Multimedia Đọc Báo in

Phong trào xây dựng nông thôn mới: Khi người dân không ỷ lại

14:26, 25/06/2013

Trước đây, 28 hộ dân (trong đó có 10 hộ người Kinh và 18 hộ người Êđê) ở thôn 1 và các buôn Chàm A, Chàm B thuộc xã Cư Drăm (huyện Krông Bông) mỗi khi đi làm rẫy phải sang một cây cầu tạm bắc qua suối rất nguy hiểm. Nhất là vào mùa mưa nước lớn, mọi người không thể đi làm rẫy được, việc vận chuyển phân bón, nông sản rất khó khăn, nhiều người đi làm rẫy đã bị ngã xuống suối. Trước tình trạng đó, vừa qua các hộ dân đã tự đóng góp tiền, góp công làm một cây cầu gỗ chắc chắn trị giá trên 30 triệu đồng. Theo đó mỗi hộ người Kinh đóng góp 1 triệu đồng, mỗi gia đình người Êđê và hộ người Kinh thuộc diện hộ nghèo đóng góp 500 nghìn đồng để mua gỗ, đá, cát, sắt thép, xi măng, đinh... Đồng thời hộ nào cũng cử nhân công góp sức làm đường; nhà nào có xe công nông, xe trâu, xe rùa thì huy động vận chuyển vật liệu. Cầu được làm rất chắc chắn: trụ cầu và đà được làm bằng gỗ trăm năm; ván lát bằng gỗ sao dày 5 phân; hai bên mố cầu được đổ bê tông chống lún và xây rất bảo đảm.      

Người dân đang làm cầu gỗ bắc qua suối ở thôn I xã Cư Drăm.
Người dân đang làm cầu gỗ bắc qua suối ở thôn I xã Cư Drăm.

Xã Cư Drăm là một địa phương còn nhiều khó khăn về kinh tế-xã hội, tỷ lệ hộ nghèo trên 35%, lâu nay việc huy động các khoản đóng góp để xây dựng cơ sở hạ tầng hầu như không thực hiện được, hầu hết các công trình dân sinh từ nhỏ đến lớn đều phải trông chờ vào nguồn ngân sách Nhà nước. Vì vậy, việc người dân, trong đó có cả những hộ người dân tộc thiểu số và hộ nghèo cùng góp công, góp của làm cầu qua suối là một bước chuyển mới của người dân nơi đây. Nói về ý nghĩa của cây cầu, ông Ama Khoát, Bí thư Đảng ủy xã Cư Drăm vui mừng cho biết: “Chiếc cầu gỗ bắc qua suối ở thôn 1 do bà con tự làm tuy chỉ trị giá vài ba chục triệu đồng nhưng đây là một tín hiệu đáng mừng cho địa phương vì một số hộ dân đã ý thức và tự giác trong việc cùng chung tay góp công, góp của xây dựng các công trình dân sinh mà không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Đây có thể là một việc làm nhỏ đối với các địa phương khác nhưng lại là một trong những điển hình ở xã Cư Drăm. Trước đây, một số hộ dân người Mông ở thôn Yang Hăn đã tự đóng góp hàng chục triệu đồng và hàng trăm ngày công để xây dựng hệ thống nước tự chảy về dùng. Mô hình này đã được nhân rộng và hiện tại đã có hàng trăm hộ người Mông dùng nước tự chảy do người dân tự đóng góp xây dựng. Mô hình làm cầu gỗ bắc qua suối thôn 1 của bà con sắp tới cũng sẽ được địa phương nhân rộng để người dân ở địa phương cùng chung tay đóng góp công sức, tiền của xây dựng các công trình phục vụ dân sinh, nhằm thực hiện hiệu quả việc xây dựng nông thôn mới ở vùng căn cứ cách mạng”.

 Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.