Multimedia Đọc Báo in

Những cây bút nữ và niềm đam mê nghề nghiệp

06:03, 22/06/2013

Để thỏa niềm đam mê của mình, các phóng viên nữ phải cố gắng, nỗ lực hơn cánh “mày râu” rất nhiều bởi bên cạnh nhiệm vụ của cơ quan, các chị vẫn phải đảm đương vai trò của người vợ, người mẹ, vun đắp cho hạnh phúc gia đình. Đối với họ, niềm vui lớn nhất chính là sự ghi nhận, yêu mến của khán thính giả, độc giả gần, xa.

Cháy hết mình cho những đam mê

Phóng viên Thu Hường (người đang phỏng vấn) luôn giữ
Phóng viên Thu Hường (người đang phỏng vấn) luôn giữ "tình yêu" với nghề báo.

Vào nghề từ năm 18 tuổi, khi vừa tốt nghiệp PTTH, chưa được đào tạo cơ bản nghề báo như nhiều đồng nghiệp sau này nên chị Nguyễn Thị Thu Hường, phóng viên của Đài PT-TH Dak Lak “khởi nghiệp” từ công việc của một phóng viên phát thanh. Chính vì vậy, khi chuyển sang lĩnh vực truyền hình, chị đã phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều, từ việc tranh thủ học trung cấp, đại học tại chức để nâng cao kiến thức đến tích cực đi thực tế… Mỗi chuyến đi là một trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm và trưởng thành hơn qua từng trang viết. Chính vì vậy, từng bài viết trong các chuyên mục “Tạp chí Kinh tế”, “Tài nguyên và Môi trường”, “Gặp gỡ cuối tuần” và các phóng sự chuyên đề của đài do chị phụ trách đều mang đậm hơi thở cuộc sống. Không thể kể hết những chuyến công tác chị phải khởi hành lúc nửa đêm, tờ mờ sáng, đi bộ 5 - 6 km, thậm chí băng rừng, vượt suối, leo núi để đến tận nơi phản ánh về vấn đề ô nhiễm môi trường, các công trình cấp nước bỏ hoang, tình trạng chặt phá rừng, đời sống của dân di cư tự do, vệ sinh an toàn thực phẩm… “Nghề báo đối với phụ nữ rất nhiều áp lực bởi sau mỗi chuyến đi thực tế, phóng viên nữ lại tất bật lo cho gia đình. Và khi mọi người đã yên giấc, các chị lại tiếp tục trăn trở với từng con chữ hoàn thành bài viết cho kịp thời gian phát sóng và để thông tin không bị “thiu”. Cứ như vậy, hành trình đi, nghĩ và viết diễn ra liên tục, đôi khi khiến các nhà báo nữ không còn thời gian chăm chút cho chính bản thân mình”, chị Hường bộc bạch. Kỷ niệm trong suốt 31 năm gắn bó với nghề báo rất nhiều, nhưng đối với chị loạt bài phóng sự 3 kỳ về MB 24 là đáng nhớ và tâm đắc nhất. Từ thông tin về hoạt động mua bán trực tuyến của MB 24 do người quen cung cấp, chị đã tò mò tìm hiểu, chấp nhận đóng 5,5 triệu đồng mua gian hàng trực tuyến, trở thành hội viên của Công ty để có thể trực tiếp tham gia các khóa học, tìm hiểu cặn kẽ cách thức hoạt động, bí mật quay phim những hình ảnh thực tế, tiếp cận với nhiều đối tượng để khai thác thông tin… Sau khi kỳ 1 phát sóng, lập tức chị đã nhận được lời đe dọa của một số đối tượng, nhưng với bản lĩnh và niềm đam mê nghề nghiệp, chị vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng. Loạt phóng sự này đã góp thêm tiếng nói cùng nhiều cơ quan báo chí vạch mặt hoạt động kinh doanh lừa đảo của công ty đào tạo mua bán trực tuyến MB 24 trên địa bàn.

Thỏa ước mơ đi và viết

Tuy mới công tác ở Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Krông Ana được gần 5 năm nhưng phóng viên H’Jim Hmok cũng bước đầu thỏa ước mơ đi, viết và lên sóng trên truyền hình.

Không chỉ phỏng vấn, khai thác thông tin, phóng viên H'Jim Hmok còn kiêm cả... quay phim.
Không chỉ phỏng vấn, khai thác thông tin, phóng viên H'Jim Hmok còn kiêm cả... quay phim.

