Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: Đồng hành cùng công tác truyền thông dân số - KHHGĐ
Trong những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã triển khai nhiều phong trào thi đua yêu nước và các hoạt động có hiệu quả; trong đó công tác dân số - KHHGĐ được các cấp hội phụ nữ vận dụng một cách sáng tạo.
Chi hội Phụ nữ thôn Tam Thịnh (xã Ea Tam, huyện Krông Năng) lồng ghép tuyên truyền công tác dân số - KHHGĐ trong các buổi sinh hoạt định kỳ. Ảnh: Nguyễn Xuân |
Các cấp hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về dân số - KHHGĐ dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chi hội, tổ phụ nữ tại cơ sở; lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ đến vùng có mức sinh con thứ ba cao, vùng khó khăn; xây dựng các mô hình câu lạc bộ điểm; tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền trên các địa bàn trọng điểm… Hằng năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh xây dựng kế hoạch hành động cụ thể triển khai tới các cấp hội cơ sở; chỉ đạo các huyện, thị xã, thành hội căn cứ tình hình thực tế địa phương, phối hợp với các ngành liên quan cùng cấp thực hiện có hiệu quả chương trình dân số - KHHGĐ. Tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho hội viên, phụ nữ và cộng đồng về lợi ích của KHHGĐ đối với phụ nữ, trẻ em, chú trọng sự tham gia của nam giới, kêu gọi các gia đình cam kết thực hiện KHHGĐ. Tuyên truyền các thông tin cập nhật về dân số - KHHGĐ, các nội dung về lồng ghép giới trong thực hiện công tác dân số - KHHGĐ; bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trong gia đình, giáo dục con cái; tham gia vận động cộng đồng, gia đình và phụ nữ thực hiện KHHGĐ và giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Các đợt chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ đến vùng có mức sinh con thứ ba cao, vùng khó khăn được tổ chức thường xuyên. 15/15 huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức 124 lượt mít tinh cổ động với 30.000 lượt người tham dự; tổ chức 1.160 lượt nói chuyện về chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ cho 78.500 người; xây dựng 575 panô, khẩu hiệu, phát tờ rơi, tờ bướm với nội dung cụ thể về chăm sóc sức khỏe sinh sản – KHHGĐ. Các cấp hội chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể các cấp thường xuyên duy trì các hoạt động truyền thông, tổ chức tuyên truyền lưu động 721 lượt, cấp phát 135.240 khẩu hiệu, tạp chí, tờ rơi, sách có nội dung thông tin về chăm sóc sức khỏe sinh sản – KHHGĐ; trong đó tập trung vào các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chưa áp dụng các biện pháp tránh thai để họ nhận thức, tự nguyện, tự giác áp dụng các biện pháp tránh thai và thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ngoài ra các cấp hội đã phối hợp với các ban, ngành liên quan cùng cấp tổ chức 20 lớp tập huấn về công tác dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản và KHHGĐ cho trên 500 lượt báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ nòng cốt, cốt cán tại cơ sở. Phối hợp với Trung tâm y tế, Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tổ chức tuyên truyền kiến thức làm mẹ, chăm sóc sức khỏe cộng đồng cho 244.803 lượt người; trong đó có 5.029 lượt chị khám thai, khám sức khỏe, khám phụ khoa, qua khám phát hiện 2.657 lượt chị mắc bệnh đã kịp thời cấp phát thuốc điều trị; vận động 15.345 lượt chị trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai an toàn.
Các cấp hội cũng đặc biệt quan tâm, chú trọng đến việc xây dựng các mô hình, CLB với hình thức sinh hoạt đa dạng, phong phú, thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ và cộng đồng tham gia sinh hoạt. Từ năm 2008, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã xây dựng 3 CLB điểm về phòng chống suy dinh dưỡng tại buôn Alê A và buôn M’Tuk (TP. Buôn Ma Thuột); 1 CLB phụ nữ không sinh con thứ 3 tại buôn Riêng B, xã Ea Knuêc (huyện Krông Pak). Năm 2011, xây dựng 4 CLB điểm “Mẹ kết nối với con gái” tại xã Ea Hiu và thị trấn Phước An (huyện Krông Pak). Từ các mô hình, CLB điểm của tỉnh Hội, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh rút kinh nghiệm và tiếp tục chỉ đạo các cấp hội xây dựng CLB và mô hình nhóm ở cơ sở. Kết quả các cơ sở hội đã xây dựng được 498 mô hình CLB phụ nữ không sinh con thứ 3, thu hút 89.358 thành viên tham gia; 90 mô hình CLB “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, thu hút 1.770 thành viên tham gia; xây dựng 107 mô hình nhóm “Phòng chống suy dinh dưỡng”, thu hút 1.463 thành viên tham gia… Đến nay các mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực, thu hút sự quan tâm hưởng ứng của đông đảo chị em cán bộ, hội viên phụ nữ và cộng đồng xã hội…
Phạm Thị Len
Ý kiến bạn đọc