Multimedia Đọc Báo in

"Nhà báo" của những mảnh đời bất hạnh

06:07, 22/06/2013

Tham gia viết báo từ khi còn ở chiến trường và đến tận bây giờ dù đã bước vào tuổi 60 nhưng hằng ngày nữ "nhà báo" Minh Nhật vẫn đi và viết. Bà viết để tìm "vận may" giúp những mảnh đời bất hạnh bớt khổ.

Bà Nhật (ngoài cùng bên trái) tặng quà một gia đình có hoàn cảnh  khó khăn ở huyện Cư M'gar.
Bà Nhật (ngoài cùng bên trái) tặng quà một gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Cư M'gar.

Không được đào tạo qua trường lớp, thế nhưng bà Nguyễn Thị Minh Nhật (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) đã có thâm niên viết báo gần 40 năm, và là cộng tác viên thường xuyên của báo Dak Lak hơn 15 năm nay. Những nhân vật trong bài viết của bà thường mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, thân thể tàn tật, cuộc sống khó khăn, những cô cậu bé vượt khó học giỏi hay những tấm gương người tốt việc tốt, sản xuất kinh doanh giỏi... Cảm thương, xót xa những mảnh đời bất hạnh, bà muốn góp một chút công sức nhỏ bé của mình để mong các tấm lòng hảo tâm chia sẻ, giúp đỡ họ vươn lên trong cuộc sống. Và rồi đã có không ít trường hợp được các tổ chức, cá nhân hỗ trợ xây nhà, chi phí khám chữa bệnh và cả những món quà đầy ý nghĩa. Đó là trường hợp cháu bé Yến Nhi, con gái của anh Nguyễn Văn Sơn và chị Trần Thị Thơm ở thôn 4 (xã Cuôr Knia, Buôn Đôn) mắc bệnh não úng thủy, viêm phổi, viêm đường ruột và bệnh tim bẩm sinh; sau một thời gian báo đăng bài viết, em bé này đã được hỗ trợ chuẩn bị đi phẫu thuật tim; là gia đình có 3 chị em bị bệnh hiểm nghèo ở thôn 17A (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) được bạn đọc hỗ trợ 2.000.000 đồng; hay trường hợp em Trần Thị Quý Nghĩa (xã Cuôr Knia, Buôn Đôn) mẹ mất vì tai nạn giao thông khi em lên 5 tuổi, để có tiền cho con đi học người cha phải đi làm thuê làm mướn khắp nơi; dù cuộc sống khó khăn nhưng 8 năm liền em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Sau bài viết của bà Nhật, em đã được một người phụ nữ nhận hỗ trợ mọi chi phí học tập cho đến hết lớp 12... "Có thể nói, trong xã hội còn biết bao hoàn cảnh khó khăn, cần được giúp đỡ, mình giúp được ai điều gì thì cảm thấy tâm hồn nhẹ nhõm và cuộc sống có ý nghĩa hơn. Tôi không có nhiều tiền nên chỉ có thể viết để mọi người chia sẻ, và mỗi khi nhận tiền nhuận bút từ các bài viết tôi cũng trích ra một phần để tặng lại cho nhân vật", bà Nhật tâm sự.

Ít ai biết rằng, ngoài việc hỗ trợ những người gặp hoàn cảnh khó khăn từ tiền nhuận bút viết báo, bà còn thường bỏ tiền túi và "san sẻ" đàn heo nhà để giúp người nghèo. Như cụ Y Phê Êban (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) 91 tuổi, không còn khả năng lao động, được mọi người dựng cho một chỗ ở tạm ngay dưới gầm nhà cộng đồng của buôn, hiện nguồn sống của cụ chỉ trông chờ vào số tiền trợ cấp của Nhà nước là 150.000 đồng/tháng. Cảm thương cảnh sống đó bà thường giúp cụ lúc thức ăn, lúc vật dụng trong nhà.

Dịp giáp Tết cổ truyền năm 2013, vừa bán con heo được 600.000 đồng, bà đã hỗ trợ cụ Y Phê 500.000 đồng trong lúc nhà mình chưa sắm Tết. Không những thế, mỗi khi thấy gia đình nào quá khó khăn, bà lại lặn lội đến tận nơi tìm hiểu rồi hỗ trợ cho họ cặp heo con để phát triển kinh tế. Hơn 20 năm làm việc thiện, bà Nhật không thể nhớ hết số heo con mà bà đã hỗ trợ các gia đình. Để nắm bắt thông tin của các mảnh đời cần giúp đỡ, bà thường "lân la" tìm hiểu nguồn tin từ người dân bởi theo bà, muốn tìm hiểu về gương sản xuất kinh doanh giỏi, người tốt việc tốt thì chính quyền địa phương, các ban ngành luôn nhiệt tình cung cấp; còn những mảnh đời bất hạnh là không dễ mà chỉ có thể tranh thủ nắm bắt qua người dân. Dù khó khăn, vất vả thế nhưng bà Nhật vẫn nhiệt tình, say mê công việc đi và viết về những mảnh đời bất hạnh.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc