Multimedia Đọc Báo in

Xã Ea H’leo (huyện Ea H’leo): Hơn 100 hộ dân di cư tự do làm nhà, rẫy trái phép trên đất lâm nghiệp

09:51, 27/05/2013

Ngày 23-5, đại diện ngành chức năng của tỉnh phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea H’leo và chính quyền xã Ea H’leo đã có cuộc kiểm tra, xác minh thực trạng phá rừng xâm chiếm đất, làm nhà ở trái phép trong đất lâm nghiệp tại địa bàn xã Ea H’leo.

Nhiều hộ dân di cư tự do làm nhà ở, dựng chòi tạm trái phép trên đất lâm nghiệp tại rừng cộng đồng buôn Treng.
Nhiều hộ dân di cư tự do làm nhà ở, dựng chòi tạm trái phép trên đất lâm nghiệp tại rừng cộng đồng buôn Treng.

Qua kiểm tra thực tế, hiện nay tại các tiểu khu: 10, 15, 20, 26, 27 có 122 hộ, gồm 396 nhân khẩu đã làm nhà ở và trồng hoa màu, cây công nghiệp lâu năm trên đất rừng. Nhiều hộ đã xây nhà kiên cố, dựng chòi, làm nhà tạm trong đất lâm nghiệp do phá rừng hoặc tự sang nhượng  trái phép với nhau mà có. Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã bị 122 hộ di cư tự do phá trắng rồi xâm chiếm, mua bán trái phép để làm nhà ở, rẫy nương là 355 ha. Trong đó, đất đã trồng cà phê: 7,3 ha, cây điều: 12,28 ha, cao su: 26 ha, hồ tiêu: 2,25 ha và đất trồng cây nông nghiệp ngắn ngày: 251,97 ha.

Phần đông dân di cư tự do đến định cư trái phép rải rác trong 5 tiểu khu rừng cộng đồng buôn Treng chủ yếu là người dân từ các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ như: Bình Phước, Bình Dương, Cà Mau, Bạc Liêu… Trong tổng số 122 hộ gia đình nói trên, mới chỉ có 17 hộ đã nhập khẩu tại xã Ea H’leo. Vì người dân di cư tự do và định cư giữa rừng nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn: Hơn 10 năm nay không có điện thắp sáng; con em trong độ tuổi đi học không được cắp sách đến trường; khi ốm đau, xảy ra tai nạn thì khó được chạy chữa kịp thời do nơi ở của người dân cách xa cơ sở y tế, giao thông trắc trở…

Trước thực trạng trên, UBND huyện Ea H’leo đã lập tờ trình báo cáo UBND tỉnh, các cơ quan có thẩm quyền cấp trên xem xét để có hướng chỉ đạo, hỗ trợ giải quyết nạn phá rừng, chiếm đất lâm nghiêp định cư và làm rẫy nương trái phép ở địa bàn xã Ea H’leo.

Ngọc Tài


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.