Multimedia Đọc Báo in

Điểm “nóng” về tình trạng sinh con thứ 3 trở lên ở huyện Krông Năng

21:36, 13/07/2013

Nằm cách trung tâm xã Ea Đah khoảng 7 km, được bao bọc xung quanh bởi  núi rừng hiểm trở, thôn Giang Đông, xã Ea Đah đang trở thành điểm “nóng” về tình trạng sinh con thứ 3 trở lên ở huyện Krông Năng bởi quan niệm sinh đẻ còn lạc hậu và những khó khăn trong công tác dân số…

Từ quan niệm cổ hủ...

“Sinh nhiều con là nhiều của” - đó là quan niệm cổ hủ, lạc hậu đã ăn sâu vào tiềm thức và suy nghĩ của phần lớn người dân ở thôn Giang Đông. Vì thế ở đây mỗi gia đình có 5 – 6 đứa con là chuyện hết sức bình thường, thậm chí có những gia đình có 8, 9 đứa con…

Trẻ em ở thôn Giang Đông lem luốc và đáng thương.
Trẻ em ở thôn Giang Đông lem luốc và đáng thương.

Gia đình anh Vừ Nỏ Lử và chị Hờ Thị Dua có 11 nhân khẩu, sống trong căn nhà tranh vách nứa, nền đất với diện tích khoảng 25m2. Anh Lử và chị Dua sinh được 7 đứa con (3 trai, 4 gái) và nuôi thêm 2 trẻ mồ côi. Đứa con đầu năm nay 17 tuổi (mới học hết lớp 8 rồi bỏ học), còn đứa con út mới 1 tuổi. Mọi chi tiêu sinh hoạt của cả gia đình đều trông chờ vào 8 sào đất trồng lúa và trồng mì. Do sinh con đông và sinh dày nên chị Dua hay ốm đau; lao động chính trong nhà là người chồng và đứa con đầu. Ngoài những ngày mùa, thời gian còn lại anh Vừ Nỏ Lử thường xuyên vào rừng tìm kiếm những thứ có thể bán được để lấy tiền mua gạo. Khi được hỏi về chồng mình, chị Dua cho biết: “Đã đi rừng 5 ngày rồi, nhưng chắc chưa kiếm được gì nên chồng mình chưa về. Gạo trong thùng sắp sửa hết, mỗi bữa nấu cơm mình phải bớt lại một ít để nấu bữa sau cho các con. Con mình vì thiếu ăn nên gầy gò và ốm yếu…”.

Còn gia đình anh Vàng Chông Tu và chị Thào Thị Vang cũng thuộc gia đình “giàu con” vào hạng nhất, nhì ở thôn Giang Đông. Đến nay, anh chị đã có với nhau 8 đứa con. 2 đứa con đầu không được đi học, đã lập gia đình và sinh con; còn đứa con út chưa đầy 2 tuổi. Mặc dù được cộng tác viên dân số tư vấn, tuyên truyền các biện pháp tránh thai hiện đại nhưng anh Tu và chị Vang vẫn chưa áp dụng, do đó việc họ sẽ sinh thêm con rất dễ xảy ra. Sinh đông và sinh dày nên gia đình anh Tu, chị Vang vẫn chưa thoát được cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo và lạc hậu. Chị Vang cho biết: Nhiều bữa hết gạo cả nhà chị phải ăn bắp thay cơm. Những đứa trẻ trong gia đình không được ăn no, mặc đủ nên hay đau ốm; còn chuyện học hành trở thành một thách thức lớn đối với bố mẹ chúng. Hiện tại, trong 6 đứa con thì có 1 đứa học lớp 4; 1 đứa học lớp 2; còn 4 đứa chưa được đi học...

Theo số liệu tổng hợp của Ban Dân số xã Ea Đah, thôn Giang Đông có 142 hộ với 974 nhân khẩu; 100% người dân là đồng bào dân tộc Mông di cư từ phía Bắc vào. Thôn có 155 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có chồng, nhưng có hơn 80% chị sinh con thứ 3 trở lên (trong đó có 72 chị có từ 5 con trở lên). Theo quan niệm của người dân ở đây thì “sinh nhiều con là nhiều của”, nhưng thực tế những gia đình có đông con thì chưa thấy của cải đâu cả mà chỉ thấy những ngôi nhà tạm bợ, trẻ em đông đúc, còi cọc và kém phát triển.

Thu nhập chính của  gia đình anh  Vàng Chông Tu  là cây  mì  được trồng trên đất đồi kém màu mỡ.
Thu nhập chính của gia đình anh Vàng Chông Tu là cây mì được trồng trên đất đồi kém màu mỡ.

