Multimedia Đọc Báo in

Nở rộ các điểm trông giữ trẻ tại gia

16:58, 24/06/2013

Từ thực tế, nhiều cặp vợ chồng trẻ không sắp xếp được quỹ thời gian giữa công việc và chăm sóc con nhỏ hằng ngày phải thuê người trông coi, hiện nay tại TP. Buôn Ma Thuột, nghề trông trẻ tư gia đang ngày càng nở rộ… Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì công việc này vẫn để lại nhiều phiền toái cũng như hệ lụy cho các gia đình gửi trẻ.

Nghề kiếm bộn tiền

Không phải chịu nắng mưa vất vả như một số nghề khác trong xã hội, việc trông giữ trẻ tại gia hiện được cho là nghề khá nhẹ nhàng và có thu nhập cao. Mỗi điểm giữ trẻ này chỉ cần có phòng rộng rãi, thoáng mát, sạch sẽ thì ngay cả những bà nội trợ, người nghỉ hưu, rảnh công việc gia đình cũng có thể mở điểm trông trẻ bán trú và trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo tại nhà. Còn các bậc phụ huynh chỉ cần bỏ ra chút ít tiền là có thể đi làm cả ngày mà vẫn yên tâm giao phó con mình cho người trông giữ.

Các ngành chức năng tỉnh cần có  cơ chế quản lý chặt hơn các điểm trông giữ trẻ tự phát trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Các ngành chức năng tỉnh cần có cơ chế quản lý chặt hơn các điểm trông giữ trẻ tự phát trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Tại điểm trông giữ trẻ tư nhân của vợ chồng ông Cao Bá T. ở phường Tân Hòa hầu như ngày nào cũng đầy ắp tiếng trẻ nhỏ. Dù đã về hưu nhưng họ vẫn “tham công tiếc việc” tận dụng căn phòng khoảng 60 m2 trong nhà mình để nhận giữ trẻ. Số lượng trẻ được trông giữ thường xuyên tại đây khoảng 18 đến 25 cháu với đủ các lứa tuổi từ 6 tháng đến trên 3 tuổi, trung bình “học phí” mỗi cháu từ 1- 1,5 triệu đồng/tháng thì mỗi tháng vợ chồng ông T. cũng thu nhập gần 30 triệu đồng. Với vợ chồng ông T. việc chăm sóc trẻ chỉ cần 2 người là đủ. Sáng sớm họ đi chợ mua đồ về nấu, đến 7 giờ là cho trẻ ăn sáng, sau đó dọn dẹp và đi chợ chuẩn bị cho bữa trưa, tiếp đến 10 giờ 30 cho trẻ ăn trưa rồi đi ngủ, 2 giờ chiều ăn xế và 4 giờ thì ăn chiều. Thời gian còn lại trong ngày cho trẻ chơi đùa, tập hát, xem phim hoạt hình. Nhận thấy nguồn thu nhập khá lại ít phải bỏ vốn đầu tư từ nghề trông trẻ, bà Phạm Thị H. ở phường Tự An dù đã ngoài 60 tuổi, do con cái đi làm ăn xa, chỉ một mình ở nhà lại luôn rảnh rỗi, nên đã tận dụng 2 gian nhà gỗ cũ để hành nghề. Bà H. tiết lộ: Thời gian đầu (cuối năm 2012) do chưa quen với công việc nên chỉ nhận 3 - 5 cháu để trông, các cháu mới đến thường phải mất 1 đến 2 tuần mới tự làm quen với môi trường sinh hoạt và các bạn mới, nên mỗi tháng bà nhận thêm không quá 2 cháu. Đến nay cơ sở của bà cũng đang giữ hơn 10 cháu, hầu hết đều là con của các gia đình trên địa bàn phường Tự An.

Một trong những thế mạnh của nghề giữ trẻ tại gia so với các trường mầm non, trung tâm giữ trẻ lớn khác là có thể nhận trẻ ở nhiều lứa tuổi khác nhau, việc đưa đón trẻ khá thoải mái về thời gian, có khi 4 giờ sáng đã đến kêu cửa gửi con và 20 giờ tối mới đón về. Hơn nữa, “học phí” ở đây (bao gồm tiền công giữ trẻ và tiền ăn) cũng mềm hơn so với trường mầm non lớn, chỉ với khoảng 1 - 1,5 triệu đồng/cháu/tháng, lại được cho ăn đều đặn 4 bữa/ngày: sáng, trưa, xế, chiều… Chính vì ưu điểm này mà nhiều bậc phụ huynh đã tìm đến các cơ sở trông trẻ tại gia để gửi con em mình.

Không tránh khỏi phiền toái

Hiện nay, theo thống kê chưa đầy đủ thì trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột có không dưới 100 điểm giữ trẻ tại gia, tuy nhiên, hầu hết đều nằm ngoài sự quản lý thực sự của các ngành chức năng tỉnh. Vì vậy, bên cạnh những lợi thế, ưu điểm thì nghề trông trẻ tại gia cũng để lại nhiều phiền toái cũng như hệ lụy cho các gia đình gửi trẻ. Chị Lê Thị Lan Anh ở phường Khánh Xuân cho hay, vợ chồng chị ngày nào cũng phải đi làm từ sáng sớm, do có con nhỏ chưa đến tuổi đi học mầm non nên đành phải đưa đi gửi trẻ. Nhiều hôm đón con về thường hay bị ốm đau do lây nhiều bệnh từ các trẻ khác sang, nào là tiêu chảy, cảm cúm, đến đau mắt…, có khi con lây sang cả nhà, làm vợ chồng chị lo lắng, chạy chữa thuốc men tốn tiền lại mất thời gian. Dẫu biết là mang con đi gửi trẻ rất phức tạp nhưng do bận công việc hằng ngày nên chị đành phải chấp nhận. Còn chị Duyên ở phường Tân Hòa tâm sự: “Gia đình tôi có một con trai được 16 tháng tuổi, trước khi đi trẻ cháu nghịch ngợm lắm, buổi trưa chẳng bao giờ ngủ cả. Thế nhưng sau khi đi trẻ về nhà cháu ngủ li bì, đến chiều đón cháu về nhà mà cháu vẫn buồn ngủ, có khi ngủ cả trên đường về. Tìm hiểu qua các kênh thông tin báo chí, được biết nhiều điểm trông giữ trẻ không có chuyên môn nghiệp vụ, do trẻ nhỏ thường hay nghịch ngợm không chịu ngủ trưa, để đỡ phải mất công sức, nhiều người còn cho thuốc ngủ vào thức ăn của trẻ nhỏ, hay dọa nạt, đánh đập các cháu… khiến các cháu nhỏ luôn có tâm lý sợ sệt, hay khóc về đêm, thậm chí là tự kỷ… Vì thế, nhiều tháng nay chị không dám đưa con đi gửi nữa, đành nhờ bà ngoại lên chăm cháu để bố mẹ đi làm.

Một điều khá bất cập nữa là các điểm giữ trẻ gia đình thường có nhiều trẻ ở các lứa tuổi khác nhau, lại được quản lý, chăm sóc ở chế độ chung như nhau chứ không phân biệt từng lứa tuổi “mầm, chồi, lá” như nhà trẻ chuyên nghiệp. Vì thế, điều kiện nuôi dạy trẻ ở đây rất hạn chế và không khoa học. Trong khi trẻ ở trường mầm non được dạy các môn phát triển ngôn ngữ, phát triển trí tuệ như hát, vẽ, xếp hình… thì trẻ ở điểm trông trẻ gia đình chỉ được chơi đồ hàng, xe, bóng nhựa,  xem phim hoạt hình và học hát qua băng video ca nhạc thiếu nhi. Từ đó cũng dẫn đến khó khăn cho chính người giữ trẻ như lời chị Hà Phương, người trông trẻ tại gia ở phường Tự An chia sẻ: Khi cho trẻ ăn, chị phải vừa đút cho đứa nhỏ ăn, vừa hối thúc đứa lớn ăn nhanh, đến khi cho trẻ chơi thì phải coi sóc để chúng khỏi chạy lung tung và đứa lớn giành đồ chơi của đứa bé…

Nghề giữ trẻ hình thành bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu gửi con của các bậc cha mẹ trẻ, giúp họ có thời gian bố trí được công việc thường ngày. Tuy nhiên, hiện nay nghề giữ trẻ được các hộ gia đình lập lên một cách tự phát với số lượng lớn, lại không được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ giữ trẻ, kinh nghiệp nuôi trẻ… gây nên nhiều hệ lụy. Để khắc phục tình trạng này, trước hết, các ngành chức năng cần xây dựng khung pháp lý để quản lý, giám sát các điểm trông giữ trẻ tự phát; bắt buộc các điểm trông giữ trẻ cần thưc hiện thủ tục đăng ký với chính quyền cơ sở. Ngoài ra, các bậc phụ huynh có con nhỏ cần tìm đến những cơ sở có uy tín, hiểu rõ những cơ sở nhận trông trẻ trước khi đem con đến gửi.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.