Đi thi cùng con…
Trong khi các sĩ tử đang chăm chú làm bài thì ở bên ngoài trường thi, các ông bố, bà mẹ cũng đang thắc thỏm chờ con dưới cái nắng gay gắt của mùa hạ. Cứ mỗi mùa thi, cùng “lều chõng” với các sĩ tử là những phụ huynh tay xách, nách mang, không chỉ lo cho con từng bữa ăn, giấc ngủ mà còn phập phồng dõi theo từng cảm xúc của con trong mỗi buổi thi…
Ngồi 3 giờ đồng hồ đợi con thi môn Toán |
Không khí trong phòng thi đã “nóng”, bên ngoài phòng thi cũng “nóng” và căng thẳng không kém. Tại điểm thi Trường Đại học Tây Nguyên, giữa cái nắng nóng và bụi bặm của con đường đang được thi công, hơn nửa cây số trên đường Lê Duẩn, xung quanh khu vực của trường, rất nhiều phụ huynh đứng chờ con. Người đứng, người ngồi, những câu chuyện “giết” thời gian nhưng phần lớn cũng xoay quanh chuyện học hành, thi cử của con. Em Trương Thị Nhơn, ở huyện Krông Nô, tỉnh Dak Nông đăng ký dự thi vào ngành Sư phạm Toán của Trường Đại học Tây Nguyên đã cùng một số bạn lên trường thi cách đây 3 ngày. Nhưng khi bước vào ngày thi chính thức, bố của em không yên tâm nên đã chở luôn cả đứa em trai út đang bị gãy tay lên Buôn Ma Thuột. 12 năm đèn sách, đây là kỳ thi vô cùng quan trọng. Mặc dù chẳng giúp được gì nhiều nhưng ít ra cũng đôi phần động viên, an ủi, xem con ăn nghỉ, thi cử thế nào chứ ở nhà cũng nóng ruột, không làm được việc gì. Không đặt qúa nhiều áp lực, bố của Nhơn khá thoải mái vì cho rằng đại học không phải là con đường lập nghiệp duy nhất, thi đại học để cho con biết và cọ xát, nếu không đậu có thể lựa chọn một trường trung cấp, cao đẳng hay trường nghề vừa sức. Nhiều người học đại học ra vẫn chưa có việc làm, trong khi nhiều em học nghề đã sớm trưởng thành và có nghề nghiệp ổn định khi ra đời. Như để minh chứng, vị phụ huynh này đưa cho chúng tôi xem một sấp tờ rơi giới thiệu về các trường: Trường Trung cấp Nghề số 21 chiêu sinh đào tạo các ngành nghề, Trường Trung cấp Việt Khoa TP. Hồ Chí Minh, Cao đẳng Công Kỹ Nghệ Đông Á… mà ông đã được phát khi ngồi đợi con thi.
