Multimedia Đọc Báo in

Chăm sóc và điều trị bệnh nhân tâm thần: Cần những cái nhìn đồng cảm, sẻ chia

06:40, 01/09/2013

Công tác chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân tâm thần đã được ngành Y tế tỉnh triển khai từ nhiều năm trước. Cách đây 5 năm Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã được thành lập và đi vào hoạt động. Mạng lưới cán bộ y tế chăm sóc sức khỏe tâm thần được củng cố và hoàn thiện ở tất cả các tuyến. Đến nay, tất cả 15 huyện, thị xã, thành phố đều có cán bộ chuyên khoa định hướng về tâm thần. Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Tâm thần tỉnh, hằng năm phát hiện khoảng trên 400 bệnh nhân mới, toàn tỉnh hiện có 2.533 bệnh nhân tâm thần phân liệt, 2.380 bệnh nhân bị bệnh động kinh và 290 bệnh nhân bị bệnh trầm cảm.

Chăm sóc bệnh nhân tâm thần cần nhận được sự quan tâm, chia sẻ  của  gia đình, cộng đồng và xã hội.
Chăm sóc bệnh nhân tâm thần cần nhận được sự quan tâm, chia sẻ của gia đình, cộng đồng và xã hội.

 Không kể số lượng bệnh nhân tâm thần ngoại trú tại cộng đồng, hiện nay Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã và đang chăm sóc cho nhiều trường hợp bệnh nhân tâm thần nặng. Có người vào viện với trạng thái sức khỏe không bình thường, hay nổi giận vô cớ, trầm cảm, stress, có người thì lơ mơ, chìm đắm trong mộng tưởng… Tất cả đều trong tình trạng không làm chủ được cảm xúc, hành động của bản thân; mọi sinh hoạt, ăn ở, thuốc men, vệ sinh… đều do cán bộ y tế Bệnh viện chăm sóc. Trường hợp của 2 bệnh nhân sinh đôi là Bùi Văn Hiền và Bùi Văn Hòa (12 tuổi, ở huyện Dak Mil, tỉnh Dak Nông) đã nhập viện được 5 tháng, khi vào viện bệnh nhân rất quậy phá, nói nhảm lung tung, ánh mắt vô hồn, hoảng loạn… Gia đình cho biết 2 em này vốn có sức khỏe bình thường, song không biết vì lý do gì mà bây giờ các em lại bị như vậy. Bác sĩ H’Briu Niê, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết: “Nguyên nhân của đa số bệnh nhân bị bệnh tâm thần là do bị sang chấn tâm lý hoặc căng thẳng, áp lực trong công việc, trẻ em chơi game nhiều… dẫn đến rối loạn tâm thần. Hậu quả để lại của bệnh là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến gia đình và xã hội…”.

Nhiều trường hợp mắc bệnh vì đã phải chịu những cú sốc về tình cảm. Có người trước cái chết của người thân trong gia đình, hoặc có những người gặp thất bại trong công việc kinh doanh đã hóa điên và được đưa vào đây để điều trị. Không chịu nổi những áp lực, những cú sốc căng thẳng trong cuộc sống, nhiều người đã mất tinh thần, sa sút về sức khỏe, trí tuệ và phải sống trong một thế giới khác. Ở thế giới đó, họ vẫn tồn tại, song lúc nào cũng nửa mê nửa tỉnh với những ký ức còn sót lại trong cuộc sống trước kia. Thẫn thờ, vô cảm, không kiểm soát được trạng thái của bản thân để rồi khuôn mặt và thân hình dần bơ phờ tiều tụy…

Chứng kiến việc chăm sóc và điều trị cho các bệnh nhân tâm thần mới thấy cảm phục tấm lòng tận tâm vì người bệnh của các bác sĩ, điều dưỡng. Điều trị, chăm sóc cho người bệnh bình thường đã vất vả, khó khăn, song đối với những bệnh nhân tâm thần lại càng khó khăn gấp bội. Tất cả mọi sinh hoạt hằng ngày như: cho ăn uống, tắm rửa, vệ sinh, giấc ngủ… đều do cán bộ y tế chăm sóc, bởi phần lớn bệnh nhân tâm thần điều trị tại Bệnh viện đều không có người thân, thậm chí có thể do thời gian điều trị quá lâu, do thấy sức khỏe của người bệnh chậm tiến triển mà nhiều gia đình đã phó thác bệnh nhân cho y bác sĩ ở Bệnh viện. Với những bệnh nhân tâm thần, ngoài các vấn đề về chuyên môn thì yếu tố tâm lý chiếm tới trên 50% trong việc chữa trị cho người bệnh, do đó nhiều khi các bác sĩ phải hóa thân thành người đồng cảnh ngộ để tâm sự, tư vấn cho người bệnh. Đôi khi, có những bệnh nhân lên cơn kích động, các y bác sĩ phải sử dụng liệu pháp tâm lý là thuyết phục, dỗ dành, động viên; nếu không được thì mới sử dụng biện pháp kìm chế người bệnh, sau đó cho bệnh nhân uống thuốc…

Ngoài việc điều trị chuyên môn của các y bác sĩ thì sự quan tâm, đồng cảm, sẻ chia của gia đình và cộng đồng cũng là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng để giúp cho bệnh nhân tâm thần nhanh hồi phục. Cuộc sống gia đình, cộng đồng nơi bệnh nhân sinh sống cũng là nơi các yếu tố tác động phát bệnh, nhưng lại là cơ sở điều trị ổn định nhanh và lâu dài hơn. Do vậy người nhà cần hợp tác với thầy thuốc, quan tâm, thương yêu, chăm sóc cho bệnh nhân. Đối với cộng đồng, cần có sự thông cảm, chia sẻ, không kỳ thị, xa lánh bệnh nhân tâm thần, tạo điều kiện để bệnh nhân tâm thần có cơ hội được chữa trị và hòa nhập cộng đồng.

Nguyệt Ánh – Đình Thi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.