Báo động tình trạng sử dụng ngôn ngữ giao tiếp thiếu văn hóa
Người xưa có câu “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, hay “Một lời nói vô ý là một xung đột hiểm họa, một lời nói nóng giận có thể làm hỏng cả cuộc đời”…
Trong thực tiễn giao tiếp hằng ngày, chúng ta dễ dàng bắt gặp những trường hợp đánh nhau sứt đầu mẻ trán chỉ vì một lời nói. Ví dụ như khi tham gia giao thông chẳng may va quệt vào nhau, hai bên không xin lỗi và giữ bình tĩnh thì rất dễ xảy ra xô xát. Cách đây một tuần, vào khoảng 7 giờ sáng, tại ngã tư đường Lê Duẩn và Nguyễn Công Trứ (TP. Buôn Ma Thuột) đã xảy ra cãi vã giữa anh Nguyễn Văn Thanh và anh Trần Quốc Huy. Nguyên nhân là do muộn giờ làm nên anh Thanh có chạy xe nhanh, quẹt phải xe của anh Huy khiến xe anh Huy bị tróc một mảng sơn nhỏ sau đuôi chiếc xe mới mua. Anh Thanh đã xin lỗi, nhưng không giữ được bình tĩnh anh Huy đã buông câu chửi thề. Sau đó hai bên tiếng qua tiếng lại may có người đi đường can ngăn. Lại có trường hợp phải ra tòa vì lời nói như vụ án tung tin vỡ nợ vừa được xét xử đầu tháng 7 tại huyện Cư M’gar. Vợ chồng ông Nguyễn Văn Tuy và bà Võ Thị Cúc – chủ đại lý cà phê, phân bón (buôn Rư, xã Chư Suê) đã nộp đơn kiện về việc bà Lê Thị Thêm tung tin đồn đại lý cà phê Tuy Cúc vỡ nợ 17 tỷ đồng khiến việc kinh doanh của đại lý Tuy Cúc gặp khó khăn, khốn đốn. Sự việc bắt nguồn từ một lời nói nhưng đã gây hậu quả lớn. Đến nay, vụ án vẫn chưa giải quyết xong nhưng chắc rằng tình làng nghĩa xóm bao năm nay giữa gia đình ông Tuy và bà Thêm sẽ khó giữ.
Trong các hành vi của con người thì nói là hành vi ý thức xuất phát từ suy nghĩ của con người và diễn ra thường xuyên, hằng ngày. Nghe nhiều thành quen, nói nhiều thành quen; một số người từ vô tình chửi thề đã dẫn đến chửi thề trở thành câu cửa miệng, thành thói quen khó bỏ, ảnh hưởng không nhỏ đến người xung quanh, đặc biệt là trẻ em.
Có lần trên đường đi làm về ghé lại mua một vài đồ dùng ở một quán tạp hóa nhỏ trên đường Nguyễn An Ninh (TP. Buôn Ma Thuột) tôi đã thấy một phụ huynh dừng bên đường nghe điện thoại, nói chuyện to với những câu chửi thề tục tĩu. Đứa bé ngồi sau ngơ ngác không biết gì, chỉ thấy cha mình nóng giận, to tiếng; còn người đi đường, khách mua hàng tạp hóa gần đó thì nhìn với vẻ nhìn ái ngại…
Tình trạng sử dụng ngôn ngữ giao tiếp thiếu văn hóa diễn ra ngày càng phổ biến làm “ô nhiễm” môi trường sống của mọi người; trong đó đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là trẻ em. Chắc chắn nhiều bậc phụ huynh có con nhỏ đã từng giật mình, sững sờ trước những câu nói tục tĩu, chửi thề của trẻ. Chị Nguyễn Thị Hồng (đường Mai Hắc Đế, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: “Con gái tôi năm nay 3 tuổi, trước giờ nó rất ngoan hiền nhưng cách đây một tuần, trong một lần con phạm lỗi tôi đã mắng bé. Bé không những không nhận lỗi mà còn mím môi, trợn mắt chỉ vào mặt tôi: “Mày không được nạt tao. Mày cút đi!”…”.
Đối với trẻ em, ý thức, nhận thức chưa cao, chưa đủ để phân biệt được những điều hay lẽ phải trong cuộc sống, nên thấy cái gì hay hay, quen quen là học theo, đặc biệt là cách nói chuyện. Do vậy, các bậc phụ huynh cần phải sống chuẩn mực, gần gũi với trẻ, nhẹ nhàng khuyên bảo để không làm tổn thương tâm hồn trẻ.
Nhật Minh
Ý kiến bạn đọc