Multimedia Đọc Báo in

Điều đọng lại sau một chuyến công tác

06:00, 22/06/2013

Trong một lần đưa con đi bệnh viện khám bệnh, tôi có dịp trò chuyện và làm quen với chị Vinh, xã Ea Kao (TP.Buôn Ma Thuột) cũng đưa con đi viện hôm đó. Nghe chị kể qua về cuộc sống khó khăn, đường đi lại vất vả và trăm cái thiếu thốn của mấy chục hộ dân ở vùng ven xã Ea Kao, tôi không quên ghi lại số điện thoại và địa chỉ để sau này liên lạc. Từ thông tin ban đầu và địa chỉ đã chép sẵn trong sổ tay, khi có dịp tôi liên lạc với chị Vinh để tìm hiểu cuộc sống nơi xóm nhỏ của chị, nhưng không dễ dàng như tôi tưởng. Xóm nhỏ không có điện nên điện thoại luôn trong tình trạng hết pin; lúc có pin sóng cũng chập chờn khi mất, khi được. Sau nhiều ngày kiên trì, cuối cùng tôi cũng nói chuyện được với chị, chị hẹn tôi vào một buổi sáng trời mưa xối xả. Trước khi vào xóm nhỏ, tôi được chị dặn dò rất cẩn thận: “Vào đây em phải gửi xe ở ngoài, sẽ có người ra đón em”. Tôi cảm thấy yên tâm vì sẽ có người dẫn đường cho mình, bởi với tôi, đường Tây Nguyên mỗi khi mưa đến là một nỗi ám ảnh lớn trong mỗi lần tác nghiệp. Quả vậy, đường vào xóm nhỏ chông chênh, gập ghềnh và rình rập nguy hiểm hơn sức tưởng tượng của tôi. Có những đoạn, phía trên là vách núi, phía dưới là suối sâu, lâu lâu xe máy lại xoạc một vệt dài làm tim tôi thót lại. Mới đi được nửa đường mà tôi cứ lo nghĩ mông lung, không biết tối nay mình có ra được khỏi nơi này không? Nhưng khi nghĩ đến đề tài mình tâm huyết, sự nhiệt tình của cô bé dẫn đường, “máu” nghề lại thôi thúc tôi bước tiếp. Lòng tự nhủ “cứ đi rồi sẽ đến”, vượt qua nhiều đèo dốc, sình lầy, thậm chí đi bộ còn nhiều hơn ngồi trên xe, cuối cùng tôi và cô bé cũng đến được đích cuối cùng.

    Đường đến... xóm nhỏ.
Đường đến... xóm nhỏ.

Đập vào mắt tôi trước tiên là hình ảnh những ngôi nhà tạm bợ nằm lọt thỏm, chênh vênh giữa các vách núi; những làn khói tỏa nghi ngút từ các góc bếp thấp lè tè, chật hẹp và nhớp nháp bùn lầy do trận mưa tối trước để lại. Tôi gặp lại chị Vinh, quần ống cao ống thấp, cùng người chồng không mấy lanh lợi và đứa con bị bệnh tiêu chảy ra viện cả tuần rồi mà vẫn chưa khỏi hẳn. Nhìn thằng cu con chị ngồi nghịch đất trước hiên nhà, người lấm lem bùn đất, chốc chốc lại vào ngậm bình sữa nguội đã pha trước đó khá lâu… làm tôi chạnh lòng! Ân cần đón tôi, chị tỏ vẻ ái ngại bởi ngôi nhà đang ở thực ra là một căn chòi trông cà phê của một người khác cho chị ở nhờ, đến mùa thu hoạch phải trả lại cho họ. Sau một lúc hàn huyên, chị đưa con cho chồng và dẫn tôi đến các hộ dân khác để tìm hiểu về cuộc sống nơi đây. Vẫn những con đường khúc khuỷu, chông chênh và các cây cầu khỉ nhỏ bé, yếu ớt, nếu không có người dẫn sẽ dễ rơi tõm xuống suối khi nào không hay. Đưa tôi đến nhà bác Dung, chưa kịp ngồi uống nước, chị phải tất tả về lo cho con ăn uống.

Cuộc trò chuyện của tôi với chị Vinh, bác Dung và một số hộ dân ở xóm nhỏ rồi cũng đến lúc kết thúc. Chiều dần buông, xóm nhỏ yên ắng đến khó tả, có chăng chỉ là tiếng ếch nhái và các loại côn trùng vọng ra từ lòng đất. Chiếc xe Cup 50 của bác Dung với tiếng nẹt pô ầm ĩ, khói bay mù mịt chở tôi vượt qua nhiều triền dốc và sình lầy. Bác Dung với thân hình gầy guộc cố rướn người, 2 chân đạp mạnh xuống mặt đường để giữ thăng bằng cho xe khỏi trượt. Đến 19 giờ, chia tay người dẫn đường, nhìn về phía xóm nhỏ chỉ thấy ánh đèn dầu leo lét, khiến người ta dễ cảm nhận màn đêm ở đây đến sớm hơn những vùng đất khác.

Với tôi, cái mà mình gặt hái được sau chuyến công tác ấy không chỉ là một mẩu tin, phóng sự ảnh hay một bài viết mà là sự nhiệt tình của những con người ở xóm nhỏ ven đô. Họ chỉ là những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, nhưng để tạo thuận lợi cho phóng viên tác nghiệp, họ sẵn sàng bỏ thời gian để làm nhiệm vụ “dẫn đường”. Tin rằng, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tương lai của vùng đất ven đô này sẽ khởi sắc khi nơi đây có điện, có đường sá tốt hơn để người dân an cư lạc nghiệp.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc