Multimedia Đọc Báo in

Học bơi: Sân chơi bổ ích trong dịp hè

08:48, 19/06/2013

Kết thúc năm học 2012-2013, cùng với việc tìm nơi học hè các môn văn hóa cho con em thì nhiều vị phụ huynh trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột cũng “sốt sắng" đăng ký cho con em tham gia các lớp học bơi để  tăng cường sức khỏe, rèn luyện thể chất và phòng, tránh đuối nước.

Chỉ mới đầu hè, nhưng ở hầu hết các bể bơi trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột luôn trong cảnh tấp nập, nhộn nhịp bởi lượng khách tăng vọt; trong đó phần lớn là học sinh và phụ huynh đi kèm đến tham gia các lớp học bơi. Với tâm lý giúp con em thư giãn sau một năm học, tránh sa vào những trò giải trí không lành mạnh thì việc đăng ký cho con đi học bơi là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều bậc phụ huynh. Đồng thời, hầu hết họ đều nhận thấy những lợi ích thiết thực của môn bơi lội như nâng cao sức khỏe, phát triển thể chất và trau dồi cho các em kỹ năng tự bảo vệ... Một trong những địa điểm có đông học sinh học bơi nhất là hồ bơi Nhà văn hóa Thanh thiếu nhi. Chị Nguyễn Thị Lan (phường Tân Tiến) chia sẻ: "Thời gian qua xảy ra nhiều vụ học sinh đuối nước, tôi cũng lo nên vừa nghỉ hè đã cho con học bơi, chỉ sau 3 ngày học cháu đã có thể bơi ngang hồ, tiếp tục bơi nhiều cháu sẽ thuần thục hơn”. Em Ngô Quang Hiếu (học lớp 5 Trường Tiểu học Ngô Quyền) khoe: “Năm học lớp 3, em đã được bố mẹ cho đi học bơi và “ghiền” luôn, đến giờ hè nào em cũng đi”.

Hồ bơi Nhà văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh thu hút  đông đảo các em trong dịp hè.
Hồ bơi Nhà văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh thu hút đông đảo các em trong dịp hè.

Khi nhận thức của các bậc phụ huynh được nâng cao đồng nghĩa với việc số lượng trẻ đến các hồ bơi ngày càng nhiều. Để trẻ biết bơi nhanh và bơi đúng kỹ thuật, nhiều phụ huynh phải loay hoay tìm thầy giỏi. Hiện nay hầu hết các bể bơi trên địa bàn TP. đều liên kết với các giáo viên dạy bơi lội. Một trong những địa chỉ được nhiều người tin cậy gửi gắm con em là "bà giáo" Lê Thị Thuận ( giáo viên dạy bơi ở hồ bơi Chiều Nhớ). Đã có kinh nghiệm dạy bơi gần 50 năm, hiện nay mỗi ngày kiện tướng bơi lội này vẫn "chăm chỉ" dạy bơi cho hơn 50 học viên ở nhiều độ tuổi. Buổi sáng bà có mặt tại hồ bơi từ lúc 5h đến 10h trưa và buổi chiều từ 12h30 phút đến 16h. Bà Thuận cho biết: "Hè năm nay số lượng trẻ được phụ huynh đăng ký học bơi tăng nhiều hơn so với các năm trước. Việc dạy bơi với tôi không chỉ để kiếm thêm thu nhập mà điều cốt yếu là giúp mọi người rèn luyện sức khỏe, tinh thần thoải mái, phòng chống tai nạn đuối nước, nhất là ở trẻ nhỏ". Điều quan trọng khi học bơi là trẻ cần có sức khỏe tốt, sau khoảng 2 tuần học các kiểu bơi sẽ có đủ khả năng ứng phó với các tình huống nguy cấp dưới nước”. Bên cạnh việc chọn thầy dạy bơi thì  một tiêu chí được các bậc phụ huynh đặt lên hàng đầu là chọn bể bơi bảo đảm vệ sinh để phòng tránh các bệnh như mẩn ngứa, đau mắt, viêm tai… Chính vì thế, nhiều phụ huynh cũng không ngần ngại chấp nhận mức học phí và vé bơi cao hơn để con được học ở những bể bơi chất lượng. Chị Nguyễn Thị Thu Hằng (phường Tân An) bày tỏ: Con tôi học bơi ở hồ bơi Chiều Nhớ, chỉ sau một tuần cháu đã có thể bơi dọc hồ và hướng dẫn được các bạn khác. Được biết, ở hồ bơi này mỗi ngày đều thay nước để bảo đảm vệ sinh nên tôi cũng yên tâm về sức khỏe của cháu khi học bơi".

Trước thực trạng tỷ lệ trẻ em trên địa bàn tỉnh bị đuối nước ngày càng gia tăng thì việc dạy bơi cho trẻ là một điều bức thiết, nhất là trong dịp hè. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng nhiều em đến hồ bơi để tự học thiếu sự quan tâm hướng dẫn kỹ thuật nên cũng dễ dẫn đến nguy cơ tai nạn đuối nước trong một số hồ bơi. Thiết nghĩ, các bậc cha mẹ cần quan tâm hơn nữa đến việc học bơi của con em mình để phòng tránh những tai nạn đáng tiếc. Song song đó, cần chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho trẻ để bảo vệ mình trong những tình huống nguy hiểm.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.