Cộng tác viên – những dấu ấn từ cơ sở
Đối với mỗi cơ quan báo chí, ngoài lực lượng phóng viên thì đội ngũ công tác viên là một phần không thể thiếu để góp phần cho nội dung tờ báo thêm sinh động và phong phú. Có những cộng tác viên viết báo được xem như nghề “tay trái” nhưng cũng có nhiều người viết báo như một niềm đam mê, phản ánh những thông tin từ cơ sở như một trách nhiệm của công dân đối với xã hội…
Dấu ấn từ cơ sở của một bản tin...
Chuyện xảy ra cách nay đã tròn 3 năm, nhưng tôi vẫn nhớ như in bản tin “Một con voi rừng bị kẹt dưới khe suối” đăng trên Báo Dak Lak thứ Hai, ngày 14-6-2010. Trước đó, chiều chủ nhật, ngày 13-6-2010, tôi nhận được điện thoại của Tổng Biên tập chỉ đạo liên hệ ngay với một bạn đọc ở xã Ea Wy (huyện Ea H’leo) để nắm thông tin về một con voi rừng bị mắc kẹt dưới suối. Qua liên lạc, tôi dược biết người cung cấp thông tin tên là Phạm Võ Hiến, một người dân bình thường làm nghề sửa chữa điện thoại di động ở xã Ea Wy. Vào thời điểm đó, người dân phát hiện một con voi rừng đi lạc và mắc kẹt dưới suối tại khu vực tiểu khu 61 (Công ty Lâm nghiệp Ea Wy). Anh đã liên hệ tìm được số điện thoại của Tổng Biên tập Báo Dak Lak với mong muốn báo đăng tin này để các cơ quan chức năng biết được và có phương án giải cứu voi.
Tổng Biên tập Báo Dak Lak Trương Minh Thắng (người ngồi bìa phải) đến thăm nhà báo Hoàng Dưỡng, nguyên Trưởng Đài Truyền thanh huyện Buôn Đôn, CTV Báo Dak Lak sau khi anh bị lâm tặc hành hung vào năm 2008. |
Từ nguồn thông tin này, phóng viên Báo Dak Lak đã liên lạc xác minh và có được thông tin đầy đủ cho bản tin “Một con voi rừng bị kẹt dưới khe suối”. Tuy nhiên lấy đâu ra hình ảnh để minh họa cho bản tin này, trong khi từ Buôn Ma Thuột cách hiện trường voi bị mắc kẹt hơn cả trăm cây số? Liên lạc lại với anh Hiến thì được biết anh có chụp ảnh nhưng lại dùng máy cơ (chụp phim) nên không thể gửi email được. Thoáng chút phân vân rồi anh bảo tôi đợi để đi sang ảnh. Phóng xe máy hơn 20 km từ Ea Wy về trung tâm thị trấn Ea D’răng (huyện Ea H’leo) nhưng không có nơi nào nhận sang ảnh ngay được. Lúc này trời đang mưa tầm tã. Hiến lại điện thoại bảo tôi đợi để anh chạy về thị xã Buôn Hồ… Khoảng gần 1 tiếng đồng hồ sau, tôi nghe giọng anh buồn bã thất vọng trong điện thoại: “Ở đây cũng không có chỗ sang ảnh anh ơi! Nhưng giờ mưa to quá, trời lại sắp tối nên em không thể lên phố được…”. May sao lúc ấy còn một chuyến xe buýt tuyến Buôn Hồ - Buôn Ma Thuột, anh liền gửi phim theo xe lên. Nhờ vậy, Báo Dak Lak đã có được ảnh chụp voi rừng bị mắc kẹt kịp số báo xuất bản hôm sau.
Sau này, giải thích về sự “nhiệt tình” của mình, anh Hiến tâm sự: “Nhìn thấy chú voi rừng bị mắc kẹt, trong khi nhiều người dân lại vây quanh liều lĩnh vặt long đuôi nên mình sợ voi sẽ bị chết. Khi ấy mình chỉ nghĩ làm cách nào nhanh nhất để giải thoát chú voi rừng khỏi bị mắc kẹt thôi…”. Và phương án mà anh đã lựa chọn là báo tin và bằng mọi giá để cung cấp hình ảnh thật cho Báo Dak Lak!
Và những nỗi niềm “khó nói”!
Ai cũng có thể hiểu và thông cảm cho nhiều cộng tác viên bởi những khó khăn, trở ngại của họ khi khai thác thông tin từ cơ sở. Tuy nhiên, nhiều cộng tác viên có đầy đủ tư cách pháp nhân hành nghề (thường là phóng viên các Đài truyền thanh truyền hình tuyến huyện) có đôi khi cũng gặp điều “ấm ức” bởi… “dám” nói chuyện nội bộ của địa phương.
Ảnh chú voi rừng bị mắc kẹt dưới suối do bạn đọc Phạm Võ Hiến cung cấp cho Báo Dak Lak. |
Chuyện xảy ra cách đây không lâu, ở huyện nọ có một trường học thu nhiều khoản tiền của học sinh trái quy định gây bức xúc trong phụ huynh và dư luận. Trước thực tế đó, với trách nhiệm là phóng viên của Đài huyện, anh T.N (xin được giấu tên) đã điều tra và có bài viết phản ánh trên sóng phát thanh của địa phương. Sau đó anh có bài viết gửi đến Báo Dak Lak với mong muốn các cơ quan chức năng sớm kiểm tra làm rõ để giải tỏa bức xúc của người dân. Không ngờ khi báo chưa kịp lên trang thì phóng viên này đã bị lãnh đạo huyện “gọi” lên yêu cầu làm kiểm điểm giải trình. Thậm chí lãnh đạo đài cũng bị phê bình vì đã duyệt nội dung của bài viết. Quá “ấm ức” nhưng lo là sẽ tiếp tục bị… “hành” nên T.N đã đề nghị với Báo Dak Lak rút lại bài viết, đồng thời nhờ tòa soạn cử phóng viên về điều tra lại vụ việc ở trường nọ cho khách quan. Sau đó, Báo Dak Lak đã cử phóng viên về điều tra và có bài viết phản ánh đúng sự việc như phóng viên T.N đã từng điều tra.
Câu chuyện về việc cứu trợ gạo kém chất lượng cho nhân dân ở huyện N. cách đây mấy năm cũng là một trong những “điển hình” cho nỗi niềm “khó nói” của cộng tác viên từ cơ sở. Chuyện là cộng tác viên của Báo Dak Lak ở Đài huyện có bài viết phản ánh việc một tổ chức nọ cứu trợ gạo cho dân, nhưng gạo kém chất lượng, nấu cơm không ăn được. Sau khi báo phát hành, tòa soạn nhận được phản hồi cho rằng bài báo viết sai sự thật. Tác giả của bài báo cũng nhận được phản hồi như vậy mà cảm thấy vô cùng bức xúc. Nhắc lại chuyện này, anh cộng tác viên nọ vẫn còn tỏ ra ấm ức: “Rõ ràng mình đi làm rất kỹ, có ghi hình hẳn hoi, vậy mà họ vẫn “cãi”. Đã vậy, khi ấy trong huyện còn có người “bóng gió”, kiểu như “không nên vạch áo cho người xem lưng”… Vụ việc sau đó đã được phóng viên Báo Dak Lak về điều tra cặn kẽ và có hàng loạt tin, bài phản ánh trên báo. Sự thật được làm rõ, nỗi ấm ức của cộng tác viên được giải tỏa, nhưng đọng lại sau đó là những băn khoăn, trăn trở khó nói hết thành lời…
Thực tế, chúng tôi đã gặp rất nhiều cộng tác viên với những nỗi niềm “khó nói” tương tự như hai câu chuyện trên. Đôi khi ngồi tâm sự với nhau, họ trải lòng mình: “Phận làm cộng tác viên đôi khi cũng “bạc”. Viết được bài báo không dễ, bài báo “có vấn đề” càng khó. Nhưng viết được rồi thì lại “khó sống” với địa phương… Thôi thì cứ viết “khen” cho khỏe!”.
Nói thì vậy, nhưng hãy đọc trên Báo Dak Lak xem, nhiều cộng tác viên ở cơ sở vẫn luôn giữ được “lửa” trong từng mẩu tin, bài viết. Đó là vì họ luôn giữ được niềm đam mê, luôn gắn trách nhiệm công dân của mình với địa phương, với xã hội. Và điều nữa, họ - những cộng tác viên - luôn gửi gắm niềm tin yêu vào Báo Dak Lak!
Việt Cường
Ý kiến bạn đọc