Multimedia Đọc Báo in

Áp lực và hệ lụy từ dân di cư tự do ở Ea Súp

14:53, 05/07/2013

Vốn gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, tình trạng dân di cư tự do (DCTD) từ các tỉnh phía Bắc vào càng khiến cho xã Cư Kbang, huyện Ea Súp cũng như một số địa phương khác chịu thêm những áp lực về nhiều mặt.

Trăn trở “thôn nhà bạt”

Số lượng dân DCTD đến địa bàn xã tập trung nhiều nhất tại thôn 13 với gần 400 hộ, chủ yếu là người dân tộc Mông, Dao, Sán Chỉ. Thôn được thành lập từ năm 2007 nhưng đến nay, mới chỉ có 58 hộ có hộ khẩu, số còn lại vẫn nằm ngoài quy hoạch của địa phương.

Nhà lều tạm bợ của dân di cư tự do.
Nhà lều tạm bợ của dân di cư tự do.

Cuối tháng 6-2013, chúng tôi đến thôn 13 – nơi thường được gọi bằng cái tên… “thôn nhà bạt” đúng theo nghĩa đen của nó, vì hầu hết nhà của người dân được dựng tạm bợ, xung quanh che bạt. Hai bên con đường đất nhỏ xíu chạy dọc thôn, những ngôi nhà nhỏ nằm san sát. Phải khó khăn lắm chúng tôi mới bắt chuyện được với một người dân tộc thiểu số ở đây - vì hầu hết họ đều dè chừng khi gặp người lạ và nhiều người không biết tiếng Kinh. Đang ôm đứa con nhỏ chưa đầy năm trong căn nhà bốn bề thủng lỗ chỗ, chị Lý Thị Mai nói: “Nhà nhỏ mà có đến 7 người ở nên rất chật chội, bạt che xung quanh bị rách, mùa mưa đến mà chưa có tiền để thay”. Nhiều căn nhà khác cũng đang trong tình cảnh tương tự khi bạt thưng xung quanh đều đã bị rách, gió lùa thẳng vào nhà; một số hộ khác “có điều kiện” dựng nhà bằng ván gỗ thì yên tâm hơn vì không sợ bị mưa tạt gió lùa.

Rải rác trên đường thôn, nhiều đứa trẻ chưa ý thức được cái nghèo, cái khổ đang hồn nhiên vui chơi. Trong số này, có em chưa biết chữ do điều kiện gia đình quá khó khăn, những em được đến trường thì phải ra trung tâm xã học, vào mùa mưa đường lầy lội rất vất vả. Nhưng thiệt thòi lớn nhất ở đây, như trưởng thôn Giàng Seo Chính cho biết là chưa có lớp mẫu giáo, chưa kể, có khoảng 50 – 60 cháu không làm được giấy khai sinh nên không được đi học. Thêm một điều đặc biệt nữa, ở “thôn nhà bạt” đi từ đầu đến cuối thôn chúng tôi gặp rất ít đàn ông, chủ yếu phụ nữ và trẻ con ở nhà. Lý do đơn giản là đa phần các hộ ở đây không có đất sản xuất nên đàn ông rủ nhau đi làm thuê ở các địa phương khác để kiếm sống. Một số hộ khác thì khai hoang, lấn chiếm trái phép đất rừng để trồng bắp, mỳ, nhưng hệ thống thủy lợi thiếu thốn nên năng suất rất thấp. Bởi vậy, hầu hết người dân đều thuộc diện hộ nghèo. Bên cạnh đó, nước sinh hoạt cũng rất khó khăn, hàng trăm hộ dân phải dùng chung 1 giếng khoan, vào mùa khô thường xuyên thiếu nước. Không những thế, do trình độ dân trí thấp dẫn đến tình trạng tảo hôn, sinh đông con, tập quán sinh hoạt lạc hậu, ô nhiễm môi trường…

