Khi đảng viên gương mẫu học và làm theo Bác
Mang trên mình trách nhiệm của một đảng viên cộng sản, họ không chỉ gương mẫu, thực hiện nghiêm mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn học và làm theo gương Bác Hồ bằng những việc làm thiết thực. Với họ, học theo tấm gương Bác là cố gắng bằng hành động (dù chỉ là việc làm rất nhỏ) chứ không chỉ học bằng lý thuyết suông hay hô hào hình thức…
Bí thư chi bộ gắn bó với xóm đạo
Gần chục năm nay, hình ảnh ông bí thư chi bộ Vi Văn Long thường xuyên đến các nhà dân trên địa bàn thôn 3, xã Cư Êbur (TP.Buôn Ma Thuột) hỏi han về cuộc sống, chuyện làm ăn hay đến tham gia các buổi “uống nước mới” cùng bà con đã trở nên quen thuộc với người dân ở xóm đạo này.
Ông Vi Văn Long soạn thảo nội dung cuộc họp chi bộ thường kỳ. |
Nhà ở buôn Đung nhưng ông Long đã gắn bó với bà con xóm đạo thôn 3 đã gần chục năm, kể từ khi được giao trọng trách phụ trách công tác Đảng tại nơi này. Thôn 3 hiện có 494 hộ, 100% là đồng bào theo đạo Thiên chúa. Trước năm 2003, công tác xây dựng Đảng tại đây vô cùng khó khăn, vì không thể phát triển được đảng viên là người tại chỗ. Ông Long bộc bạch: “Khó khăn như vậy nên khi được giao trách nhiệm làm Bí thư chi bộ thôn 3, tôi rất lo lắng. Tôi nghĩ: trước hết phải tập trung làm công tác vận động quần chúng cho tốt đã, phải gần gũi, gắn bó và trở thành bạn của dân”. Thế là hằng tuần, hằng tháng, ông bí thư và các đảng viên trong chi bộ chủ động đến với dân, tìm hiểu cuộc sống, sâu sát và nắm bắt được những vấn đề trong cuộc sống của dân, biết được vụ này họ trồng cây gì, nuôi con gì, áp dụng phương thức canh tác nào, có hiệu quả không. Bên cạnh đó, ông cũng chủ động tìm hiểu về tín ngưỡng của người dân ở địa bàn, biết được một năm có bao nhiêu lễ lớn, nhỏ để chủ động đến chia vui, thăm hỏi, nhất là với các chức sắc, chức việc, người có uy tín trong cộng đồng. Ông Long thường tham gia các buổi “uống nước mới” (một tục lệ của xóm đạo) cùng người dân để trò chuyện, hàn huyên cũng như để giải thích hay hóa giải những bức xúc của người dân, nói cho họ hiểu thêm về nội dung của một chủ trương, chính sách nào đó. Những điều nắm bắt được qua thâm nhập thực tế, tiếp xúc trực tiếp với người dân như vậy cũng là cơ sở để ông Long xây dựng các nghị quyết của chi bộ một cách xác thực, cụ thể gắn với đời sống người dân, kịp thời có những giải pháp để giải quyết những khó khăn, bức xúc của người dân trên địa bàn.
Bên cạnh đó, với vai trò là bí thư chi bộ, ông Long còn chú trọng việc xây dựng cốt cán, những cán bộ nòng cốt của các hội, đoàn thể trên địa bàn để cùng phối hợp trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến người dân. Đồng thời, thông qua những cơ sở cốt cán, chi bộ có điều kiện tiếp xúc với những quần chúng tích cực, năng nổ, nhiệt tình với công tác xã hội, có nhân thân tốt để bồi dưỡng, kết nạp Đảng. Đến nay, chi bộ đã kết nạp một đảng viên mới là người dân tại chỗ và đang xem xét thêm 3 hồ sơ của những quần chúng có tinh thần phấn đấu tốt để kết nạp Đảng trong thời gian tới. Với đảng viên mới và những quần chúng cảm tình Đảng, ông Long cũng thường xuyên gần gũi, giúp đỡ họ tiếp tục phấn đấu.
Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của chi bộ, trong những năm qua, người dân thôn 3 luôn chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, hoàn thành tốt nghĩa vụ công dân. Mặc dù việc vận động thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự còn khó khăn song những năm gần đây, năm nào thôn 3 cũng có thanh niên nhập ngũ. Cuộc sống kinh tế của người dân trong thôn khá ổn định, cả thôn hiện chỉ còn 1 hộ nghèo và 4 hộ cận nghèo; gần 90% số hộ được công nhận gia đình văn hóa. Đặc biệt, phong trào xây dựng nông thôn mới được người dân thôn 3 nhiệt tình hưởng ứng. Mới đây, người dân trong thôn đã góp tiền theo hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để trải nhựa hơn 900m đường nội thôn, trong đó một số hộ đã nhường đất để nắn đường. Có thể nói, những kết quả ấy có sự góp sức không nhỏ của ông bí thư Vi Văn Long…
“Giúp người bớt khổ, mình vui”
Mỗi lần nhận lương hưu, bà Nhuần đều dành ra 300.000 đồng để làm từ thiện. |
Đó là tâm niệm của bà Nguyễn Thị Thúy Nhuần, đảng viên 48 năm tuổi Đảng ở tổ dân phố 13, phường Tân Tiến (TP.Buôn Ma Thuột). Bà nói: “Chẳng cứ giàu có mới làm từ thiện được. Nhà tôi chưa thể gọi là giàu, tiền giúp đỡ người nghèo là tiền tiết kiệm từ lương hưu mỗi tháng. Tôi chỉ nghĩ rằng, mình đủ ăn, đủ mặc mà nhiều người khác còn nghèo đói thì không đành; chi bằng nhịn ăn, nhín mặc một chút dành để giúp đỡ người khác bớt khổ, lòng mình cũng thấy thanh thản hơn”. Với suy nghĩ ấy, trong suốt 3 năm qua, cứ mỗi tháng nhận lương hưu, hai vợ chồng bà lại dành ra 300.000 đồng “bỏ ống” đến cuối năm lấy ra mua quà tặng người nghèo ăn tết. Từ năm 2010 đến nay, cứ đến cuối năm, từ số tiền tiết kiệm ấy, bà tặng hàng chục suất quà cho người nghèo trong phường, chỉ là cân gạo, gói mì chính hay chai dầu ăn nhưng cũng đủ làm ấm lòng bao gia đình mỗi dịp tết đến xuân về. Không chỉ đến nhà thăm, tặng trực tiếp, bà còn hỗ trợ Hội Chữ thập đỏ phường khi thì tạ gạo khi thì chục suất quà nhờ chuyển đến người nghèo trên địa bàn. Vào các dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ hằng năm, bằng tấm lòng với đồng đội (trong kháng chiến chống Mỹ, bà Nhuần là nữ dân quân trực chiến bắn máy bay Mỹ ở quê hương Quỳnh Phụ, Thái Bình), bà luôn tặng quà cho các gia đình cựu chiến binh, thương binh nghèo. Ngoài những lần “định kỳ” như vậy, mỗi khi biết có trường hợp ai đó gặp khó khăn hay lâm vào hoàn cảnh ngặt nghèo, bà Nhuần đều xắn tay giúp đỡ. Như trường hợp chị Ngọc bị tai nạn, con đau ốm, bà giúp gia đình chị 10 kg gạo/tháng trong suốt mấy tháng liền. Hay biết hoàn cảnh anh Nguyễn Ngọc Hiếu bị tàn tật từ nhỏ, không có nghề nghiệp ổn định, suốt năm 2012, mỗi tháng bà đều tặng anh 10 ký gạo. Vừa rồi, khi anh Hiếu được hưởng chế độ dành cho người tàn tật của Nhà nước (được hỗ trợ 360.000 đồng/tháng), suất gạo ấy bà lại dành tặng cho gia đình chị Dũng có hoàn cảnh rất đáng thương trong tổ dân phố (mẹ bị tai nạn, con bị tâm thần). Không chỉ vợ chồng bà hay giúp đỡ người khác, các con trai, con gái của ông bà cũng thường xuyên tham gia công tác từ thiện nhân đạo như: góp tiền cho Bếp ăn tình thương của Bệnh viện tâm thần, tặng quà Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh…
Ngoài 70 tuổi mà vẫn còn nhanh nhẹn, vẫn “phóng” xe máy đi cả đoạn đường dài 20km, bà Nhuần vẫn có mặt đều đặn tại các buổi sinh hoạt tại chi bộ cũng như hăng hái tham gia các phong trào ở địa phương. Bà cười vui: “Vinh dự nhất là cả nhà tôi 5 người đều là đảng viên. Cả nhà động viên nhau học và làm theo Bác trong khả năng của mình, cố gắng làm tốt công việc được giao và giúp đỡ càng được nhiều người càng tốt”.
Hết lòng vì học sinh thân yêu
Dáng người nhỏ nhắn, cô giáo H’Wiêl Byă, Trường Tiểu học Phan Đình Phùng, xã Hòa Xuân (TP.Buôn Ma Thuột) tỏ ra khá bẽn lẽn và ngượng ngùng khi được hỏi về thành tích của mình; nhưng nói đến công tác giảng dạy và học sinh là chị sôi nổi hẳn lên. Dường như mọi tâm huyết, sức lực chị đều dành cho mái trường và học sinh thân yêu của mình.
Cô giáo H’Wiêl trong giờ lên lớp. |
Tính đến năm học 2013-2014 này là tròn 23 năm cô giáo H’Wiêl Byă giảng dạy tại Trường Tiểu học Phan Đình Phùng. Nhiều năm phụ trách học sinh lớp 1 ở ngôi trường nơi vùng ven thành phố còn nhiều khó khăn này, chị hiểu rõ những khó khăn của các em học sinh người dân tộc thiểu số khi chập chững bước vào lớp 1. H’Wiêl bộc bạch: “Rất nhiều học sinh vào học lớp 1 mà chưa qua mẫu giáo, tiếng Kinh không thạo nên nắm bắt bài vở, kiến thức khá vất vả. Thêm vào đó, gia đình nhiều em lại có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, cha mẹ chỉ lo làm lụng kiếm sống nên chưa coi trọng việc học của con. Những điều đó dễ khiến nhiều học sinh nản lòng rồi bỏ học sớm”. Với quyết tâm không để học sinh bỏ học, chị H’Wiêl cùng tập thể giáo viên, Ban giám hiệu nhà trường luôn làm công tác vận động kịp thời mỗi khi phát hiện học sinh có dấu hiệu bỏ học. Cứ có học sinh nào 1-2 buổi học không đến lớp (kể cả học sinh lớp khác chứ không riêng lớp mình phụ trách) là H’Wiêl lại đến tận nhà tìm hiểu lý do. Chị bảo, cứ vào mùa thu hoạch hay mùa bắt ve là học sinh hay nghỉ học. Đến nhà học sinh phải đi vào buổi tối khi cả nhà có mặt đầy đủ, hỏi thăm và biết lý do các em nghỉ học rồi lựa lời phân tích cho cha mẹ và học sinh hiểu. Cũng có nhà nói thẳng là “không cho con đi học nữa đâu, cho nó đi rẫy còn có cái ăn”. Cô giáo H’Wiêl phải giải thích, phân tích cụ thể, đưa cả những dẫn chứng sinh động như: không đi học, không biết chữ làm sao có bằng lái xe để đi xe máy vào rẫy; không biết chữ, không làm được toán thì đi chợ bán nông sản làm sao biết mà tính toán; làm rẫy rất vất vả, đến trường học vui, biết chữ sau này có cơ hội thoát nghèo... Với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cô giáo H’Wiêl cùng với Ban giám hiệu đến thăm, tặng quà đồng thời vận động con em giáo viên trong trường tặng lại sách vở cũ, quần áo, giày dép cho các em. Chưa hết, thấy những học sinh nào trong trường có biểu hiện nghỉ học, cô giáo H’Wiêl đến tận lớp nói chuyện, động viên. Từ năm 2010 đến nay, chị H’Wiêl còn tình nguyện dạy phụ đạo miễn phí vào buổi chiều thứ năm hằng tuần với môn học chủ yếu là tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số có học lực yếu nhằm giúp các em có kiến thức vững vàng hơn và học tốt hơn tiếng Việt. Cô Từ Thị Nguyệt, Hiệu trưởng nhà trường, phấn khởi: “Mặc dù nằm ở địa bàn vùng khó của thành phố nhưng suốt 5 năm qua, Trường Tiểu học Phan Đình Phùng không có học sinh nào bỏ học. Học sinh người dân tộc thiểu số thích học tiếng Việt hơn, hòa nhập tốt hơn với học sinh người Kinh, số lượng học sinh khá, giỏi cũng tăng lên. Năm học 2012-2013 vừa qua, học sinh của trường cũng đoạt giải Nhì toàn đoàn tại cuộc thi giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” do thành phố tổ chức. Kết quả ấy có sự đóng góp rất lớn của cô giáo H’Wiêl”.
Được thành phố và tỉnh tuyên dương là tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cô giáo H’Wiêl bộc bạch: “Là một đảng viên, tôi chỉ nghĩ mình phải cố gắng hoàn thành tốt nhất công việc của mình”.
Hồng Thủy
Ý kiến bạn đọc