Trại hè bóng đá hòa nhập - một sân chơi bổ ích và ý nghĩa
Diễn ra từ ngày 10 đến 15-6, “Trại hè bóng đá hòa nhập” - một chương trình đặc biệt, nơi trẻ khuyết tật tham gia một sân chơi thể thao cùng với các trẻ bình thường khác - do Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam và Sở GD-ĐT tổ chức đã tạo nên một hoạt động ý nghĩa và thực sự bổ ích.
Các em học sinh thi đấu bóng đá cùng nhau rất vui và hòa đồng. |
Gần 40 em nhỏ từ 10-13 tuổi (trong đó có chừng 20 học sinh khiếm thính của Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh) và 20 thầy cô dạy bộ môn Thể dục đến từ các trường Tiểu học và THCS tại TP.Buôn Ma Thuột và các huyện Krông Bông, Lak đã được Huấn luyện viên Roger Schouwenaar đến từ Liên đoàn bóng đá Hà Lan huấn luyện về các kỹ năng chơi bóng.
Trong suốt thời gian diễn ra trại hè, khu vực nhà đa chức năng của Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh trở nên náo nhiệt hẳn. Trong nhà được chia thành 4 khoảng sân bóng đá nhỏ, mỗi sân được ngăn cách với nhau bằng những miếng nhựa màu đỏ, trên mỗi sân là 8-10 em nhỏ cả nam và nữ đang hăng say đá bóng. Nhìn các em “quần nhau” với trái bóng với khuôn mặt hăm hở, chẳng ai biết rằng trong đó có cả những trẻ em khiếm thính. Đúng như tên gọi, trò chơi bóng đá dường như đã tạo nên một môi trường hòa nhập tuyệt vời, dù các em trao đổi bằng ngôn ngữ hay ký hiệu tay, bóng đá đã tạo nên một tiếng nói chung giữa các trẻ em. Đó cũng là mục đích chính của trại hè, như bà Pamela Wright, Giám đốc Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam cho biết: “Hoạt động như thế này chúng tôi nghĩ là sẽ có nhiều hiệu ứng, thứ nhất là tạo điều kiện để trẻ khuyết tật tham gia các hoạt động cộng đồng, giúp các em tự tin hơn, hòa nhập tốt hơn. Thứ hai nữa là bản thân trẻ khuyết tật sẽ thấy được có thể chơi được, giao lưu được với các trẻ bình thường khác trên cùng một sân chơi và một điều nữa là gia đình và xã hội sẽ nhìn thấy rằng các trẻ khuyết tật và không khuyết tật có thể cùng chơi trên một sân chơi và gia đình, cộng đồng, xã hội cần tạo cho trẻ khuyết tật nhiều sân chơi hơn để trẻ cùng tham gia”.
Huấn luyện viên Roger Schouwenaar đến từ Liên đoàn bóng đá Hà Lan huấn luyện cho các em về các kỹ năng chơi bóng. Ảnh: H.G |
Tạm nghỉ giữa trận đấu do bị một quả bóng đập vào ngực, Hà Thị Chuyển (12 tuổi, học sinh Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh) vẫn rất phấn khích: “Nghỉ hè được chơi bóng đá rất vui. Tất cả chúng em đoàn kết với nhau, thi đua đá vào nhiều. Bản thân em rất thích đá bóng và mong muốn sẽ có thêm nhiều hoạt động này hơn nữa”. Là nữ nhưng Hoàng Thị Hồng Vân (học sinh Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh) được các thầy cô và bạn bè khen ngợi vì đá bóng giỏi. Em ra dấu cho biết: “Trại hè bóng đá này là một sân chơi rất bổ ích. Được chơi bóng cùng với các bạn bình thường, em thấy rất vui. Các bạn ấy giúp đỡ chúng em rất nhiều, khiến chúng em cảm thấy tự tin hơn trong trò chơi này. Em mong muốn các kỳ nghỉ hè sau lại được chơi bóng đá nữa”. Không chỉ giúp thỏa niềm đam mê bóng đá, trại hè đã khiến nhiều học sinh đến từ các trường trên địa bàn TP.Buôn Ma Thuột hiểu hơn về những bạn nhỏ khuyết tật của mình. Đỗ Trần Xuân Thành, học sinh Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai bày tỏ: “Mỗi ngày, dù chỉ được tập và chơi bóng cùng nhau khoảng 2 tiếng đồng hồ (từ 3 đến 5 giờ chiều) nhưng chúng em rất vui. Các bạn học sinh khiếm thính rất tốt, chơi đá bóng rất hay. Chúng em còn học được những ký hiệu tay để nói chuyện với các bạn nữa”.
