Multimedia Đọc Báo in

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: Những kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

22:23, 21/09/2013
Trong 5 năm qua (2008 – 2013), công tác thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) ở các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan. Về công tác chỉ đạo, hằng năm Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh xây dựng kế hoạch hành động cụ thể triển khai tới các cấp Hội cơ sở; đồng thời chỉ đạo các huyện, thị, thành hội căn cứ tình hình thực tế địa phương, phối hợp với các ngành liên quan cùng cấp thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống BLGĐ; tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho hội viên, phụ nữ và cộng đồng những chính sách về lĩnh vực gia đình; chỉ đạo các đơn vị hưởng ứng tích cực các hoạt động xây dựng các mô hình về phòng, chống BLGĐ như: “Phụ nữ với pháp luật”, “Xây dựng gia đình hạnh phúc”…; đẩy mạnh công tác giám sát việc thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em…

Để công tác truyền thông Luật Phòng, chống BLGĐ đạt hiệu quả, các cấp Hội đã tổ chức tuyên truyền cho 100% cán bộ hội và 974.387 lượt hội viên, phụ nữ về Luật Phòng chống BLGĐ, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Phòng chống buôn bán phụ nữ trẻ em, Pháp lệnh Phòng chống mại dâm, Luật Phòng chống ma túy… Qua tuyên truyền, Hội đã vận động cán bộ, hội viên phụ nữ đăng ký thực hiện “Xây dựng gia đình văn hóa”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và đã có 269.758 hội viên, phụ nữ đăng ký thực hiện…

Song song với các hoạt động tuyên truyền, giáo dục phổ biến các luật liên quan đến phụ nữ, trẻ em, các cấp Hội còn làm tốt công tác tiếp nhận và giải quyết đơn thư, tích cực tham gia tổ hòa giải tại địa bàn dân cư; phối hợp với ngành chức năng giải quyết tốt các vụ việc bất hòa xảy ra trong gia đình. Các cấp Hội đã tiếp nhận 135 đơn liên quan đến hôn nhân gia đình, 31 đơn về bạo lực gia đình; hầu hết các đơn thư đều được giải quyết dứt điểm, không để tồn đọng kéo dài. Đồng thời, các cấp Hội còn làm tốt vai trò Hội thẩm nhân dân, tham gia xét xử cùng TAND các cấp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em trong các vụ án: đã tham gia xét xử trên 300 vụ án; trong đó có 50 vụ liên quan đến bạo lực gia đình.

Nhằm góp phần cùng các cấp, các ngành hạn chế và từng bước làm giảm dần tình trạng BLGĐ trên địa bàn, các cấp Hội cũng đặc biệt quan tâm, chú trọng đến việc xây dựng các mô hình, CLB với hình thức sinh hoạt đa dạng, phong phú, thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ và cộng đồng tham gia sinh hoạt. Thông qua sinh hoạt mô hình, CLB, nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng về công tác phòng, chống BLGĐ có những chuyển biến rõ rệt. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh xây dựng 5 CLB điểm về phòng chống BLGĐ tại 2 địa bàn trọng điểm là huyện Krông Ana và thị xã Buôn Hồ và đã đi vào hoạt động hiệu quả. Từ 5 CLB chỉ đạo điểm của tỉnh, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh rút kinh nghiệm và chỉ đạo các cấp Hội xây dựng CLB và mô hình nhóm nhằm cung cấp kiến thức về phòng chống BLGĐ đến hội viên, phụ nữ cơ sở. Đến nay các cơ sở Hội đã xây dựng được 57 mô hình “Gia đình 4 chuẩn mực” với 1.764 thành viên, 47 mô hình CLB “Gia đình hạnh phúc” có 1.470 thành viên, 72 mô hình “Gia đình 5 không, 3 sạch” với 2.257 thành viên, 334 mô hình CLB “Gia đình không có bạo lực”, “Phòng chống bạo lực gia đình” với 8.289 thành viên tham gia. Ngoài ra, đầu năm 2013 Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Buôn Ma Thuột xây dựng mô hình điểm “Địa chỉ tin cậy” tại phường Thành Công và đã nhân rộng được 19 mô hình tại 19 gia đình có uy tín, trách nhiệm; đây là nơi tạm lánh của những nạn nhân bị bạo lực gia đình tại địa phương; thông qua việc xây dựng mô hình đã góp phần ổn định an ninh tại cơ sở.

Bên cạnh đó, hằng năm Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh xây dựng kế hoạch chỉ đạo các cấp Hội tập trung giám sát việc thực hiện Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống BLGĐ tại địa phương. Hội cũng đã trực tiếp tiếp 48 lượt công dân đề nghị giải đáp, tư vấn pháp luật về lĩnh vực hôn nhân gia đình và bạo lực gia đình và tiến hành giám sát việc triển khai, thực hiện Luật tại thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) đối với chính quyền huyện, xã, tổ dân cư. Đặc biệt, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Buôn Ma Thuột đã tổ chức Diễn đàn tư vấn pháp luật cho phụ nữ dân tộc thiểu số và tôn giáo với 200 phụ nữ tham gia, trong đó có 165 phụ nữ người dân tộc thiểu số tại các buôn trên địa bàn…

Công tác phối hợp liên ngành cũng được các cấp Hội chú trọng. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã chủ động phối hợp với Sở Tư pháp ký kết Chương trình phối hợp số 01/CTPH/PN-TP ngày 30-7-2013 về “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biển giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho phụ nữ, hòa giải ở cơ sở và lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật” giai đoạn 2013 – 2017; Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác phòng chống bạo lực gia đình theo Quyết định số 21/2013/QĐ-UBND ngày 12-8-2013 của UBND tỉnh. Hội đã phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức 112 lớp bồi dưỡng kiến thức về bình đẳng giới, hôn nhân gia đình, phòng chống BLGĐ, phòng chống tội phạm… cho 7.293 lượt cán bộ Hội chủ chốt cơ sở và tổ chức 168 buổi tư vấn, trợ giúp pháp lý miễm phí cho chị em hội viên phụ nữ. Thông qua hoạt động này đã giúp cho hội viên phụ nữ có cơ hội tiếp cận với pháp luật và giải đáp những vướng mắc liên quan đến pháp luật của chị em…

Có thể nói, với những hoạt động nỗ lực của các cấp hội phụ nữ và có sự phối hợp của các đơn vị, nạn BLGĐ trên địa bàn tỉnh đã được hạn chế đáng kể. Trong thời gian tới Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và phối hợp với các ban ngành, địa phương, tranh thủ dự án nhằm hỗ trợ, giúp đỡ những hộ gia đình hội viên, phụ nữ thuộc khu vực có nguy cơ cao và nạn nhân có vốn, kiến thức để tổ chức, xây dựng cuộc sống hạnh phúc.

Phạm Thị Len


Ý kiến bạn đọc