Multimedia Đọc Báo in

Những căn nhà sâu nặng nghĩa tình

11:02, 27/07/2013

Chăm lo cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách có công không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của các cấp, ngành và người dân  huyện Krông Pak. Những lời thăm hỏi, món quà động viên tinh thần và những căn nhà thắm đượm nghĩa tình được trao tặng đã làm ấm lòng các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, có công với cách mạng.

Cán bộ ngành Lao động - Thương binh và xã hội chia sẻ niềm vui với bà Trần Thị Thanh trong căn nhà tình nghĩa.
Cán bộ ngành Lao động - Thương binh và xã hội chia sẻ niềm vui với bà Trần Thị Thanh trong căn nhà tình nghĩa.

Bà Trần Thị Thanh (80 tuổi), vợ liệt sĩ Lương Văn Thành, ở thôn Phước Tân 1 (xã Ea Kuăng) không sao cầm nổi nước mắt khi được bàn giao căn nhà tình nghĩa khang trang, ấm áp vào những ngày của tháng 7 tri ân. 43 năm qua kể từ ngày chồng hy sinh, mình bà gồng gánh nuôi 5 con ăn học nên người và dần tạo lập cuộc sống riêng. Bà sống với gia đình con trai út trong căn nhà gỗ cũ, chật chội. Khi được quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” huyện hỗ trợ 20 triệu đồng để xây dựng nhà tình nghĩa, bà vừa mừng vừa lo vì không biết lấy thêm tiền ở đâu để xây nhà. Nhận được tin, con cháu, anh em dòng họ mỗi người giúp một tay, hỗ trợ thêm vốn, ngày công cùng hoàn thành căn nhà cấp 4, rộng 75m2, tường xây, nền lát gạch hoa với tổng kinh phí 160 triệu đồng. Trò chuyện trong căn nhà còn thơm mùi sơn mới, bà Thanh xúc động: “Đây là niềm vui không gì diễn tả được vì căn nhà đã thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, chính quyền, người dân địa phương đối với các hộ chính sách có công”.

Vợ chồng thương binh Huỳnh  Xuân Khu trước  căn nhà  tình nghĩa được hỗ trợ xây dựng  năm 2013.
Vợ chồng thương binh Huỳnh Xuân Khu trước căn nhà tình nghĩa được hỗ trợ xây dựng năm 2013.

Trong căn nhà mới khang trang, thương binh 4/4 Huỳnh Xuân Khu ở thôn Thăng Lập 1 (xã Ea Kuăng) không giấu được niềm vui. Trước đây, vợ chồng ông vất vả quanh năm cũng chỉ mong lo đủ bữa ăn hằng ngày, bởi cuộc sống của 8 người trong gia đình trông chờ cả vào 5 sào cà phê và tiền trợ cấp thương tật của ông, lại phải chăm lo cho người con trai bị ảnh hưởng chất độc da cam. Căn nhà gỗ cũ chỉ rộng 40 m2 là nơi che mưa, nắng hơn 30 năm qua đã dột nát, xuống cấp nhưng do điều kiện kinh tế eo hẹp nên chưa dám nghĩ tới việc sửa chữa, nâng cấp. Khi biết gia đình ông được quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” huyện hỗ trợ 20 triệu đồng xây tặng nhà tình nghĩa, anh em, bà con hàng xóm ai cũng vui mừng, cho mượn thêm tiền, giúp ngày công xây dựng căn nhà rộng 100 m2, biến ước mơ có căn nhà khang trang thành hiện thực. “Tuy kinh phí hỗ trợ không nhiều nhưng lại là “chất xúc tác” để mọi người xích lại gần nhau, cùng chăm lo, giúp đỡ gia đình tôi vươn lên ổn định cuộc sống”, ông Khu chia sẻ.

Đây là 2 trong số nhiều ngôi nhà tình nghĩa mà huyện Krông Pak chăm lo cho các gia đình chính sách tại địa phương. Khó có thể diễn tả niềm vui và sự xúc động của những người vợ, người mẹ, người thân của những gia đình có công với cách mạng, khi họ được sống trong những ngôi nhà ấm áp, chan chứa nghĩa tình. Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, huyện luôn quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa, trong đó rõ nét nhất là chương trình xóa nhà tạm cho các gia đình chính sách được triển khai, thực hiện có hiệu quả từ nguồn vốn của quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” do cán bộ, công nhân, viên chức, lực lượng vũ trang và người dân trên địa bàn đóng góp, xây dựng. Trong 5 năm (2007 đến nay), từ nguồn quỹ trên, huyện đã hỗ trợ xây mới 31 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 104 nhà với tổng kinh phí gần 2,9 tỷ đồng. Đồng thời, trao tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; thăm hỏi, tặng quà, tổ chức đi điều dưỡng, khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, cung cấp dụng cụ chỉnh hình, xe lăn  cho hàng nghìn lượt đối tượng chính sách… Ông Huỳnh Văn Cúc, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và xã hội huyện cho biết, toàn huyện hiện có trên 2.000 đối tượng chính sách có công. Để thực hiện mục tiêu nâng cao mức sống của gia đình chính sách bảo đảm bằng và cao hơn mức trung bình của người dân nơi cư trú thì trước tiên phải giúp họ “an cư”. Vì vậy, địa phương đặc biệt quan tâm đến công tác hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa. Hằng năm, UBND huyện đều giao chỉ tiêu huy động quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cụ thể cho 16 xã, thị trấn; chỉ đạo cơ sở nắm bắt, xác định đầy đủ, chính xác những đối tượng cần hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở. Trong quá trình xây dựng, địa phương cử cán bộ thường xuyên kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm chất lượng và tiến độ công trình; đồng thời huy động các hội, đoàn thể hỗ trợ thêm ngày công, vật liệu giúp gia đình hoàn thiện căn nhà. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn huyện số hộ chính sách có công cần được hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở vẫn còn nhiều (khoảng 200 hộ). Do vậy, ngoài kinh phí phân bổ của tỉnh và nguồn hỗ trợ của các đơn vị, doanh nghiệp, huyện đang nỗ lực kêu gọi, vận động toàn dân cùng chung sức chăm lo cho các gia đình chính sách.

Những ngôi nhà sâu nặng nghĩa tình đang mọc lên ngày càng nhiều trên địa bàn huyện Krông Pak, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ, bù đắp phần nào những mất mát, hy sinh và giúp các gia đình chính sách an tâm, cùng phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.