Multimedia Đọc Báo in

Chuyện về những “nhà báo xã”

09:45, 21/06/2013

Không chỉ trực để tiếp phát sóng các chương trình của đài trung ương, địa phương, những người công tác ở đài truyền thanh cơ sở còn “kiêm” cả các khâu: lấy tư liệu, viết tin, bài, biên tập, dựng và phát chương trình. Đa năng, cần mẫn, vượt khó, tận tụy với nghề, họ được ví như những “nhà báo xã”…

Ông Trần Văn Tương đã gắn bó với công việc truyền thanh xã      hơn 9 năm qua.                                                            Ảnh: N.X
Ông Đào Văn Chượng thấm thía với nỗi vất vả của một "nhà báo xã" Ảnh: N.X

“Làm ở đài truyền thanh cơ sở nếu không thực sự đam mê, yêu nghề thì không “trụ” được bao lâu đâu cô ơi. Ngoài nhiệm vụ chính, chúng tôi còn làm biết bao việc không tên khác. Vất vả nhưng vui lắm!”. Ông Trần Văn Tương, Trưởng đài truyền thanh xã Phú Xuân (huyện Krông Năng) trải lòng với chúng tôi về công việc đã gắn bó suốt 9 năm qua. Để góp phần chuyển tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, mỗi ngày dù mưa to, gió lạnh, ông luôn có mặt ở đài lúc 5 giờ sáng. Sau khi kiểm tra, mở, thử máy ổn định cũng là lúc sẵn sàng cho giờ tiếp âm chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh huyện. Công việc này được thực hiện đều đặn 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều tối - thời điểm mà mọi người dân trên địa bàn đều có thể nghe đài. Nắm bắt nhu cầu người dân rất quan tâm đến các tin tức địa phương, ông Tương phối hợp với UBND, Hội Nông dân, Ban Tư pháp xã cung cấp tư liệu xây dựng các chuyên mục “Tìm hiểu pháp luật” (phát vào thứ Hai và thứ Tư), “Nông thôn mới” (phát thứ Sáu) và “Kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi” (phát thứ Bảy). Mặc dù chỉ là “nhà báo nghiệp dư” nhưng với trách nhiệm và lòng yêu nghề, ông đã tự thu thập tư liệu, viết tin bài, thu, phát sóng đều đặn các chuyên mục trên từ năm 2005 đến nay. Bên cạnh đó, vào dịp lễ, Tết cổ truyền, ông còn trực tiếp làm các chương trình đặc biệt, tuyên truyền thành tựu mọi mặt của địa phương, viết bài giới thiệu phong tục, tập quán của người dân trên địa bàn với ngôn ngữ, văn phong gần gũi, dễ hiểu, gắn gọn, thông tin chính xác, rõ ràng. “Mặc dù địa bàn xã rộng (32 thôn), trang thiết bị của đài còn hạn chế, nhiều cụm loa đã xuống cấp, thường xuyên hư hỏng gây khó khăn cho công việc nhưng được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, sự đồng tình ủng hộ của người dân là nguồn động lực rất lớn giúp tôi hoàn thành công việc”, ông Tương chia sẻ.

Mặc dù mới gắn bó với công tác truyền thanh cơ sở 6 năm, nhưng anh Đào Văn Chượng, Trưởng đài truyền thanh xã Tân Hòa (huyện Buôn Đôn) đã “thấm thía” nỗi vất vả của một “nhà báo xã”. Đều đặn mỗi ngày 3 lần vào sáng, trưa, tối anh có mặt ở đài tiếp, phát sóng các chương trình. Để bảo đảm đài phát thanh xã trở thành “cầu nối” chuyển tải, cung cấp thông tin cho khoảng 2.100 hộ dân trong vùng, ngoài thời gian trực ở đài, anh thường xuyên đi kiểm tra 6 km đường dây và 16 cụm loa trải rộng trên địa bàn nhằm kịp thời phát hiện, sửa chữa những hư hỏng nhỏ. Tuy phụ cấp ít (hơn 1 triệu đồng/tháng), công việc nhiều nhưng không vì thế mà anh lơ là, làm qua loa cho xong việc. Vốn là cán bộ Đoàn, lại có năng khiếu nói, viết nên từ các tư liệu do UBND xã, các ngành, đoàn thể cung cấp, anh đã xây dựng đề cương tuyên truyền các sự kiện theo từng chuyên đề như: biển đảo Việt Nam; bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp; xây dựng đời sống văn hóa; phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, bão lụt… Bên cạnh đó, anh còn tranh thủ thời gian đi cơ sở trực tiếp khai thác thông tin viết tin, bài về các mô hình, cách làm hay, điển hình tiên tiến. Đặc biệt, khi địa phương triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, thì các thông tin được anh thu thập, tổng hợp, truyền tải rất đều đặn, rành rọt từ 19 tiêu chí, các chủ trương, cơ chế, chính sách của trương ương, tỉnh, đến nghị quyết, kế hoạch cụ thể của xã và cả công tác tuyên truyền, vận động, vào cuộc của chính quyền, các đoàn thể, nhất là việc phát huy vai trò chủ thể của người dân. Qua truyền thanh, người dân được nghe, hiểu, kiểm chứng, giám sát quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, quy chế dân chủ ở cơ sở nhờ vậy được phát huy. Hiện nay, do nhiều yếu tố, người dân tham dự các cuộc họp thôn thường không đông đủ như trước, vì vậy, Đài truyền thanh xã đóng vai trò rất quan trọng trong việc truyền tải thông tin đến tận từng hộ dân. Tuy nhiên theo anh Chượng, hoạt động của các đài truyền thanh xã đang gặp phải khó khăn chung về cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị, nhân lực, chế độ phụ cấp… Vì vậy, ngoài nỗ lực, lòng yêu nghề của đội ngũ truyền thanh cơ sở, rất cần thêm sự “trợ lực”, tạo điều kiện về nhiều mặt của ngành chức năng, chính quyền địa phương.

Được giao phụ trách hệ thống truyền thanh xã Quảng Tiến (Cư M’gar) từ năm 2004 đến nay, chừng ấy năm anh Nguyễn Văn Hóa chứng kiến nhiều đổi thay của  hệ thống thiết bị kỹ thuật truyền thanh, từ đơn giản nhất cho đến khi có được bộ truyền thanh FM không dây như bây giờ, cùng những kỷ niệm khó quên trong nghề. Nhớ lại những ngày đầu làm công tác truyền thanh, anh Hóa chia sẻ, lúc đó, cơ sở vật chất của đài còn nhiều thiếu thốn, hệ thống loa, đài chỉ thô sơ, đơn giản nên mọi thao tác đều phải làm theo kiểu thủ công, cụm loa, hộp tiếp sóng phải sửa chữa thường xuyên, nhất là khi mưa, gió. Chỉ cần một cụm loa có sự cố là kéo theo hàng loạt cụm khác không thể phát được nên chuyện phải trèo liên tục lên cột điện để sửa chữa cũng chẳng có gì lạ; chất lượng âm thanh lúc đó cũng không được rõ như bây giờ. Chưa  kể, anh luôn phải thức khuya, dậy sớm, thậm chí ngủ lại ở đài để sáng hôm sau kịp dậy phát chương trình đúng giờ. Năm 2007, xã được trang bị hệ thống loa truyền thanh không dây phát trên tần sóng FM107 Mz cho 22 cụm loa với 44 chiếc, bảo đảm tiếp sóng đến được các thôn trong xã; các thiết bị khác như máy phát sóng, lọc tiếng, cassett… cũng được đầu tư mua sắm, nên công việc đã đỡ vất vả hơn trước rất nhiều.