Ở trại hè, người ta thấy có một phụ nữ trẻ cùng cậu con trai nhỏ có mặt trong hầu hết các hoạt động. Chị cổ vũ là khuyến khích con tham gia cùng các bạn trong mọi trò chơi. Hỏi ra mới biết chị là Vũ Thị Thanh Hà ở tận Hà Nội, biết có chương trình “Trại hè bóng đá hòa nhập” của Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam nên đưa cậu con trai Vũ Hoàng Hải (10 tuổi) vào tận Dak Lak tham gia với mục đích giúp con chơi cùng các bạn kém may mắn hơn mình để con biết thương yêu, chia sẻ, cảm thông đồng thời biết phấn đấu hơn nữa trong cuộc sống. Chị tâm sự: “Lúc đầu cháu cũng không chịu chơi cùng các bạn khác đâu, lúc nào cũng chỉ chơi riêng với một bạn khác là con của một cán bộ Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam. Nhưng sau một thời gian tập thì thấy con hòa đồng hơn, giao tiếp và chơi với nhiều bạn trong trại hè hơn. Tiếc là thời gian của trại hè quá ít, nếu có thêm thời gian thì các cháu sẽ có nhiều kỷ niệm gắn bó hơn nữa”.
Không chỉ tạo cơ hội cho trẻ em giao lưu bóng đá, trại hè còn mang đến những kiến thức, kỹ năng, phương pháp huấn luyện bóng đá trẻ cho 20 thầy cô dạy Thể dục đến từ Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh và các trường ở TP.Buôn Ma Thuột, huyện Lak và Krông Bông. Đây là những phương pháp giáo dục mới, bổ ích và khác hoàn toàn với những cách dạy truyền thống tại nhiều trường. Anh Nguyễn Xuân Hào, giáo viên Trường Tiểu học Quốc tế bày tỏ: “Những cách thức tổ chức huấn luyện, phương pháp dạy trẻ mà huấn luyện viên Hà Lan truyền thụ chủ yếu thiên về trò chơi, tạo hứng thú, lôi cuốn trẻ tham gia vào trò chơi. Hơn nữa, qua những trò chơi bóng đá hay thể lực có thể khéo léo kết hợp với giáo dục nhân cách như: lồng ghép trong trò chơi bóng đá là các bài học tránh xa ma túy, tệ nạn xã hội. Đây là những phương pháp giáo dục rất hay có thể áp dụng hiệu quả trong việc dạy bộ môn Thể dục ở trường phổ thông”. Kết thúc trại hè, 20 thầy cô đã được cấp Chứng chỉ huấn luyện bóng đá trẻ của Liên đoàn bóng đá Hà Lan.
Được biết, trại hè bóng đá hòa nhập còn là một sự kiện giúp gây quỹ hỗ trợ trẻ khuyết tật tại Dak Lak với hơn 660 triệu đồng vận động được từ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ hoạt động của trại hè, Ban tổ chức đã thu được 40 triệu đồng từ việc bán đấu giá trái bóng của Đội tuyển quốc gia Hà Lan và các sản phẩm thủ công do học sinh khuyết tật của Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh làm như: tranh ghép gỗ, hoa lụa, vật dụng bằng giấy… Hơn 700 triệu đồng này sẽ được sử dụng để trang bị những đồ dùng, thiết bị như: máy trợ thính cho trẻ khiếm thính, kính hỗ trợ, sách giáo khoa chữ nổi Braille và sách nói cho trẻ khiếm thị, dụng cụ chỉnh hình cho trẻ khuyết tận vận động... nhằm giúp trẻ em khuyết tật ở hai huyện Krông Bông và Lak có cơ hội đến trường, hòa nhập với xã hội.
Hồng Thủy
Ý kiến bạn đọc