Ngay khi còn học phổ thông, H’Jim rất thích đọc báo, nghe đài. Với mong ước trở thành phát thanh viên “để gia đình, bạn bè thấy mình trên ti vi” nên những lúc rảnh rỗi, H’Jim luyện thanh, ghi âm và mở nghe lại để… tự rút kinh nghiệm. Sau khi tốt nghiệp Khoa Phóng viên - Biên tập viên phát thanh - truyền hình (Hệ trung cấp) của Trường Cao đẳng phát thanh - truyền hình II, TP. Hồ Chí Minh và vào công tác tại Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Krông Ana, được tiếp xúc, tìm hiểu công việc của một phóng viên thực sự, H’Jim mới “vỡ” ra nhiều điều. Ngoài kiến thức được đào tạo ở trường, bản thân phóng viên cần thêm thời gian trải nghiệm để “nghề dạy nghề”. Vì vậy, để có thể vừa quay phim, viết bài cho các chương trình phát thanh, truyền hình, đồng thời biên dịch, biên tập và làm phát thanh viên của chương trình tiếng Êđê trên sóng Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện, H’Jim đã phải cố gắng, nỗ lực, tự học hỏi rất nhiều, từ kỹ thuật quay phim, dựng bài, đến cả từ vựng, ngữ pháp, cách phát âm tiếng mẹ đẻ. Được giao phụ trách địa bàn các xã Dur Kmăl, Băng Adrênh, Ea Na, Dray Sáp - nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, H’Jim rất chú trọng khai thác những đề tài liên quan trực tiếp đến cuộc sống của bà con như việc triển khai thực hiện các chế độ, chính sách, mô hình kinh tế hiệu quả, gương sản xuất - kinh doanh giỏi, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… Những trăn trở về cuộc sống người dân, gắn bó sâu sát với địa bàn đã giúp H’Jim kịp thời nắm bắt và viết bài phản ánh về tình trạng cho vay nặng lãi tại xã Dur Kmăl. Sau khi bài viết được phát trên sóng phát thanh đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân, cán bộ cơ sở. Lãnh đạo UBND huyện đã vào cuộc, chỉ đạo khai thông nguồn vốn, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. Theo H’Jim, niềm vui lớn nhất đối với mỗi người làm báo là được góp tiếng nói bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân. Sau mỗi bài viết, từng phóng viên sẽ trưởng thành hơn và ngày càng gần gũi với khán, thính giả. Là phóng viên trẻ, nhà ở xa (cách đài hơn 10 km), con còn nhỏ, thường xuyên đau ốm, trong khi chồng lại công tác ở tận tỉnh Ninh Thuận nên để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, H’Jim phải sắp xếp mọi việc một cách khoa học. Sau khi đi lấy tư liệu, quay phim xong, buổi trưa tranh thủ viết bài ngay tại đài để chiều về sớm chăm sóc con. “Dù làm công việc gì, bận rộn đến mấy thì người phụ nữ vẫn phải hoàn thành vai trò của người vợ, người mẹ, người con trong gia đình. Bởi đối với mỗi phụ nữ, thành công trong xã hội sẽ không trọn vẹn nếu thiếu một gia đình hạnh phúc”, H’Jim chia sẻ.

Mỗi chuyến đi là một trải nghiệm thú vị

Đối với Nguyễn Thị Thanh Bình, phóng viên Đài Truyền thanh - Truyền hình thị xã Buôn Hồ thì mỗi chuyến đi công tác cơ sở là một trải nghiệm thú vị vì được cảm nhận từng hơi thở cuộc sống.

Phóng viên Thanh Bình trong một lần tác nghiệp ở cơ sở.
Phóng viên Thanh Bình trong một lần tác nghiệp ở cơ sở.

Với đặc thù của đài cấp huyện không phân công mảng phụ trách cụ thể cho từng người nên mỗi phóng viên phải tự tìm tòi, viết bài ở nhiều lĩnh vực. Vì vậy, ngoài những sự kiện thời sự, Thanh Bình dành nhiều thời gian quan tâm, theo dõi viết bài về các  lĩnh vực: an toàn giao thông, giáo dục, xóa đói giảm nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Điều này đồng nghĩa với việc không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức, hiểu biết xã hội và hoàn thiện dần các kỹ năng tìm đề tài, tiếp cận nhân vật, phỏng vấn và kiêm cả quay phim. Nhiều khi đi tác nghiệp, các phóng viên nữ công tác ở đài huyện phải chở theo máy móc cồng kềnh, chạy xe máy len lỏi vào tận vùng sâu, vùng xa, đến với những cảnh đời, phận người khốn khó. Vất vả vì đường xa, mưa gió bao nhiêu thì niềm vui sau mỗi trang viết cũng tăng lên gấp bội”, Bình bộc bạch. Tuy khó khăn là vậy, nhưng với sự nhạy bén, năng động lại có năng khiếu trong giao tiếp nên Thanh Bình đã tìm tòi, phản ánh được nhiều vấn đề hay, được bạn đọc quan tâm và khá thuận lợi khi khai thác thông tin cho bài viết của mình. Những phóng sự về các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nạn nhân chất độc da cam, trẻ mồ côi của Thanh Bình đã tạo hiệu ứng xã hội, huy động được sự vào cuộc của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, mạnh thường quân cùng chung tay góp sức giúp đỡ người nghèo. Kỷ niệm sau 6 năm gắn bó với nghề cũng nhiều nhưng Bình nhớ nhất lần tác nghiệp tại chương trình “Rung chuông vàng” do Thị Đoàn Buôn Hồ phối hợp với các trường THPT trên địa bàn thị xã tổ chức. Vừa đến nơi cũng là lúc chương trình diễn ra nên Bình và một đồng nghiệp nữ bắt tay vào tác nghiệp ngay để kịp thời quay được những shoot hình đẹp, nên làm rơi mất chìa khóa quên ở  xe. Khi chương trình kết thúc, hai bạn loay hoay đến gần 20 giờ đêm vẫn không sao làm cho “con ngựa sắt” nổ máy được suýt phát khóc, may  sao có một phụ huynh đem đồ nghề đến tận nơi mở khóa giúp. Sau khi về cơ quan cất máy quay, Bình còn phải vượt quãng đường gần 20 km để về nhà ở tận xã Ea Toh (huyện Krông Năng). “Đã là phóng viên thì khó tránh khỏi tai nạn nghề nghiệp. Sau mỗi “tai nạn”, phóng viên sẽ trưởng thành, bản lĩnh hơn. Nhưng quan trọng hơn cả là sự quan tâm, thông cảm, động viên, khích lệ của gia đình, người thân, nhất là ông xã sẽ thêm động lực để mỗi phóng viên nữ vượt qua những thử thách khắc nghiệt, thành công hơn với nghề”, Thanh Bình chia sẻ.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.