Multimedia Đọc Báo in

Một kiểu làm báo dễ dãi thời... Google

06:06, 22/06/2013

Chỉ cần nhấp chuột là gần như bất cứ thông tin gì cần tìm kiếm sẽ hiện ra ngay trong vài giây. Google đã trở thành phương tiện tìm kiếm thông tin hữu dụng cho gần như tất cả mọi người, kể cả người làm báo. 

Để có những hình ảnh minh họa sinh động cho bài viết, nhà báo phải lăn lộn với cơ sở.
Để có những hình ảnh minh họa sinh động cho bài viết, nhà báo phải lăn lộn với cơ sở.

Không thể phủ nhận những tiện ích mà Google mang lại. Trong thời buổi thì giờ là tiền bạc thì phương tiện hỗ trợ tìm kiếm này tỏ ra khá hữu dụng, bởi nó giúp chúng ta nắm bắt thông tin một cách đơn giản và nhanh nhất chỉ với một vài từ khóa. Chính sự đơn giản và tiện dụng như vậy nên không ít người đã lạm dụng nó như một công cụ của nghề nghiệp, nhất là đối với người làm báo. Cho nên mới có không ít người làm báo chỉ cần chiếc laptop kết nối mạng là đã có được nhiều  “món ngon” từ việc “chế biến” thông tin  của các trang mạng. Vì vậy người ta mới thấy một hiện tượng lạ xuất hiện trong làng báo, đó là có nhiều nhân vật “đồng dạng” trong các tác phẩm báo chí khác nhau. Thay vì tự mình đi khai thác tư liệu, chắt lọc, sắp xếp thông tin và hoàn chỉnh bài báo, những “nhà báo google” tác nghiệp bằng cách xem những bài báo hoàn chỉnh của đồng nghiệp là một nguồn tư liệu, dùng các thủ thuật, cắt, dán, xào nấu, nhào nặn thành sản phẩm của mình. Thế nhưng, cách làm báo này vẫn có đất “sống” nhờ sự dễ dãi của một vài tòa soạn. Cho nên việc đạo tin, bài ngày nay xuất hiện khá nhiều trên các tờ báo, trang tin điện tử. Có thể dễ dàng kiểm chứng điều đó khi lướt qua các trang mạng. Vào Google gõ một tít bài thì chỉ cần vài giây đã cho hàng trăm kết quả của hàng trăm tờ báo, trang tin điện tử khác nhau. Có tờ thì chọn cách copy toàn bộ thông tin, dẫn nguồn ở cuối bài; có tờ thì soạn lại theo văn phong của báo nhà; có tờ thì sao ở tờ này một ít, chép tờ kia một tí, rồi thêm “gia vị” để biến thành sản phẩm của mình. Những người có tin, bài bị người khác đánh cắp cũng chỉ biết đăng đàn, chia sẻ bức xúc trên các trạng mạng xã hội, chứ kiện cáo cũng lằng nhằng, phức tạp và chả bõ công. Chuyện đạo báo vì vậy mà trở thành như cơm bữa khi thiếu hẳn chế tài “nghiêm trị”. Những người tâm huyết với nghề phải thốt lên với nhau rằng, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo đang có vấn đề lắm rồi! Bởi làm báo theo cái cách kiếm tiền trên chính mồ hôi, công sức của đồng nghiệp là xem thường bạn đọc, thiếu tự trọng đối với bản thân, xúc phạm nghề nghiệp nghiêm trọng.

Chuyện bản quyền đã quy định trong luật, nhưng việc vi phạm, ăn cắp bản quyền vẫn cứ xảy ra nhan nhản vì chính người có tin, bài bị xào nấu, đánh cắp cũng xem nhẹ, chỉ nuốt cục tức cái ực rồi cho qua. Mới đây khi tờ Tin nhanh Năng lượng mới Petrotimes “nổ phát súng” đầu tiên đối với việc ăn cắp, đạo tin bài thì vấn đề bản quyền báo chí mới bắt đầu được chú ý và nhắc đến. Hàng loạt bài báo trên các tờ báo lớn lên án các hành vi cắt dán tin bài đã thu hút sự quan tâm, chia sẻ của bạn đọc. Từ đó cũng đặt ra vấn đề đối với việc quản lý báo chí cũng như vai trò, trách nhiệm của từng tòa soạn báo hiện nay. Tác phẩm báo chí ra đời như là đứa con tinh thần của nhà báo sau quá trình vất vả, vật lộn với từng con chữ, còn gì đau lòng hơn khi thấy người khác nhẫn tâm lấy đi đứa con mình cực nhọc sinh ra, thậm chí còn làm nó méo mó, biến dạng. Nghề báo là một nghề sáng tạo, không cho phép các hành vi bắt chước, sao chép, biến cái của người khác thành của mình. Đó cũng là lòng tự trọng nghề nghiệp của mỗi người làm nghề cần có. Bên cạnh đó, quá lệ thuộc vào Internet cũng sẽ thui chột khả năng quan sát, kỹ năng làm nghề của chính bản thân cũng như không phát huy được sức mạnh của ngòi bút. Nghề làm báo là nghề tôn trọng sự thật thì người làm báo trước hết phải là người trung thực. Cho nên việc chặn đứng “vấn nạn”  đạo báo nên bắt đầu từ nhận thức, lòng tự trọng của chính người làm báo trước khi bị “cưỡng chế” bởi các chế tài của luật.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.