Ổn định đời sống dân DCTD, vẫn là bài toán khó

Tình trạng DCTD đến địa bàn xã Cư Kbang xuất hiện từ nhiều năm nay. Theo thống kê của chính quyền địa phương, trên địa bàn xã hiện có 535 hộ từ các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn di cư vào các thôn 13, 14, 15 từ những năm 2007 tới nay. Ông Đàm Văn Hà, Chủ tịch UBND xã cho biết, tình trạng DCTD kéo theo nhiều hệ lụy cho địa phương như phá vỡ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, gây khó khăn trong việc quản lý Nhà nước về dân cư, làm phức tạp thêm đến an ninh trật tự trên địa bàn. Bên cạnh đó, do thiếu đất canh tác nên tình trạng phá rừng, lấn chiếm, sang nhượng đất rừng diễn ra phổ biến khiến công tác quản lý rừng, quản lý đất đai cũng hết sức phức tạp. Để giải quyết vấn đề này, chính quyền địa phương đã vận động các hộ di cư trái phép trở về nơi ở cũ nên vài năm gần đây, tình trạng di cư ồ ạt đã giảm xuống. Những hộ đã đến địa bàn từ lâu thì xã Cư Kbang đang xin chuyển đổi 200 ha đất rừng bố trí cho các hộ dân nhằm giúp họ ổn định cuộc sống.

Theo báo cáo của UBND huyện Ea Súp, toàn huyện hiện có 857 hộ dân DCTD với 4.124 nhân khẩu chưa được bố trí, sắp xếp. Bên cạnh Cư Kbang, một số xã khác cũng đang phải đối mặt với những hệ lụy do tình trạng DCTD gây nên như: xã Ea Lê có 127 hộ với 627 nhân khẩu, Cư Mlan 195 hộ, 822 nhân khẩu chưa được sắp xếp, bố trí. Liên quan đến kế hoạch sắp xếp, bố trí các hộ dân này vào các tiểu khu trên cơ sở các dự án đã được phê duyệt, huyện Ea Súp có kế hoạch bố trí đất ở và đất sản xuất cho các hộ; hình thành các cụm dân cự, tổ tự quản cùng với xây dựng hệ thống đường giao thông, nước sinh hoạt, điện, trường học ở vùng dự án. Tuy nhiên, kế hoạch này đang đối mặt với nhiều khó khăn vì bên cạnh việc sắp xếp, bố trí dân DCTD giúp họ ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất thì cũng phải hài hòa với việc bảo vệ rừng, sử dụng hợp lý quỹ đất và không làm xáo trộn lớn quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tổng thể của địa phương. Theo ông Trần Đình Long, Phó phòng NN-PTNT huyện Ea Súp: khó khăn của địa phương trong vấn đề ổn định dân DCTD là quy hoạch quỹ đất và công tác chuyển đổi mục địch sử dụng đất còn chậm; một số diện tích đất quy hoạch để bố trí cho các hộ dân bị lấn chiếm canh tác trái phép. Bên cạnh đó là nguồn vốn được bố trí hạn chế, khiến việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại các vùng dự án và hỗ trợ kinh phí cho các hộ theo chế độ không triển khai đúng kế hoạch.

Tại cuộc họp sơ kết tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2013 của tỉnh vừa qua, lãnh đạo UBND tỉnh cho biết: từ đầu năm đến nay, tình trạng dân DCTD vẫn diễn biến phức tạp, trong khi số hộ dân đã đến chưa được giải quyết thì tình hình DCTD nội tỉnh ngày càng tăng, chủ yếu là người Mông từ huyện này di cư sang huyện khác. Tính đến nay, toàn tỉnh có 58.488 hộ dân DCTD với 289.764 khẩu, trong đó hơn 6.500 hộ với 32.455 khẩu chưa được sắp xếp, bố trí.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đắk Lắk – Phú Yên: Chủ động chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính, Đắk Lắk và Phú Yên đang tiến hành công tác chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh. Hội nghị giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh được tổ chức tại Buôn Ma Thuột vào chiều 18/4 là một dấu mốc quan trọng trong quá trình này.