Không chỉ sinh đông con, nạn tảo hôn cũng xảy ra ở thôn Giang Đông từ nhiều năm nay. Anh Vàng A Dành và chị Thào Thị Mao cưới nhau từ năm 1998. Khi đó anh Dành mới 16 tuổi, còn chị Mao 15 tuổi. Năm nay tuy mới 31 tuổi nhưng anh Dành đã là bố của 5 đứa con, trong đó, đứa con đầu 9 tuổi còn đứa con út mới được 2 tuổi. Nơi ở của gia đình anh chị là căn nhà chật hẹp, không có gì đáng giá ngoài bộ xoong nồi và vài cái can đựng nước uống. Thu nhập chính của gia đình anh Dành là từ sản lượng mì và đậu được trồng trên 1 ha đất đồi khô cằn. Thời gian này, 3 đứa con đầu của anh chị được nghỉ hè, nên đứa thì đi chăn bò trong rừng từ sáng đến tối, đứa thì ở nhà trông em phụ giúp bố mẹ. Những đứa trẻ trong gia đình anh chị lớn dần lên trong sự thiếu thốn về cái ăn, cái mặc nên đứa nào cũng còi cọc. Đã vậy, đầu năm 2013, chị Mao lại bị bệnh đau lá lách, phải đi TP. Hồ Chí Minh để chữa trị; gia đình vì thế càng túng quẫn. 

Ông Hà Mạnh Tưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Đah cho biết: Khó khăn ở thôn Giang Đông là hiện nay trong thôn chưa có điện, chưa có nước sinh hoạt. Nhưng vấn đề “nóng” nhất của thôn vẫn là tình trạng gia tăng dân số đến chóng mặt. Bên cạnh đó, ruộng, rẫy hạn chế, đất đai cằn cỗi, tập tục canh tác lạc hậu… nên 100% hộ dân trong thôn vẫn thuộc diện hộ nghèo. Toàn thôn chưa có nhà nào được xây kiên cố; số học sinh học hết lớp 9 chỉ đếm trên đầu ngón tay, trẻ em dưới 5 tuổi hầu hết bị suy dinh dưỡng…

...đến tuyên truyền dân số “nói trước, quên sau”

Trong những năm gần đây, công tác truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình được cấp ủy Đảng, chính quyền xã Ea Đah quan tâm chỉ đạo và Ban tự quản thôn cùng các đoàn thể tích cực lồng ghép tuyên truyền; tuy nhiên hiệu quả còn thấp. Tình trạng sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn diễn ra thường xuyên: trong năm 2012 có 5 trường hợp, còn 6 tháng đầu năm 2013 đã có 7 trường hợp. 

Nguyên nhân chính là do trình độ dân trí thấp. Ngoài cộng tác viên dân số thì chỉ có vài phụ nữ ở thôn Giang Đông biết tiếng phổ thông. Mặc dù được cán bộ dân số hướng dẫn cách sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại nhưng các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ lại hay quên ngày uống thuốc, tiêm thuốc tránh thai, hoặc sử dụng bao cao su không đúng cách…

Chị Sùng Thị Ca, cộng tác viên dân số thôn Giang Đông cho biết: Phụ nữ ở đây sống quá phụ thuộc, mọi việc to, nhỏ trong gia đình đều do người đàn ông quyết định, trong đó có cả việc sinh đẻ. Có trường hợp chị Ca đưa người vợ đi đặt vòng tránh thai, khi về nhà người chồng biết được lại bắt chị Ca phải đi tháo vòng.

Thiết nghĩ, để giảm thiểu được tình trạng sinh con thứ 3 trở lên, nâng cao ý thức cho người dân thôn Giang Đông về kế hoạch hóa gia đình, một mặt cấp ủy Đảng, chính quyền xã Ea Đah cần tăng cường thực hiện các giải pháp đầu tư nâng cao chất lượng cuộc sống: hỗ trợ vốn, tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ cho hộ nghèo. Mặt khác, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các đoàn thể trong công tác truyền thông chuyển đổi hành vi về kế hoạch hóa gia đình. Trong đó, cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số cần thường xuyên bám sát địa bàn, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các cặp vợ chồng để cung cấp và hướng dẫn cụ thể, chi tiết cách sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, nhằm giúp họ thực hiện kế hoạch hóa gia đình, nâng cao trách nhiệm trong việc sinh con và chăm sóc con cái.

Võ Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.