Điểm sáng trong công tác đền ơn đáp nghĩa của huyện Ea Súp
Là một xã thuần nông của huyện Ea Súp, hầu hết người dân quê ở Quảng Nam vào xây dựng quê hương mới từ năm 1980; ngoài việc dẫn đầu về sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nâng cao đời sống nhân dân, Ea Lê còn là địa phương làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa.
Nhà tình nghĩa của bà Trần Thị Tươi do Công ty Bia Sài Gòn và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trao tặng đầu năm 2013. |
Ông Đặng Phú Bình, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã Ea Lê có 57 gia đình chính sách hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên của Nhà nước. Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể rất quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa, nhờ vậy trong tổng số hộ gia đình chính sách chỉ còn 2 hộ nghèo, không còn hộ đói, hầu hết các gia đình đã có nhà ở kiên cố và bán kiên cố, chỉ còn 5 hộ gia đình còn khó khăn về nhà ở. Bằng các nguồn huy động, tài trợ, đóng góp của các tổ chức trong và ngoài tỉnh, đã có trên 20 hộ được đầu tư xây dựng nhà tình nghĩa từ 40-50 triệu đồng (riêng năm 2012 xây mới 2 nhà). Ngoài ra mỗi năm địa phương còn đóng góp hàng chục triệu đồng và hàng nghìn ngày công để giúp đỡ các gia đình trong những lúc khó khăn.
Cũng chính nhờ vậy nên bà con các gia đình chính sách rất tự giác trong mọi hoạt động của xã, không bao giờ ỷ lại. Đã xuất hiện nhiều hộ gia đình sản xuất kinh doanh khá và giỏi, vừa bảo đảm ổn định cuộc sống, vừa đóng góp 1 phần cho xã hội. Điển hình như các gia đình: ông Phạm Văn Định (thôn 4), ông Phan Thành Đô (thôn 5), ông Phạm Văn Chiến (thôn 14)… có thu nhập bình quân hằng năm từ 50 triệu đồng trở lên. Nhiều gia đình chính sách còn hiến đất làm đường trị giá hàng chục triệu đồng trong chương trình xây dựng nông thôn mới; trong đó bà Phạm Thị Mít (thôn 5) đã được Đảng bộ huyện tôn vinh trong Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào cuối năm 2012.
Phan Ba
Ý kiến bạn đọc