Chuyện về một lớp học đặc biệt
Ba năm nay, tại Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục hòa nhập Trẻ khuyết tật tỉnh xuất hiện một lớp học đặc biệt có cái tên dễ thương là “Sóc nâu”. Đây là lớp học dành cho trẻ tự kỷ đầu tiên ở Dak Lak, tạo thêm niềm hy vọng cho các bậc cha mẹ có con mắc phải căn bệnh này.
Gian nan hành trình thành lập
Lớp “Sóc nâu” được thành lập vào năm 2010, nhưng ít ai biết rằng, để có được lớp học này là cả một hành trình gian nan, nỗ lực không mệt mỏi của nhiều cán bộ, giáo viên Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục hòa nhập Trẻ khuyết tật tỉnh và sự chung tay góp sức của các bậc phụ huynh cùng với những hỗ trợ của Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam.
Một giờ học chung của lớp Sóc nâu. |
Chị Đinh Thị Hoa, giáo viên chủ nhiệm lớp Sóc nâu, người đã gắn bó với lớp từ khi thành lập đến nay, nhớ lại: “Ban đầu, với mục tiêu can thiệp dày hơn, sâu hơn, tích cực hơn, giáo viên có đề xuất thành lập lớp là để dành cho những học sinh theo học can thiệp sớm tại Trung tâm mà không tiến bộ. Đây chủ yếu là các em bị tự kỷ, chậm phát triển cần được áp dụng các biện pháp can thiệp tích cực càng sớm càng tốt. Mặc dù Trung tâm vẫn có phòng Can thiệp sớm dành cho những học sinh chậm phát triển song các em chỉ đến học một tuần mấy buổi, việc học can thiệp như vậy chỉ tỏ ra có hiệu quả đối với những em thuộc dạng khuyết tật, rối loạn nhẹ. Và để các em có thể tiến bộ, nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, bên cạnh việc học ở Trung tâm còn đòi hỏi sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục của gia đình. Với những em thuộc dạng nặng, như tự kỷ, đặc biệt là các cháu mà phụ huynh bận mưu sinh, không đủ kiên nhẫn hoặc không có phương pháp dạy con đúng thì cần phải can thiệp sâu, can thiệp dày mới tiến bộ được”. Tuy nhiên, khi đề xuất này được đưa ra bàn thảo, ngay trong Ban giám hiệu Trung tâm cũng không thống nhất, có nhiều ý kiến phản đối gay gắt, không tin tưởng vào sự thành công của mô hình lớp học, bởi thêm một lớp học là thêm áp lực trong việc bố trí nhân lực, sắp xếp lại cơ sở vật chất. May mắn là ông Trần Xuân Tiến, Giám đốc Trung tâm rất hiểu và thông cảm với hoàn cảnh của những gia đình có con bị tự kỷ nên đã rất quyết tâm và kiên định để thành lập lớp học này. Bên cạnh đó, những phụ huynh có con bị tự kỷ, trong đó có nhiều trường hợp đã từng phải đưa con đi chạy chữa khắp nơi, hay gửi con đi học tại TP. Hồ Chí Minh rất tha thiết với việc có một lớp học dành cho trẻ tự kỷ ngay tại địa phương. Các phụ huynh đã tự tập hợp lại thành một nhóm cùng làm đơn trình bày nguyện vọng, rồi cùng đóng góp kinh phí hỗ trợ Trung tâm sắm sửa thêm trang thiết bị cho lớp học, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam.
Sau nhiều nỗ lực, lớp Sóc nâu đã ra đời. Lớp được bố trí tại một căn phòng khá rộng, nằm cạnh phòng Can thiệp sớm của trường. Tuy lớp chỉ có khoảng chục học sinh nhưng Trung tâm phải huy động đến 5 cô giáo, trong đó có 2 cô giáo được Trung tâm hợp đồng với nhiệm vụ chuyên chăm sóc các cháu như ở các lớp mầm non. Chị Hoa cảm kích: “Được bố trí nhân lực như thế trong bối cảnh còn thiếu giáo viên là sự ưu ái rất lớn của Trung tâm. Chính vì vậy, bản thân những giáo viên như chúng tôi càng nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm tổ chức lớp học thật hiệu quả, mang lại những tia hy vọng cho những gia đình có con bị tự kỷ”.
Gặt quả ngọt
Mặc dù đều là những giáo viên có kinh nghiệm và kỹ năng dạy trẻ chậm phát triển, lại được tập huấn ở Trung tâm Sao Mai (một cơ sở chăm sóc, can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ có chất lượng, hiệu quả tại Hà Nội) nhưng các cô giáo Đinh Thị Hoa, Trần Thị Mai Anh, Lê Thị Thanh vẫn rất vất vả khi dạy lớp Sóc nâu. Như những tâm sự, chia sẻ của cô giáo Đinh Thị Hoa, đây là công việc rất nặng lòng. Bản thân chị cũng như các cô giáo nơi đây luôn bị ám ảnh bởi những ánh mắt tuyệt vọng, bế tắc của những ông bố, bà mẹ có con chậm phát triển. Ở những lớp học khác, hết buổi học, gấp vở lại là xong giáo án. Nhưng với lớp học này, có những giáo án kéo dài cả 1,5 đến 2 năm. Các cháu bị tự kỷ nhưng mỗi cháu lại có một dạng rối loạn khác nhau, có cháu bị rối loạn về giao tiếp, ngôn ngữ; có cháu bị rối loạn cả vị giác, thính giác; có những bé nghe tiếng động to cũng sợ trong khi có bé lại thích tiếng ồn; có bé thì chỉ ăn mỗi một loại đồ ăn, thậm chí chỉ ăn mì tôm suốt tháng. Bởi thế, dạy lớp này, các cô phải chăm cho các cháu từ bữa ăn, giấc ngủ, đến cả chuyện vệ sinh cá nhân, thậm chí có những buổi trưa, các cô phải mát-xa để các cháu dễ ngủ. Vì trẻ tự kỷ là trẻ chậm phát triển so với trẻ bình thường, có những trẻ 3, 4 tuổi nhưng không thể thực hiện được những hành vi bình thường của trẻ vài tháng tuổi nên tùy vào từng dạng rối loạn mà giáo viên có phương pháp dạy phù hợp. Ngoài giờ học chung, còn có những giờ học cá nhân với mỗi cô dạy một trò, theo đó tùy mức độ phát triển của từng trẻ mà các cô đưa ra các bài tập luyện thích hợp với khả năng của trẻ. Các bài học chủ yếu xoay quanh bảy lĩnh vực: bắt chước, nhận thức giác quan (nhìn, hiểu), vận động tinh (tay, chân), vận động thô (đi đứng, chạy nhảy, vỗ tay, ném bóng), phối hợp mắt và tay (vẽ, ráp hình), lĩnh vực tư duy và ngôn ngữ.
Nhờ được dạy đúng cách, nhiều trẻ tự kỷ ở lớp Sóc nâu đã có những tiến bộ rõ rệt. Bây giờ, hầu hết các bé đã biết đi vệ sinh đúng chỗ, ăn đa dạng các món ăn, biết tự phục vụ cá nhân tốt hơn, khả năng ngôn ngữ phát triển… Như bé Trần Minh Kha trước đây từng bị 8, 9 trường mầm non từ chối vì không giao tiếp với người khác, không ai có thể tiếp cận, gần gũi, thường hét, gào, nghiến, gồng, nắm tóc khi ai đó chạm vào người, thế nhưng từ khi theo học ở lớp Sóc nâu, sau 3 năm Kha đã tiến bộ rất nhiều, biết nhận diện mặt chữ và viết được, năm học tới là đã có thể vào lớp 1. Hay như bé Vũ Duy Nam cũng từng bị nhiều trường mầm non đuổi học vì quá hiếu động. Sau khi học ở lớp Sóc nâu một thời gian, Nam đã có những chuyển biến tiến bộ về khả năng ngôn ngữ, hành vi. Hiện Nam đã theo học ở Trường Mầm non Tân An vào buổi sáng, chỉ còn đến Trung tâm vào buổi chiều để vừa tập luyện vừa để được các cô giáo trang bị những kỹ năng tiền học đường trước khi bước vào lớp 1.
Sau 3 năm triển khai, việc giáo dục trẻ tự kỷ ở Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục hòa nhập Trẻ khuyết tật tỉnh đã đi vào nền nếp. Tuy nhiên, như những gì mà cô giáo Đinh Thị Hoa trăn trở: với lớp học chỉ có thể dành cho 10 trẻ từ 2-8 tuổi như hiện nay, chủ yếu là trẻ ở khu vực thành phố nên chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của các gia đình trong tỉnh. Bên cạnh đó, do còn khó khăn nên Trung tâm cũng không thể tạo điều kiện ở lại cho những cháu ở ngoại tỉnh. Vì vậy những trường hợp như cháu Hiếu, Thịnh ở Dak Min (Dak Nông) dù có theo học ở Trung tâm nhưng chỉ được một thời gian ngắn rồi bỏ vì gia đình ở xa, lại khó khăn, dẫn đến hiệu quả giáo dục không được như mong muốn. Đây là những trường hợp thật đáng tiếc bởi khi các cháu ở nhà, không được chăm sóc, giáo dục đúng cách sẽ rất khó để hòa nhập sau này. Với trẻ tự kỷ, ngoài việc can thiệp sớm, cần hơn nữa sự quan tâm của gia đình, xã hội, tạo một môi trường phù hợp, tích cực, có như vậy mới góp phần giúp các cháu nhanh tiến bộ, tự tin hòa nhập.
Lê Hương – Hồng Thủy
Ý kiến bạn đọc