Bao nhiêu năm nay, cứ đều đặn ngày ba buổi, sáng sớm lúc 4 giờ 45 phút, 11 giờ trưa và 4 giờ 30 phút chiều, (mỗi buổi có thời lượng hơn 2 giờ), kể cả thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ, tết, người dân trong xã lại nghe vang lên giọng đọc quen thuộc của anh. Là hệ thống truyền thanh cấp xã nhưng nội dung tuyên truyền trên đài cũng khá phong phú từ việc tuyên truyền các chỉ thị, Nghị quyết, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến phổ biến kiến thức về nông nghiệp như chăm sóc, bón phân hợp lý cho cây trồng, phòng bệnh trên gia súc, gia cầm… được chuyển tải kịp thời đến bà con địa phương. Riêng vào các ngày lễ lớn, dịp kỷ niệm có ý nghĩa trong năm cũng được anh lên kế hoạch  thông tin, tuyên truyền kịp thời, rộng rãi đến bà con trong xã. Bên cạnh việc tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, đài tỉnh, huyện, anh Hóa còn tự tìm tòi, xây dựng các chuyên mục: gương người tốt việc tốt, xây dựng nông thôn mới, an toàn giao thông, kế hoạch hóa gia đình… phát vào sáng thứ 7 hàng tuần cùng với các thông tin phản ánh nhiều hoạt động của địa phương nên thu hút sự chú ý của đông đảo bà con. Để đáp ứng đủ thời lượng và làm phong phú thêm chương trình, anh Hóa còn chịu khó sưu tầm các bài báo, thông tin bổ ích trên báo Nhân Dân, Dak Lak… đọc xen kẽ trong các chương trình phát thanh. Không chỉ vậy, là Trưởng đài, anh còn kiêm luôn nhiều việc như phát thanh viên, biên tập viên, và cả phóng viên lặn lội đi cơ sở thu thập thông tin viết tin, bài. Mỗi khi có sự kiện gì xảy ra trên địa bàn xã như mưa lũ, hạn hán, người tốt việc tốt… đều được anh kịp thời đưa lên sóng phát thanh của xã. Cầm trên tay chiếc điện thoại Nokia trắng đen, anh nửa đùa nửa như chia sẻ: tất cả đều nhờ vào “con dế”  này. Mỗi khi phỏng vấn nhân vật hoặc có tin tức gì viết ra xong, anh đều đọc lên, dùng nó để ghi âm rồi xử lý, sau đó mới phát lên hệ thống loa của xã.

Công việc nhiều, phụ cấp ít ỏi nhưng anh vẫn luôn cố gắng vượt khó để cống hiến hết mình cho công tác truyền thanh ở địa phương. Ngoài những lúc nghe giọng anh trên loa, đài thì không ít lần, người dân địa phương bắt gặp anh tất bật vác thang, xắn quần áo trèo lên các cột điện để chỉnh sửa, quấn dây loa. “Song, vất vả nhất là những buổi tường thuật trực tiếp” các kỳ họp hội đồng nhân dân xã, lễ phát động một phong trào nào đó của địa phương, một mình anh phải “ôm sô” trọn gói, vừa lo bảo đảm “điện đóm”, vừa theo dõi cuộc họp để thông tin trên sóng kịp thời, và nhất định không cho phép xảy ra bất cứ sự cố nào”- anh chia sẻ.

Gần mười năm trong nghề, trải qua nhiều nhọc nhằn của cán bộ truyền thanh cơ sở, điều quan trọng nhất khiến anh Hóa luôn trăn trở là làm thế nào để tiếng nói của đài xã được phát đều đặn, đúng giờ, đưa tiếng nói của Đảng, Nhà nước đến với bà con và những thông tin địa phương được chuyển tải một cách thông suốt. Với một cán bộ đầy tận tâm như anh, chỉ cần những niềm vui nho nhỏ như vậy cũng đã giúp anh gắn bó, chung thủy với nghề.

Nguyễn Xuân - Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc