám làm, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, chăn nuôi, gia đình anh Nguyễn Đăng Vinh, bí thư Chi đoàn thôn 3, xã Ea Lê, huyện Ea Súp thu nhập từ 50-75 triệu đồng. Tận dụng đất vườn còn trống, anh đầu tư nuôi 500 con gà thả vườn, tăng thu nhập thêm 30 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Được đoàn viên thanh niên và bà con tin yêu, anh Y Tuyên Du, bí thư Đoàn xã Bông Krang, huyện Lak cùng Ban Chấp hành Đoàn xã đứng ra tín chấp với ngân hàng chính sách xã hội đã giúp cho nhiều hộ gia đình đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, góp phần xóa đói giảm nghèo, yên tâm học tập và lập nghiệp.

Trên lĩnh vực giữ gìn trật tự an ninh xã hội và bảo vệ Tổ quốc, nhiều đoàn viên thanh niên trở thành những hạt nhân tiêu biểu trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Thực hiện tốt 6 điều Bác Hồ dạy công an nhân dân, Y Phan Hwing là một cán bộ trinh sát xuất sắc của Đội đấu tranh phòng chống tội phạm theo tuyến, địa bàn (Phòng CSĐTTP về TTXH, Công an tỉnh). Anh đã trực tiếp đề ra nhiều kế hoạch, tổ chức tiến hành các hoạt động đấu tranh, phòng ngừa tội phạm đạt hiệu quả.  Anh đã cùng đồng đội điều tra làm rõ 40 vụ trộm cắp tài sản bắt giữ 14 đối tượng; 4 vụ cướp tài sản bắt giữ 7 đối tượng; 12 vụ cướp giật tài sản bắt giữ 19 đối tượng. Anh đã tham gia đấu tranh nhiều chuyên án  giết người, cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản. Với những thành tích đã đạt được, năm 2012, anh được nhận Bằng khen của Bộ Công an về thành tích xuất sắc trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; Bằng khen của Tỉnh ủy Dak Lak về thành tích xuất sắc trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về thành tích đột xuất, xuất sắc trong công tác, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Đó còn là tấm gương của Dương Quốc Bảo, trợ lý tác huấn Trung đoàn 584, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Tận tụy trong công việc, phát huy vai trò xung kích của một đảng viên trẻ đang sinh hoạt Đoàn, anh đã đề xuất nhiều mô hình mới, cách làm hay đặc biệt trong nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Anh được Tỉnh ủy Dak Lak trao tặng Bằng khen đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu biểu 5 năm liền 2007-2011 và là chiến sĩ điển hình trong thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.

Trên mỗi lĩnh vực, ở mỗi cơ quan, đơn vị, từ nhiều buôn làng, lớp lớp thanh niên vẫn đang nỗ lực đem sức trẻ cống hiến xây dựng quê hương. Họ là những bông hoa tươi thắm trong vườn hoa đầy hương sắc mà tuổi trẻ dâng kính tặng Người.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.