Hội Photo Buôn Ma Thuột Heip-portrait: Niềm đam mê nhiếp ảnh và tấm lòng thiện nguyện
Mỗi người một công việc, nghề nghiệp, hoàn cảnh khác nhau nhưng họ đều là những người trẻ (thế hệ 8x, 9x) có cùng một đam mê, sở thích: Vespa cổ, nhiếp ảnh và hoạt động từ thiện vì cộng đồng.
Chương trình ước mơ vùng cao, chân dung cho mọi người...
Một ngày đầu Hạ năm 2013, buôn Mông - buôn nghèo vùng sâu, vùng xa xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar) như có hội. Hơn 100 hộ đồng bào Mông và Thái với hàng trăm người từ bé đến già đều xúng xính trong sắc phục rực rỡ của dân tộc mình hướng về trường học của thôn để nhận quà, chụp ảnh miễn phí và tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện khác do 40 bạn trẻ trong Hội photo Buôn Ma Thuột Help-Portrait tổ chức.
Nhóm Photo Buôn Ma Thuột tặng 40 suất quà cho hộ nghèo ở buôn Mông. |
Ông Sầu A Dính, người dân tộc Mông, một trong số 43 hộ nghèo trong buôn được tặng quà (mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng) đã xúc động nói: “Món quà của các bạn trẻ thật quý đối với chúng tôi trong mùa giáp hạt, nhưng quý hơn hết là tình cảm, sự quan tâm của họ đến bà con vùng sâu, vùng xa này, ấm lòng lắm”.
Một nhóm 8 thành viên đi đến từng hộ nghèo trong thôn, kiểm tra, sửa chữa, mắc bóng đèn cho các gia đình có hệ thống điện không an toàn hoặc thiếu bóng đèn… Phạm Hữu Ý, một thành viên trong nhóm đã thốt lên: Cuộc sống của bà con ở đây còn quá cực khổ, hầu hết các gia đình đều không có vật dụng nào đáng giá. Hệ thống điện đều được mắc một cách cẩu thả, mất an toàn, nhiều hộ còn thiếu bóng đèn thắp sáng hoặc đã cháy bóng đèn mà không biết làm sao để thay… Chính vì vậy, nhóm mắc điện đã làm việc cật lực từ sáng đến tối mới sửa và mắc lại hệ thống điện được cho hơn 40 gia đình; 400m dây điện và 43 bóng đèn mang theo đều sử dụng hết mà vẫn còn nhiều nhà cần thay…
Ngoài ra, các em học sinh còn được những thành viên trong nhóm tặng 50 phần giấy, bút, hộp màu và hướng dẫn tô màu, vẽ tranh cùng những món quà thiết thực để khuyến khích, động viên; dạy múa, hát, các trò chơi dân gian và biết giữ gìn vệ sinh cá nhân. “Nhìn những bức tranh ngộ nghĩnh với nét tô màu còn lem luốc, không đều vì lần đầu cầm bút màu mà thấy các em thiệt thòi, thương quá!”- Thanh Vân (sinh viên ngành sư phạm vừa mới ra trường tình nguyện đi theo đoàn) đã không khỏi xúc động khi nhìn các em vui chơi.
Nhưng hoạt động chính của nhóm và thu hút đông đảo người quan tâm, tham gia nhất là chụp ảnh chân dung miễn phí. Nhóm gồm 15 tay máy kiêm luôn “chuyên viên kỹ thuật” chỉnh sửa, in ảnh. Vất vả, tất bật suốt một ngày trời, cả nhóm đã hoàn thành gần 400 bức chân dung. Trẻ em muốn chụp hình chân dung lưu lại tuổi thơ, người già lại muốn có bức ảnh thờ lỡ mai kia “khuất núi”, có gia đình kéo hết mọi người trong nhà đến để chụp tấm hình làm kỷ niệm… Mồ hôi ướt đẫm vạt áo phông đen đồng phục, tay máy Phạm Tiến Luật hết quỳ, ngồi xổm xuống chụp, chỉnh sửa tư thế, hướng dẫn tạo dáng cho bà con lại chạy về hậu trường phụ giúp anh em trong nhóm in ảnh, ép nhựa, sắp xếp theo thứ tự và trả ảnh đúng người. Anh Luật là một trong những thành viên năng nổ và nhiệt tình nhất của nhóm. Tất cả các máy in ảnh, máy ép nhựa và một số phụ kiện, trang thiết bị khác đều do anh Luật đi mượn và mang theo phục vụ cho hoạt động của nhóm. Cuối cùng thì những bức ảnh cũng được trao tận tay bà con trong niềm vui rạng ngời trên nét mặt họ. Cụ bà Giàng Thị Dùng móm mém cười nói bằng tiếng H’Mông, phải nhờ một cô bé phiên dịch mới hiểu được nội dung: “Hơn 80 tuổi rồi, đây là lần thứ 3 cụ được chụp ảnh, nếu không có các bạn trẻ với chương trình này thì chắc đến lúc về với tổ tiên rồi cụ cũng không có gì lưu lại cho con cháu…”
Trưởng buôn Sùng A Páo không giấu nổi niềm vui với nụ cười thường trực đã thay lời hơn 100 hộ gia đình trong buôn bày tỏ sự cảm kích, lòng biết ơn trước những hoạt động, nghĩa cử của các bạn trẻ. Buôn Mông có đa số người dân tộc Mông ở vùng Tây Bắc di cư vào làm kinh tế mới, cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn lại sống cách trung tâm huyện Cư M’gar trên 50km nên việc cả nhà hay cụ già, trẻ em đi chụp một tấm hình làm kỷ niệm là điều khó thể thực hiện. Vì thế, có thể nói, đây là Chương trình có ý nghĩa thiết thực nhất từ trước tới nay mà người dân trong buôn nhận được và hưởng ứng nhiệt tình vì đã đáp ứng được cả nhu cầu vật chất và tinh thần của bà con.
Đam mê và cống hiến
“Khi bạn trao đi niềm vui, bạn sẽ nhận được niềm vui gấp bội”- đó là phương châm sống của nhiều bạn trẻ trong nhóm Help-Portrait Buôn Ma Thuột. Tháng 6-2010, trên cơ sở Câu lạc bộ Vespa cổ TP. Buôn Ma Thuột, những người trẻ tuổi (thế hệ 8x, 9x) với đam mê nhiếp ảnh đã cùng nhau thành lập nên Hội photo Buôn Ma Thuột Help-Portrait.
Các tay máy chụp ảnh chân dung trẻ em người Mông. |
Help-Portrait là cộng đồng tập hợp những người chụp ảnh trên toàn thế giới tự nguyện cống hiến thời gian, thiết bị và chuyên môn của mình để chụp ảnh cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Ý tưởng xuyên suốt là tìm những người có nhu cầu chụp ảnh chân dung, ghi lại những khoảnh khắc đời thường cho họ, in và tặng tại chỗ với mong muốn chia sẻ niềm vui và chung tay góp sức đến với những buôn làng xa xôi, nghèo đói… giúp họ vợi bớt phần nào khó khăn trong cuộc sống và lưu lại những khoảnh khắc của cuộc đời. Lần đầu tiên sau 3 năm thành lập, nhóm photo Buôn Ma Thuột Help-Portrait thực hiện chương trình Chân dung cho mọi người, ước mơ vùng cao, chung sức vì cộng đồng.
Nhóm Help-Portrait Buôn Ma Thuột có 20 thành viên (trong đó có 5 nữ). Họ làm việc ở nhiều nơi với những công việc khác nhau: Nguyễn Văn Hùng, người sáng lập ra Nhóm hiện đang là nhà thiết kế quảng cáo ở TP. Hồ Chí Minh; Nguyễn Thanh Huy (29 tuổi), người trực tiếp phụ trách nhóm tại TP. Buôn Ma Thuột từng tốt nghiệp chuyên ngành Mỹ thuật, hiện đang làm nghề thiết kế quảng cáo tại Buôn Ma Thuột; tay máy Phạm Hữu Ý là kỹ sư điện hiện đang công tác tại Dak Nông; tay máy Phạm Tiến Luật đang làm việc tại Công ty Dak Man; tay máy nữ Lê Băng Tâm thì như con thoi di chuyển liên tục khắp nơi với nghề thiết kế mỹ thuật… Nhưng điều kết nối họ lại với nhau đó là niềm đam mê Vespa nhiếp ảnh và tấm lòng thiện nguyện vì cộng đồng.
Trước khi thực hiện chương trình “Chân dung cho mọi người, ước mơ vùng cao” lần này, nhóm đã từng có nhiều hoạt động từ thiện như: phát cơm từ thiện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh; tặng quà cho bệnh nhân ở trại phong Ea Na (Krông Ana); tặng quà trẻ em mồ côi tại chùa Bửu Thắng (Buôn Hồ)… Tổ chức được một chương trình hoạt động như ở buôn Mông, nhóm đã phải chuẩn bị một thời gian dài, huy động sự đóng góp tự nguyện cả vật chất lẫn tinh thần của các thành viên. Bên cạnh đó, nhóm còn được sự ủng hộ nhiệt tình của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Bảo Hưng khi tặng 20 tác phẩm ảnh nghệ thuật (đã đoạt các giải thưởng lớn trong và ngoài nước) để nhóm bán đấu giá lấy kinh phí hoạt động. Hơn thế nữa, ngoài 20 thành viên của nhóm còn có sự giúp sức của 20 thanh niên là những sinh viên trường Cao đẳng sư phạm vừa mới ra trường tình nguyện cùng tham gia.
Khoảng 2 tháng nhóm lại gặp gỡ nhau 1 lần để sinh hoạt, cùng nhau xem, bình luận những tấm ảnh đẹp mà các thành viên chụp được, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, động viên tinh thần nhau cùng cố gắng vượt qua những khó khăn trong cuộc sống… Theo phụ trách nhóm Nguyễn Thanh Huy thì thời gian tới, cứ 2 tháng nhóm sẽ tổ chức một hoạt động chụp chân dung miễn phí, tặng quà hộ nghèo và các hoạt động từ thiện khác ở một thôn, buôn vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn trên địa bàn tỉnh. Đây là một hoạt động có ý nghĩa lớn của những người trẻ tuổi cần được khuyến khích, động viên, giúp đỡ và nhân rộng.
Minh Quân
Ý kiến bạn đọc