Gặp người hai lần ra Trường Sa giữ đảo
Ông Đinh Tiến Dũng, Phó Giám đốc điều hành Công ty TNHH Mai Linh Dak Lak (Tập đoàn Mai Linh) có cuộc đời binh nghiệp không dài, nhưng với ông những ngày trong quân ngũ luôn là niềm tự hào, là ký ức không bao giờ phai khi được hai lần ra Trường Sa giữ đảo.
Ông Đinh Tiến Dũng (phải) chụp ảnh cùng thiếu tướng Mai Năng - nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 126. |
Vào quân ngũ từ năm 20 tuổi, người con xứ biển xã Quảng Châu, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa vinh dự được điều động phiên chế vào Lữ đoàn hải quân đánh bộ 126 (gọi tắt là Lữ đoàn 126) - tiền thân là Đoàn đặc công hải quân 126. Đây là một lực lượng đặc biệt, thực hiện các nhiệm vụ khó khăn, bất ngờ. Được rèn luyện kỹ càng, trang bị hiện đại để trở thành lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của Hải quân Nhân dân Việt Nam, tương tự như binh chủng Đặc công của Lục quân. Cuối năm 1974, Lữ đoàn 126 được điều động chuẩn bị tham gia Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng các quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam. Đây chính là một trong những lực lượng chủ lực tham gia giải phóng Quần đảo Trường Sa khỏi sự chiếm đóng của quân đội Sài Gòn. Sau đó, do đặc thù chiến thuật tác chiến, ông Dũng thuộc đại đội 3 pháo binh được lệnh lại quân cảng Cam Ranh. Năm 1977 ông cùng lực lượng còn lại của Lữ đoàn 126 nhận lệnh hành quân ra Quần đảo Trường Sa với nhiệm vụ chính bảo vệ và chống tái chiếm đảo. Đây là nhiệm vụ lớn đầu tiên của người lính trẻ Đinh Tiến Dũng trong cuộc đời binh nghiệp. Ông kể, mặc dù trong quá trình huấn luyện, ông và đồng đội đã được học “thử sóng” bằng những bài tập thể lực đu quay, tập cách đi trên cầu sóng trong trạng thái liên tục chao đảo. Hơn nữa trong đơn vị hầu hết chiến sĩ là dân vùng biển, nhưng trước sóng to, gió lớn của biển Đông bao la, nhiều chiến sĩ trong đơn vị đã bị say sóng. Thế nhưng sau ba ngày lênh đênh trên biển, khi đơn vị đặt chân lên đảo Trường Sa Lớn thì tất cả như bừng tỉnh. Cũng như bao chiến sĩ khác, trước nhiệm vụ quan trọng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc, ai cũng háo hức bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ. Mọi chiến sĩ đều tâm niệm “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không để mất đảo”. Thời điểm ấy, việc đụng độ trực tiếp giữa bộ đội Việt Nam với các thế lực thù địch không quá căng thẳng, nhưng quan trọng nhất là việc đề cao cảnh giác kẻ thù tái chiếm đảo. Ông Dũng cho biết, đảo Trường Sa Lớn nằm gần trục đường biển quốc tế, nhiều tàu thuyền qua lại nên kẻ địch thường xuyên dùng chiến thuật neo đậu tàu trong vùng hải phận quốc tế hoặc chủ động thả trôi tàu trong khu vực này để thực hiện ý đồ của mình. Do đó tất cả cán bộ chiến sĩ trên đảo luôn đề cao cảnh giác, ống nhòm luôn dõi theo mọi diễn biến xảy ra trên biển để kịp thời ứng phó. “Có khi cả tuần ăn lương khô, trực chiến 24/24 trên mâm pháo là chuyện bình thường”, ông nói.
Trong ký ức của ông Dũng về những ngày trên đảo Trường Sa Lớn là những tháng ngày hào hùng không thể nào quên. Lúc ấy, đất nước vừa được giải phóng, kinh tế còn nhiều khó khăn, nên cuộc sống của những chiến sĩ giữ đảo cực kỳ vất vả. Mặc dù được ưu tiên hơn nhiều lực lượng khác về chế độ dinh dưỡng như đường, sữa, thuốc vitamin… nhưng giữa đảo khơi nghìn trùng, cái thiếu nhất là rau xanh nên hầu như ai cũng bị hiện tượng phù nề do thiếu vitamin. Thế nhưng từ cán bộ đến chiến sĩ ai ai cũng vững tâm hoàn thành nhiệm vụ. Vừa trực chiến vừa tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn, anh em trên đảo xem nhau như ruột thịt, chia nhau từ cọng rau đến lát cá. Ông kể, ngày ấy công nghệ thông tin không được bây giờ, nên việc tiếp nhận thông tin từ đất liền hầu như chỉ thông qua những lá thư của gia đình. Bởi vậy mỗi cánh thư từ đất liền ra đều được anh em chia sẻ như của chung, chuyền tay nhau cùng xem như những báu vật…
Sau hơn 2 tháng đóng quân trên đảo Trường Sa Lớn, ông cùng hai tiểu đội của Lữ đoàn 126 được lệnh chiếm giữ đảo Trường Sa Đông. Đảo Trường Sa Đông là một bãi cát nằm theo trục đông - tây trên rạn san hô lớn hơn, có chiều dài khoảng 200 m, chiều rộng khoảng 60 m ở nửa phía đông và khoảng 5–15 m ở nửa phía tây. Diện tích của đảo khoảng 3 ha. Ở phần phía tây của rạn san hô còn có một dải cát nhỏ. Mặc dù đảo Trường Sa Đông đã được cắm mốc chủ quyền của Việt Nam, nhưng nhiều lần kẻ thù xâm lược đã xóa mốc chủ quyền này. Do đó đơn vị ông được điều động sang chiếm giữ, bảo vệ cột mốc và dưới một góc độ nào đó, những chiến sĩ trên đảo này được xem như những “cột mốc sống”. Ngày ấy đảo Trường Sa Đông chưa có hệ thống công sự, doanh trại nên các chiến sĩ phải dựng nhà bạt để bám trụ, giữ đảo. Hai chiếc lều bạt nhỏ nhoi đã cùng các chiến sĩ kiên trung như ông Dũng gồng mình chống đỡ những trận cuồng phong của biển cả suốt cả hàng tháng trời như vậy. Cuối năm 1978, ông được nghỉ phép về đất liền. Cuối năm 1979, ông đã lại một lần nữa cùng đơn vị lên tàu ra bảo vệ đảo Trường Sa Lớn. Lần này ông cũng bám trụ, làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước hơn 1 năm.
Năm 1982, sau khi hoàn thành nhiệm vụ được giao, vì hoàn cảnh gia đình, ông Đinh Tiến Dũng xin ra quân. Đến năm 1983 ông đưa gia đình lên Dak Lak lập nghiệp. Ông tâm sự, cuộc sống dù có xoay vần thì trong sâu thẳm tâm hồn những người như ông không bao giờ quên được nắng gió và sóng biển Trường Sa. Đó luôn là quãng thời gian đáng tự hào nhất của ông cũng như của những người lính đã từng tham gia canh giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu…
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc