Multimedia Đọc Báo in

Bánh Trung thu có thương hiệu – món quà xa xỉ của trẻ em nông thôn

09:17, 15/09/2013
Mỗi năm, trẻ em Việt Nam có 2 ngày tết trong năm, đó là ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6 và Tết Trung thu; nhưng có lẽ ấn tượng và sâu sắc với các em hơn cả vẫn là ngày Tết Trung thu truyền thống của dân tộc với những hoạt động đặc trưng như: rước đèn, múa lân, phá cỗ đêm rằm bên cạnh gia đình, bạn bè… Trong đêm rằm phá cỗ, ước chừng thị trường cả nước tiêu thụ hàng nghìn tấn bánh có thương hiệu, trị giá hàng tỷ đồng, nhưng chủ yếu tập trung ở khu vực thị trấn và thành phố. Còn với trẻ em nông thôn, bánh Trung thu có thương hiệu vẫn là món quà xa xỉ, quý hiếm.

Năm nào cũng vậy, cứ tới dịp Tết Trung thu, chị Năm ở xã Vụ Bổn (huyện Krông Pak) không quên mua cho 3 đứa con của mình những món quà nhưng chỉ là mấy trái chôm chôm, chiếc kẹo mút hay có khi là gói Ozy. Chị tâm sự: “Ngày hai buổi đầu tắt mặt tối đi làm thuê cùng lắm kiếm được trăm bạc nhưng đủ thứ khoản phải lo. Nào thức ăn, mua sắm đầu năm cho con, rồi chi tiêu cho cuộc sống...  Những chiếc bánh trung thu đối với mấy đứa trẻ nhà chị tôi là thứ xa xỉ, chúng mới chỉ được nghe kể hoặc nhìn thấy trên ti vi…”.

Không riêng gì nhà chị Năm, đối với nhiều hộ dân ở vùng nông thôn cuộc sống còn khó khăn, thế nên các loại bánh Trung thu có thương hiệu như: Kinh Đô, Bibica, Hữu Nghị… cũng vẫn là niềm mơ ước. Những loại bánh này có bán ở vùng thị trấn hay trung tâm các xã, còn ở chợ quê thì chỉ bán mấy loại bánh của các cơ sở tư nhân không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém phẩm chất. Anh Mai Vi Văn, Trưởng thôn Điện Tân, xã Cư Pui (huyện Krông Bông) cho hay: “Trẻ em nông thôn không thể so được với thị trấn hoặc thành phố về quà bánh Tết Trung thu được. Vào ngày Tết Trung thu của các cháu, Ban cán sự xóm cùng với  Chi hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên đều bàn bạc, đề ra chương trình tổ chức, bảo đảm cho các cháu một cái Tết thiếu nhi ý nghĩa, tươi vui. Tất cả các suất quà là nhờ sự đóng góp của các gia đình trong thôn; nhiều hộ có điều kiện cũng góp thêm vào để lo cho các cháu. Tuy nhiên, hầu hết bánh Trung thu hiện bán trên thị trường có giá quá cao so với mức sống của bà con nên chúng tôi cũng chỉ biết “liệu cơm, gắp mắm” mà thôi. Trẻ con nông thôn trăng thì thừa nhưng bánh thì lại thiếu. Cuộc sống chật vật, chạy vạy ngày đủ ba bữa cơm với nhiều gia đình còn khó chứ đừng nói đến những chiếc bánh Trung thu giá hàng mấy cân gạo…”.

Chỉ còn không ít ngày nữa là đến Tết Trung thu, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã có nhiều quầy hàng lưu động bày bán bánh Trung thu dọc các tuyến đường: Y Jút, Nguyễn Chí Thanh, Quang Trung... Một nhân viên bán hàng hãng bánh Kinh Đô trên đường Quang Trung cho biết: “Chúng em chỉ đứng bán và hưởng hoa hồng, còn sản phẩm, quầy kệ do phía nhà phân phối thực hiện. Hộp bánh Trăng vàng kim cương này có giá trên 2.500.000 đồng/hộp...”. Quả thực với giá đó, các nhà sản xuất vẫn nhằm vào đối tượng thượng lưu, có thu nhập khá và còn đang bỏ ngỏ thị trường nông thôn.

Nguyễn Trung


Ý kiến bạn đọc