Mong ngóng con... |
Với những thí sinh ở các huyện gần TP. Buôn Ma Thuột, dù không phải "khăn gói quả mướp" lên các địa điểm thi sớm nhưng để bảo đảm thời gian cho các buổi thi, bố mẹ, người nhà các em cũng phải tất bật đưa các em đi từ 4-5 giờ sáng. Nhà ở xã Ea Knuêc, huyện Krông Pak, chỉ cách Buôn Ma Thuột khoảng 20 km nhưng bố con em Lê Ngọc Thắng đăng ký dự thi vào ngành Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Tây Nguyên cũng khởi hành ở nhà từ 4 giờ 30 phút sáng. Lên đến địa điểm thi còn khá sớm, dù có phải chờ đợi nhưng hai bố con tự bảo nhau đi sớm, ngồi đợi đến giờ thi cho chủ động. Cả buổi thi, ông cũng chỉ loanh quanh bên ngoài trường thi, chẳng dám đi đâu xa, sợ con ra mà chưa thấy bố thì tội. Cứ lác đác thấy các thí sinh ra ngoài, ông lại đoán già đoán non không biết đề dễ hay khó, con có làm bài được hay không. Trong khi các phụ huynh khác túm tụm lại ngồi tán gẫu với nhau thì anh Y Jú Kdoh, buôn Pơng, xã Cư Dliê Mnông (huyện Cư M’gar) đứng riêng một góc bên chiếc xe máy, chốc chốc lại ngóng vào trường thi. Lần đầu tiên đưa con đi thi đại học nên anh rất lo lắng. Nhà ở cách xa điểm thi hơn 40 cây số, buổi sáng anh Y Jú và cô con gái H’Tương Niê phải dậy sớm, đi từ 5 giờ sáng. Buổi trưa, bố con dự định ăn trưa xong sẽ vào khuôn viên Trường Đại học Tây Nguyên tranh thủ nghỉ ngơi một chút trước khi con bước vào buổi thi buổi chiều. Khuôn mặt sạm đen vì những tháng ngày lao động vất vả, anh bảo, kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn lắm nhưng vợ chồng anh ráng lo cho con ăn học, mong con thi đỗ để sau này có công ăn, việc làm ổn định, không phải vất vả “chân lấm tay bùn” như cha mẹ.
Hết giờ làm bài, nhiều phụ huynh nóng lòng, không thể ngồi yên, hướng về các phòng thi |
Cũng lần đầu tiên đưa con đi thi đại học, chị Nay H’Nga (dân tộc J’rai, huyện Phú Bổn, tỉnh Gia Lai) quyết định đến TP. Buôn Ma Thuột sớm để còn thu xếp chỗ nghỉ, chỗ ăn cho hai mẹ con. Đi từ ngày 30-6, đến điểm thi ở Trường Đại học Tây Nguyên, mẹ con chị tìm được một chỗ trọ với giá 600.000 đồng trong 10 ngày. Dù chỉ cách điểm thi vài trăm mét nhưng buổi sáng ngày thi đầu tiên, chị vẫn đánh thức con gái Nay H’Yiun dậy thật sớm, chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, ăn sáng và đến điểm thi. Khi con gái đang làm bài trong phòng thi, chị đã đến đăng ký bữa cơm miễn phí tại bàn tư vấn của sinh viên tình nguyện vì “đỡ được chút nào hay chút đó, mẹ con phải tiết kiệm vì phải ở đây đến 10 ngày”. Mặc dù con chưa thi xong đợt 1, chị Nay H’Nga cũng đang lo lắng bởi đợt 2, con phải thi tại điểm thi khá xa mà mẹ con chị cũng chưa biết có nên thuê chỗ trọ gần đó hay không, nếu ở trọ chỗ cũ thì đi lại cũng không thuận tiện.
Trong suốt buổi thi môn Toán vào sáng ngày 4-7, chúng tôi thấy một người phụ nữ nhỏ bé, dáng đi khó nhọc cứ nhấp nhổm ngóng con. Khuôn mặt già nua, hằn lên nỗi nhọc nhằn của bà khiến nhiều người chú ý. Hỏi ra mới biết, cô Dung (Cư Jut, Dak Nông) lập gia đình muộn mằn, có mỗi một cậu con trai sinh năm 1994 năm nay mới thi đại học. Cậu con trai được bạn chở bằng xe máy đi từ sáng sớm, cô ở nhà thấp thỏm, lo lắng không yên nên cũng bắt xe buýt đi lên xem con thi cử ra sao. Cô bảo, con trai năm nào cũng được học sinh tiên tiến nhưng không biết kết quả thi sẽ thế nào, chỉ mong nó học hành đỗ đạt, làm chỗ dựa cho hai vợ chồng già.
Nghe câu chuyện của các bậc phụ huynh, kể cũng chẳng ngoa khi nói rằng: Đâu chỉ có các sĩ tử đi thi mà cả nhà… cùng đi thi!
Nhóm PV
Ý kiến bạn đọc