Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông: Nỗ lực “xóa” vùng “trắng” đảng viên ở các thôn đồng bào di cư

09:56, 14/06/2013

3 xã Hòa Phong, Cư Pui và Cư Drăm của huyện Krông Bông có 13 thôn người dân tộc Mông di cư ngoài kế hoạch từ các tỉnh phía Bắc vào với 2.238 hộ, 14.330 khẩu. Từ năm 2005 trở về trước, tất cả các thôn này đều “trắng” đảng viên và chưa có chi bộ. Thực hiện kế hoạch số 12-KH/TU ngày 21-7-2006 của Tỉnh ủy về công tác phát triển Đảng ở thôn, buôn chưa có đảng viên, đến nay trên địa bàn 13 thôn, buôn đồng bào dân tộc di cư của 3 xã đã thành lập được 12 chi bộ với 44 đảng viên sinh hoạt (riêng thôn Noh Prông, xã Hòa Phong chưa thành lập được chi bộ).

Một buổi sinh hoạt chi bộ ở thôn Ea Luêh, xã Cư Drăm (Krông Bông).
Một buổi sinh hoạt chi bộ ở thôn Ea Luêh, xã Cư Drăm (Krông Bông).

 Xã Cư Pui có số lượng đồng bào di cư đông nhất với 6 thôn, 1.304 hộ, 8.587 khẩu. Việc phát triển đảng viên ở các thôn này gặp nhiều khó khăn do trình độ dân trí thấp, phần lớn người dân theo đạo Tin Lành. Với sự chỉ đạo sát sao của Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Huyện ủy Krông Bông cùng sự nỗ lực của Đảng ủy xã Cư Pui, trong những năm qua Đảng ủy xã Cư Pui đã kết nạp được 7 đảng viên ở các thôn đồng bào di cư trong đó có 5 người dân tộc Mông, 1 người dân tộc Tày và 1 người dân tộc Nùng. Vừa qua, Đảng ủy Cư Pui đã tăng cường 14 đảng viên là cán bộ, viên chức của xã và giáo viên của các trường đóng trên địa bàn để thành lập 6 chi bộ ở 6 thôn. Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui Võ Chương cho biết: “Đến nay, 6 thôn đồng bào di cư trên địa bàn xã đều đã có chi bộ. Hoạt động của các chi bộ bước đầu đã đem lại những chuyển biến tích cực. Việc lãnh đạo, kiện toàn các tổ chức, đoàn thể được các chi bộ quan tâm hàng đầu. Những đảng viên được tăng cường đa số là ủy viên Ban Chấp hành Đảng ủy, cán bộ trưởng, phó các ban ngành, đoàn thể của xã nên việc lãnh đạo, chỉ đạo rất thuận lợi, đặc biệt là công tác bồi dưỡng, phát triển Đảng ở các thôn. Trong 2 năm vừa qua, các chi bộ đã bồi dưỡng kết nạp được 2 đảng viên là người dân tộc Mông và giới thiệu hơn 20 quần chúng ưu tú là người dân tộc Mông, Mường, Tày, Nùng… đi học lớp cảm tình Đảng; trong đó có 3 quần chúng đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị kết nạp”.

Xã Cư Drăm vừa qua cũng đã thành lập 2 chi bộ ở 2 thôn đồng bào di cư còn lại. Như vậy đến nay, 5 thôn và 1 buôn đồng bào di cư trên địa bàn xã Cư Drăm đều đã có chi bộ với tổng số 23 đảng viên sinh hoạt, trong đó có 7 đảng viên người dân tộc Mông. Bí thư Đảng ủy xã Cư Drăm Ama Khoát cho biết: “Cuộc sống của người dân ở các thôn, buôn đồng bào di cư còn gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế. Việc thành lập chi bộ ở các thôn, buôn này sẽ góp phần cải thiện cuộc sống của người dân về mọi mặt. Những đảng viên được Đảng ủy tăng cường đều rất nhiệt tình, tâm huyết. Các đồng chí được tăng cường là phó bí thư Đảng ủy, chủ tịch HĐND xã, phó chủ tịch UBND xã, phó chủ tịch Mặt trận, công an xã, cán bộ địa chính, giáo viên… Thời gian vừa qua, các chi bộ đã chỉ đạo, hỗ trợ rất nhiều cho ban tự quản và đoàn thể ở các thôn, buôn về việc định hướng xây dựng và đưa ra các giải pháp thực hiện kế hoạch nhất là công tác xóa đói, giảm nghèo; xây dựng khối đoàn kết giữa ban tự quản và các tổ chức đoàn thể; kiểm tra việc thực hiện kế hoạch… Do vậy trong 2 năm vừa qua, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các thôn, buôn đồng bào di cư đã giảm xuống  rõ rệt, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn ổn định”.

Thôn Noh Prông của xã Hòa Phong là thôn đồng bào di cư duy nhất của huyện Krông Bông chưa có chi bộ, nhưng hiện tại thôn đã có 1 đảng viên là người dân tộc Mông. Theo kế hoạch đến cuối tháng 6-2013, Đảng ủy xã Hòa Phong sẽ tăng cường 3 đảng viên vào thôn Noh Prông để thành lập chi bộ ở thôn này.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.