Multimedia Đọc Báo in

Công ty Điện lực Dak Lak: Góp sức giúp người dân buôn kết nghĩa vươn lên thoát nghèo

09:09, 14/09/2013
Trong những năm qua, cùng với các cấp chính quyền, với vai trò là đơn vị kết nghĩa của buôn M’riu, xã Cư Huê (huyện Ea Kar), Công ty Điện lực Dak Lak (PC Dak Lak) đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ nhằm giúp người dân trong buôn thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế; đặc biệt là chương trình hỗ trợ bò giống cho các hộ nghèo của buôn.

Buôn M’riu và PC Dak Lak kết nghĩa từ năm 2004. Hiện nay, Buôn có 220 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 32 hộ nghèo và 13 hộ cận nghèo. Cuộc sống của bà con nơi đây còn nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với trên 80% người dân sinh sống nhờ canh tác cà phê, các loại cây hoa màu và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Là đơn vị kết nghĩa, gần 10 năm qua, PC Dak Lak luôn nắm bắt, theo sát tình hình của buôn nhằm có kế hoạch thực hiện chương trình kết nghĩa một cách hiệu quả, thiết thực. Xác định giúp người dân xóa đói, giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm của công tác kết nghĩa, Công đoàn đơn vị đã tìm hiểu nguyện vọng của bà con trong buôn, từ đó tiến hành vận động đóng góp, gây quỹ và thực hiện chương trình hỗ trợ bò giống cho các hộ nghèo. Theo đó, năm 2009 với số tiền do cán bộ, công nhân viên trong Công ty đóng góp, đơn vị đã mua tặng 5 con bò giống (tổng trị giá gần 26 triệu đồng) và tiến hành bàn giao cho Ban tự quản của buôn để chuyển đến tận tay các gia đình có hoàn cảnh khó khăn chăm sóc, nuôi dưỡng cho đến khi sinh sản. Sau khi bò giống sinh sản, hộ được hưởng lợi sẽ nuôi thêm 6 tháng rồi chuyển bò mẹ cho các hộ nghèo khác trong buôn.

Gia đình chị H'Đi được Công đoàn PC Dak Lak tặng bò giống chăn nuôi để phát triển kinh tế.
Gia đình chị H'Đi được Công đoàn PC Dak Lak tặng bò giống chăn nuôi để phát triển kinh tế.

Qua 5 năm thực hiện chương trình, đến nay 5 con bò ban đầu do đơn vị tặng cho các hộ nghèo đều đã sinh sản, cho ra những lứa bò đầu tiên. Chị H’Đi Niê, một trong những người được nhận nuôi bò đợt đầu bày tỏ: “Nhà mình nghèo nên không có tiền để mua bò về nuôi. Gia đình mình rất vui khi được Công ty Điện lực Dak Lak giao bò để chăn nuôi. Sau một thời gian chăm sóc, bò mẹ đã đẻ con, cuối cùng nguyện vọng có một con bò trong nhà đã trở thành hiện thực. Hết vụ bắp này, sau khi chuyển bò mẹ cho hộ khác, mình sẽ vay mượn thêm để mua thêm bò về nuôi nữa…”.

Ông Y Mly B’Krông, Buôn trưởng buôn M’riu phấn khởi cho biết: “Với người dân tộc Êđê, con bò không chỉ là vật nuôi mà nó còn có nhiều ý nghĩa. Một gia đình được xem là giàu có khi trong chuồng có nhiều bò; ngược lại nếu nhà nào một con bò cũng không có thì được coi là nghèo lắm. Vì vậy, được đơn vị kết nghĩa quan tâm, hỗ trợ tặng bò để chăn nuôi, bà con trong buôn vui lắm. Có một con bò cái “biết đẻ” sẽ cho ra bò con và bò con lại tiếp tục đẻ ra bò cháu. Vậy là nhà nào trong buôn cũng “giàu” rồi…”.

Hiện nay, Công đoàn PC Dak Lak đã lên kế hoạch, đề xuất để tiếp tục tặng cho buôn M’riu thêm 4 con bò. Đồng thời, đơn vị cũng làm việc với Tổ nữ công của buôn để có kế hoạch hỗ trợ, gây quỹ cho các hộ phụ nữ nghèo vay để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt. Ông Lê Văn Toàn, Phó Chủ tịch Công đoàn PC Dak Lak cho biết: Đây là một hoạt động mang nhiều ý nghĩa xã hội mà Công đoàn đơn vị đang cố gắng thực hiện và phát triển. Với hình thức cho vay không tính lãi, các hộ nghèo sẽ có điều kiện để phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt với mô hình chăn nuôi bò luân chuyển, nếu quy trình này duy trì tốt thì số lượng bò sẽ ngày một tăng, ngày càng có nhiều người dân được hỗ trợ để phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập. Cùng với việc tặng thêm bò, Công đoàn Công ty cũng có kế hoạch cụ thể để quản lý tốt mô hình nhằm duy trì có hiệu quả hoạt động…

Hương Cẩm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.