Multimedia Đọc Báo in

Nhà báo thời @

16:52, 24/06/2013

Trong thời buổi mà công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, cánh nhà báo cũng không thể đứng ngoài trào lưu… số hóa. Laptop, máy ảnh, máy ghi âm kỹ thuật số, thậm chí là máy tính bảng, điện thoại thông minh kết nối Internet bằng sóng wifi, 3G đã trở thành những phương tiện quen thuộc và không thể thiếu đối với những nhà báo thời @...

Các phóng viên tác nghiệp tại Hội thao Báo chí khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ lần thứ IV-2013.        Ảnh: Hoàng Gia
Các phóng viên tác nghiệp tại Hội thao Báo chí khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ lần thứ IV-2013. Ảnh: Hoàng Gia

Còn nhớ, cách đây chừng 10 năm, khi chúng tôi mới chập chững bước vào nghề báo, cả phòng phóng viên chỉ có 3 chiếc máy vi tính CPU đời 586 cùng với hai chiếc máy in kim cứ mỗi lần nhận lệnh in là kêu “rét rét”, mỗi lần dùng Internet phải nối mạng qua cổng 1269 (vào mạng phải ngắt điện thoại bàn) với cước phí “trên trời” và tất nhiên là chưa có “Gu-gồ” (Google). Có những phóng viên khi vào nghề mới bắt đầu học đánh máy vi tính, có người chẳng biết làm thế nào để đặt dấu phẩy trên (’) mỗi khi viết tên nhân vật nữ là người dân tộc thiểu số mà chẳng dám hỏi đồng nghiệp (vì sợ bị chê cười) nên mỗi lần đánh xong bản thảo lại dùng bút đánh thêm dấu phẩy (’) vào tên nhân vật! Máy ảnh hầu hết đều là máy cơ, chụp bằng phim, mỗi lần đi rửa hình đều hồi hộp chẳng biết liệu bức ảnh mình chụp có đẹp không, có thiếu sáng hay bị cháy hình không (và chẳng may bị “dính” những lỗi ấy thì lại phải chạy đôn đáo đi xin hình đồng nghiệp báo bạn).

Thế mà chưa đến 10 năm sau, cơ quan đã “số hóa” toàn bộ hệ thống máy móc. Chỉ còn rơi rớt vài chiếc máy vi tính đời Pentium 4, còn thì đều là máy được trang bị bộ vi xử lý Duo Core hay Duo 2 Core; có phóng viên đã trang bị được cả laptop có cấu hình Core i3,  Core i5… Không chỉ kết nối Internet với đường truyền cáp quang, sóng wifi phủ toàn bộ các phòng làm việc, cả tòa soạn còn kết nối với nhau bằng hệ thống mạng nội bộ giúp bộ phận vi tính, dàn trang “dễ thở” hơn nhiều vì không còn cảnh căng mắt ra gõ lại toàn bộ bản thảo. Phóng viên, ai cũng trang bị cho mình một chiếc máy ảnh kỹ thuật số, xoàng cũng một chiếc máy compact với độ phân giải tương đối, hay sang hơn và chuyên nghiệp hơn là máy ảnh DSLR, chấm dứt cảnh xếp hàng chờ rửa phim mà thay vào đó là mỗi lần đi họp về, chỉ việc đổ hình ra máy tính, chọn ảnh và xử lý rồi gửi ảnh cho biên tập xử lý, bộ phận vi tính dàn trang qua mạng nội bộ. Những năm gần đây, những thiết bị như máy tính bảng, điện thoại thông minh, thiết bị kết nối Internet 3G… cũng góp phần giúp công việc viết báo tiện lợi và nhanh chóng hơn rất nhiều. Chỉ cần một máy tính có kết nối Internet bằng sóng wifi hay 3G, phóng viên đã có thể viết tin, xử lý ảnh và gửi đăng trên báo điện tử ngay khi vẫn đang tham dự sự kiện. Internet đã trở thành một tiện ích không thể thiếu đối với nhà báo, nhất là báo điện tử. Nó không chỉ giúp nhà báo dễ dàng hơn trong việc kết nối với thế giới mà còn là một kênh thông tin quan trọng giúp nhà báo nắm bắt nhanh nhất những thông tin đang và sắp diễn ra, đặc biệt là khi các cơ quan Nhà nước cũng đang đẩy mạnh cải cách bộ máy hành chính theo hướng… số hóa.

Không thể phủ nhận sự hỗ trợ đắc lực của các thiết bị công nghệ số cho công việc của các nhà báo, song sự quá phụ thuộc vào công nghệ cũng khiến nhiều nhà báo rơi vào những tình huống… dở khóc dở cười. Đó là những lúc đi về tận cơ sở cách xa hàng chục cây số, lôi máy hình ra chụp thì phát hiện… hết pin hoặc lỗi… thẻ nhớ. Hay, nghĩ có máy ghi âm nên phóng viên chủ quan không ghi chép, đến lúc viết bài nghe lại mới tá hỏa vì máy… trục trặc. Do chụp hình bằng máy ảnh kỹ thuật số, chuyển ảnh qua mạng nội bộ, file ảnh thường lưu trong ổ cứng máy tính, laptop nên có không ít trường hợp phóng viên bị mất rất nhiều tư liệu ảnh khi máy tính bị virus hoặc laptop bị… mất trộm. Bên cạnh đó, cũng không hiếm trường hợp nhà báo quá lạm dụng Internet trong việc khai thác tư liệu, viết bài. Thậm chí, với sự phát triển nở rộ của các loại hình báo mạng, sự tiện dụng và thịnh hành của công cụ tìm kiếm “Gu-gồ”, không ít nhà báo trở nên lười đi cơ sở, “bám chặt trên mạng” để tìm kiếm thông tin rồi “xào xáo” lại tư liệu để biến thành bài viết của mình. Internet và Google cũng khiến một số nhà báo lười suy nghĩ, tư duy, cho nên mới có những bài viết, có thể khác về dữ liệu nhưng bố cục, thậm chí cả cách sử dụng từ cũng “na ná” như những bài báo khác mà chỉ cần “search Google” là ra hàng loạt kết quả.

Nói cho cùng, công nghệ số dù tiện lợi đến thế nào, hỗ trợ đắc lực cho nhà báo đến đâu cũng vẫn chỉ là công cụ. Yếu tố quyết định hiệu quả công việc chính là năng lực, phẩm chất của nhà báo.

Hồng Thủy


Ý kiến bạn đọc