Huyện Cư M’gar: Các lớp dạy nghề chưa thu hút được lao động nông thôn tham gia
Theo báo cáo tổng hợp của HĐND huyện Cư M’gar, từ năm 2010 đến nay, Trung tâm Dạy nghề huyện và các cơ sở dạy nghề đã tổ chức tuyển sinh và khai giảng được 26 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, gồm các ngành nghề như: sửa chữa xe gắn máy; tin học ứng dụng; sửa chữa máy nông nghiệp; dệt thổ cẩm và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà phê, cây hồ tiêu… Số lao động được đào tạo nghề có 826 người (kể cả số lao động đang được đào tạo năm 2013), so với kế hoạch tỉnh giao chỉ đạt 41,71% và so với kế hoạch huyện giao đạt 36,97%. Bên cạnh đó, do số lượng học viên tham gia quá ít so với thực tế ban đầu đăng ký nên có lớp đã phải tạm hoãn lại để đợi tuyển sinh thêm…
Lớp dạy nghề sửa chữa xe gắn máy tại Trung tâm Dạy nghề huyện Cư M'gar. |
Việc các lớp dạy nghề chưa thu hút được các học viên tham gia phần lớn là do điều kiện ở các lớp học, nhất là các thiết bị cho công tác dạy nghề quá cũ, lạc hậu không đáp ứng được nhu cầu dạy và học; việc đào tạo nghề chưa gắn với nhu cầu thực tiễn tại địa phương. Bên cạnh đó là sự vào cuộc của chính quyền địa phương, đặc biệt là UBND các xã, thị trấn chưa quan tâm đến công tác này, phần lớn là giao khoán cho Trung tâm Dạy nghề; đặc biệt còn có tình trạng đăng ký học nghề ảo và có hiện tượng một số địa phương đã lập danh sách người học nghề nhưng bản thân họ lại không có nhu cầu; có những xã tổng hợp số liệu người học nhiều nhưng không có danh sách cụ thể, khi tổ chức khai giảng các lớp học số học viên đến tham gia không nhiều, thường chỉ chiếm từ 40 - 60%. Ngoài ra, các chính cách hỗ trợ học viên thuộc nhóm đối tượng I còn thấp (15.000 đồng/người/ngày thực học) nên có nhiều học viên là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo ở nội trú đã phải nghỉ học do điều kiện khó khăn…
Hiện trên địa bàn huyện Cư M’gar có hơn 3.200 lao động nông thôn có nhu cầu đào tạo nghề, do vậy việc thu hút các lao động này tham gia vào các lớp đào tạo nghề là rất cần thiết, nhằm giúp họ lựa chọn được những ngành nghề phù hợp với bản thân, cũng như nhu cầu thực tế tại địa phương và tìm kiếm cơ hội việc làm…
Thiết nghĩ, để khắc phục tình trạng học viên “vắng bóng” tại các lớp dạy nghề, huyện Cư M’gar cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phổ biến, tuyên truyền và khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động; điều chỉnh chế độ học cho học viên; đồng thời tạo điều kiện cho các học viên sau học nghề được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất, kinh doanh, có như vậy mới nâng cao được hiệu quả trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong thời gian tới.
Trung Dũng
Ý kiến bạn đọc