Về nơi nước quý hơn vàng
Trong nhiều năm qua, bằng nguồn lực hỗ trợ của Trung ương và huy động tại địa phương, Dak Lak đã rất nỗ lực ổn định đời sống dân di cư tự do, nhưng không thể theo kịp tốc độ di cư chóng mặt của người dân. Quy hoạch liên tục bị phá vỡ khiến cơ sở hạ tầng không thể đáp ứng kịp nhu cầu cuộc sống của người dân.
Sau mỗi buổi làm việc, người dân thôn 13 phải đến các điểm cấp nước để lấy nước về phục vụ sinh hoạt. |
Điều này có thể nhận thấy rõ nét nhất khi đến thôn 13, xã Cư Kbang (huyện Ea Súp), nơi cư ngụ của hơn 300 hộ đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Thái, Cao Lan, Mông, Mường…di cư từ các tỉnh phía bắc vào. Dưới cái nắng gay gắt của mảnh đất vùng biên, hình ảnh đập ngay vào mắt người ta khi đặt chân đến đây là cảnh người dân kĩu kịt đẩy những xe chở nước trên con đường đất đầy bụi. Dưới mỗi hiên nhà đều xuất hiện những chiếc can nhựa lớn (loại 20 lít) cùng những chiếc xe kút kít. Đó là những phương tiện gần như là quan trọng nhất với bà con ở đây. Bởi hiện nay toàn bộ nước sinh hoạt của gần 2 nghìn con người nơi này phụ thuộc vào hai giếng nước tập trung do Nhà nước đầu tư xây dựng. Hộ gia đình xa nhất so với điểm cấp nước tập trung gần cả cây số, nhưng việc lấy nước cơ bản cũng chỉ dùng xe kút kít để đẩy. Sau mỗi buổi lên rẫy về thì việc đầu tiên người dân nơi đây nghĩ đến là đi lấy nước phục vụ sinh hoạt. Không chỉ người lớn, sau mỗi buổi đến lớp lũ trẻ nơi đây cũng phải phụ giúp cha mẹ đi lấy nước về dùng. Anh Nông Văn Quy, một người dân nơi đây cho hay, muốn lấy được nước, bà con phải dùng xe đẩy chở các can nhựa để lấy nước về. "Nước ở đây còn quý hơn vàng", anh Quý chia sẻ, bởi vất vả lắm mới lấy được nước từ điểm tập trung về nhà và số nước ít ỏi này chỉ để dành ăn uống, còn tắm rửa thì phải đến điểm cấp nước tập trung hoặc đợi lúc nào vào rẫy, đi qua các khe suối mới tranh thủ tắm, nhiều khi cả tuần mới được tắm một lần. Theo anh Trần Xuân Giang, cán bộ chính sách xã Cư Kbang, trước khó khăn về nước sinh hoạt của người dân, từ năm 2010 Nhà nước đã đầu tư hai trạm cấp nước tập trung. Nước từ giếng khoan được bơm lên bồn chứa, mỗi bồn chứa khoảng 2 nghìn lít nước. Tiền điện phục vụ máy bơm nước cũng do chính quyền địa phương hỗ trợ. Mặc dù đã có những nỗ lực lớn như vậy nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Bởi thực tế dân số ở thôn 13 luôn tăng theo thời gian. Nơi đây gần như là điểm tập kết của đồng bào phía bắc vào trước khi tỏa ra các nơi, tìm kế sinh nhai. Do đó nước đã thiếu lại càng thiếu hơn. Bên cạnh đó, áp lực về dân số còn khiến địa bàn cư trú của bà con giãn rộng, cách xa điểm cấp nước tập trung nên mới diễn ra tình cảnh lấy nước phục vụ sinh hoạt của người dân càng khó khăn hơn.
Chủ tịch UBND xã Cư Kbang Đàm Văn Hà cho rằng, để đáp ứng được thực tế nhu cầu về nước của người dân thôn 13, cần ít nhất 2 điểm cấp nước tập trung với quy mô như hiện tại. Tuy nhiên anh Giang cũng băn khoăn, nếu tình trạng di cư như hiện nay vẫn tiếp diễn thì việc “chạy theo” nhu cầu của bà con sẽ không có “điểm dừng”…
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc