Tín nhiệm và không tín nhiệm
Kết quả tín nhiệm được công khai cho thấy ý chí, thái độ của đa số, sẽ có tác động mạnh mẽ đến suy nghĩ và hành động của các cá nhân được lấy phiếu tín nhiệm; có chức năng định hướng cho mọi người cái cần phải làm. Dưới áp lực của ý kiến chung, cá nhân luôn phải xem xét, suy nghĩ, đánh giá hoàn cảnh trước khi thực hiện một hành động nào đó. Nói cách khác, trong trường hợp này, ý kiến chung là "tấm gương" để mỗi cá nhân tự soi mình vào đó mà định hướng, điều chỉnh hành vi ứng xử của bản thân. Đây cũng là điều mà người dân chờ đợi và quan tâm. Nhưng cũng nên lưu ý tính tương đối trong khả năng phản ánh thực tế của ý kiến chung: có thể đúng, có thể sai. Bởi vì, về mặt lý thuyết, dù đúng đến mấy thì ý kiến chung vẫn có những hạn chế; dù sai đến mấy, thì trong ý kiến chung vẫn có những điều hợp lý, quan trọng. Mặt khác, theo Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thì: “rủi ro của quan chức không vừa lòng đại biểu (...) cũng rất lớn”.
Việc lấy phiếu tín nhiệm mặc dù vẫn còn những ý kiến khác nhau nhưng dù sao thì cũng đã cố gắng để đạt được mục đích được xác định trong Nghị quyết số 35 là “nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND; giúp người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động”. Theo như nhà thơ Trần Đăng Khoa, việc lấy phiếu tín nhiệm “đã mở ra một mỹ tục mới”, bằng “việc làm tốt đẹp ấy sẽ đưa đất nước tiến dần đến một xã hội dân chủ và minh bạch”.
Trương Thị Hiền
Ý kiến bạn đọc