Gửi người phát ngôn
“Anh/chị thông cảm, tôi không phải là người phát ngôn…”, cuộc đời làm báo, có lẽ bất kỳ ai trong cánh phóng viên cũng đã từng được đón nhận những câu trả lời như thế này khi liên hệ làm việc. Nếu cứ hiểu và áp dụng cứng nhắc về quy chế phát ngôn thì rõ ràng đây là “chiếc barie” ảnh hưởng lớn đến quá trình tác nghiệp của nhà báo.
Phóng viên không ngại khó ngại khổ về tận vùng sâu vùng xa để phản ánh cuộc sống một cách sinh động. |
Những chính sách ra đời bắt nguồn từ đòi hỏi của cuộc sống. Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí cũng là công cụ có tính chế tài để điều chỉnh và khắc phục những hạn chế đối với việc cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan hành chính Nhà nước đồng thời cũng để bảo đảm tính chính xác, tránh “nhiễu” thông tin trong xã hội trước những sự kiện, vấn đề quan trọng, có tác động lớn đến cộng đồng, liên quan đến quan điểm, cách xử lý của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Nhưng thật buồn khi ngay sau Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí do Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2007, nhiều người có trách nhiệm ở các cơ quan, đơn vị chẳng biết do chưa hiểu hay cố tình chưa hiểu, hoặc hiểu máy móc, lệch lạc đã coi đây là “câu thần chú” để thoái thác, chối từ làm việc với báo chí. Theo đó mà quy chế này cũng vô hình trung có những lúc đã trở thành “chiếc vòng kim cô” trên đầu nhà báo.
Xin hãy khoan vội kết luận nhà báo nói như thế là quy chụp. Quay trở lại với lời chối từ mà cánh phóng viên chúng tôi đã từng nhận được: “Anh/chị thông cảm, tôi không phải là người phát ngôn…”, có lẽ cần phải nhìn nhận một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ để có thể cùng nhau “thông cảm” ở mức độ nào. Trước hết, nếu vấn đề phóng viên muốn lấy thông tin hoàn toàn mang tính kế hoạch, thời vụ (tạm gọi là tin tức đơn thuần) lại đang thuộc phạm vi chuyên môn quản lý của người được liên hệ thì có thể coi phóng viên đã tìm đúng địa chỉ. Và nếu cứ “thông cảm” rồi bất cứ thông tin gì cũng lại đi tìm người phát ngôn để phát ngôn cả những vấn đề đơn giản thì thử hỏi người phát ngôn làm việc sao cho xuể, quán xuyến sao cho xuể trong khi tất cả các mảng, các lĩnh vực công việc đã được phân công, phân cấp rõ ràng; còn nữa nhà báo làm sao bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao phó là cập nhật thông tin và định hướng thông tin. Như đã khẳng định, những cơ chế, chính sách ra đời để gỡ những “nút thắt” của cuộc sống. Khi xây dựng và ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, chắc chắn Chính phủ cũng không muốn tạo áp lực cho đôi bên như thế, mục đích cuối cùng là để bảo đảm tính chính xác, chính thống của thông tin; gắn kết vai trò, trách nhiệm của cơ quan hành chính Nhà nước cũng như cơ quan báo chí chịu trách nhiệm trước các vấn đề, sự kiện lớn, quan trọng. Còn trường hợp thứ hai, tất nhiên nếu thông tin phóng viên muốn tìm hiểu là vấn đề lớn, quan trọng, đang được dư luận quan tâm thì sự “thông cảm” ở đây là cần thiết và hoàn toàn đúng để bảo đảm nguồn thông tin chính thống và có tư cách pháp nhân.
Nhưng sẽ buồn hơn nữa và khó tìm tiếng nói cảm thông nếu không muốn nói là sự thiếu hợp tác của chính những người đã được giao nhiệm vụ phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí đối với những vấn đề quan trọng, đang tác động lớn đến cộng đồng, cần những thông tin chính thống để định hướng dư luận và không phải là “mật” theo quy định.
Tiếp tục xây dựng cây cầu gắn kết, bền chặt, chắc chắn hơn giữa cơ quan báo chí và các cơ quan hành chính nhà nước trong vấn đề thông tin, ngày 4-5-2013, Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí đã Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 25/2013/QĐ - TTg, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7 tới. So với quy chế ban hành năm 2007, quy chế lần này đã được bổ sung nhiều điểm mới, trong đó đáng chú ý là việc quy định rõ về quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước trong việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Theo đó, người đứng đầu chịu trách nhiệm về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí kể cả trong trường hợp ủy quyền cho người khác phát ngôn. Còn về cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm đăng, phát, phản ánh trung thực nội dung phát ngôn và thông tin do người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn cung cấp, đồng thời phải ghi rõ họ tên người phát ngôn, hoặc người được ủy quyền phát ngôn, tên cơ quan hành chính của người phát ngôn, hoặc được ủy quyền phát ngôn. Trong trường hợp cơ quan báo chí đăng, phát đúng nội dung thông tin mà người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn cung cấp, thì không phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đó. Trước đây, trong trường hợp vụ việc cần có ngay thông tin ban đầu của cơ quan hành chính nhà nước thì người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trong thời gian chậm nhất là 2 ngày, nay quy chế mới sửa đổi rút xuống còn chậm nhất 1 ngày. Ngoài ra, quy chế mới này cũng đã quy định khung về việc xử lý vi phạm. Nếu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ như quy định sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Thuận Thành
Ý kiến bạn đọc