Hành động cao đẹp của 5 nữ sinh viên
Mưa lớn, nước chảy xiết, khiến hàng trăm người tham gia giao thông loạng choạng, sợ hãi. Trong tình cảnh ấy, bất ngờ xuất hiện những hành động cao đẹp của người dân, trong đó có 5 nữ sinh Khoa Kinh tế, Trường Đại học Tây Nguyên đã không ngại nguy hiểm, khó khăn vật lộn với mưa gió để giúp đỡ mọi người qua đường an toàn thật đáng trân trọng.
Nữ sinh giúp người dân qua đường. |
Tầm 16 giờ, ngày 14-9, một cơn mưa lớn xuất hiện, khiến nhiều đoạn đường nội thành Buôn Ma Thuột bị ngập, biến thành biển nước, trong đó đoạn cầu Ea Tam được xem là điểm nguy hiểm nhất đối với người tham gia giao thông. Đây là đoạn đường có mật độ người và phương tiện tham gia giao thông dày đặc, nhưng có độ dốc cao, nước đổ dồn hết về phía khu vực cầu và 2 đầu cầu, khiến giao thông bị tắc nghẽn hơn 1 giờ đồng hồ và cực kỳ hỗn loạn. Chị Trần Thị Non, phường Tân Thành kể lại, bản thân chị đang mang bầu, lại chở con nhỏ phía sau nên chị rất sợ, chị đã khóc vì sợ nước cuốn trôi cả 2 mẹ con. Rất may, lúc đó có mấy cô sinh viên giúp chị đưa xe ra khỏi khu vực nước chảy xiết và bế con cho chị, chị mới an tâm. Cũng như chị Non, chị Nguyễn Thị Hà (phường Tân Thành) cho biết, từ nhỏ đến giờ chị mới chứng kiến nước chảy mạnh như vậy, 2 chân chị cứ run bần bật, không thể điều khiển xe máy. Được các sinh viên giúp đỡ, chị cho xe lên lề đường, chờ nước rút mới dám về nhà.
Trong tình cảnh ấy, 5 nữ sinh lớp kinh tế khóa 11, Khoa Kinh tế Trường Đại học Tây Nguyên gồm: Nguyễn Lê Mỹ Huyền, Ngô Thị Bích Đào, Hồ Nguyễn Mộng Hoàng, Phan Thị Diễm và Phạm Thị Hạnh đã không ngại nguy hiểm, nép xe bên lề đường rồi bước ra hướng dẫn cho mọi người qua đường. Mỹ Huyền nhớ lại: lúc đầu qua cầu Ea Tam, em và các bạn cũng bị loạng choạng, may có một nam thanh niên giúp đỡ nên đi qua được chỗ nguy hiểm. Bỗng dưng em có suy nghĩ, thanh niên đó giúp được mọi người thì bản thân mình cũng là thanh niên trẻ trung, sao không giúp đỡ người khác? Thế là em và các bạn nhanh chóng chia nhau ra đứng ở những khu vực có hố sâu để hướng dẫn người tham gia giao thông không đi vào đó, những trường hợp bị té xe, chúng em nhanh tay đỡ họ và phương tiện đứng lên. Vẫn lường trước được những hiểm nguy có thể xảy ra với mình bất cứ lúc nào, nhưng khi đó nhiệm vụ giúp đỡ mọi người là cấp bách, là động lực để chúng em vượt qua nỗi sợ hãi. Còn Mộng Hoàng chia sẻ: em cũng không nhớ nổi mình đã đẩy bao nhiêu chiếc xe qua chỗ nước xiết, hướng dẫn bao nhiêu người, có lúc bản thân em mệt phờ, nhưng trước mắt em còn hàng trăm người và phương tiện đang kẹt cứng trên đường càng thôi thúc em cố gắng. Với Bích Đào, giờ nghĩ lại, cô bé vẫn nở nụ cười tươi, bởi trong lúc giúp mọi người, em vô tình gặp thầy giáo dạy lớp mình, em kể: “lúc ấy em cố nhoài người, rướn chân để đẩy chiếc xe của thầy và hô to, chú nhanh cho xe lên hành lang, chỗ này có hố sâu, nguy hiểm lắm. Không ngờ sau khi chiếc xe qua chỗ nước xiết, ngước mắt nhìn, Đào thốt lên: “Ơ thầy”. Thế là cả 2 thầy trò nhìn nhau cười, sau đó em lại tiếp tục đến giúp đỡ những người khác. Còn Hạnh thì nhí nhảnh: bọn em cũng không biết sao lúc đó mình lại khỏe dữ vậy, đứa nào đứa ấy 2 bàn chân dẫm phải gạch đá chảy máu mà vẫn không biết đau là gì. Thậm chí, bạn Hoàng và Đào bị nước cuốn trôi 2 đôi dép, trên đường về nhóm bạn còn đùa nhau “giúp người mất cả dép” và cười to quên hết mệt mỏi. Cảm phục trước hành động của các nữ sinh, chị Nguyễn Thị Lê (phường Ea Tam) xúc động: lúc ấy nếu không có các em, chắc 2 mẹ con chị sẽ bị té xuống đường rồi, hành động của các nữ sinh thật đáng trân trọng. Còn chú Phạm Hùng (bố của em Hạnh) rất lo lắng vì tan học đã 2 giờ rồi mà không thấy con về, nhưng khi nghe con gái kể lại chú cũng cảm thấy tự hào bởi hành động dũng cảm của con mình.
Sau khi cơn mưa bắt đầu tạnh, nước trên đường Lê Duẩn không còn cuồn cuộn nữa, dòng xe từ từ lưu thông, 5 bạn sinh viên lặng lẽ ra về, người ướt sũng, vừa lạnh vừa đói, nhưng các em không giấu được niềm vui bởi người qua đường lúc ấy đều an toàn. Nhưng vẫn còn một nỗi băn khoăn, vì các em có mượn sách, tài liệu của khoa về học, nhưng trong buổi đó, toàn bộ sách vở, đồ dùng học tập đều bị ướt sũng hoặc rách nát, không biết đến lúc trả sách, khoa có thông cảm không, vì sách không còn nguyên vẹn.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc