Multimedia Đọc Báo in

Nâng tỷ lệ lao động được đào tạo nghề lên 40% vào năm 2015

08:49, 12/09/2013

Ngày 11-9, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị tập huấn Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề giai đoạn 2012-2015 cho 33 tỉnh, thành phố phía Nam.

Mục tiêu của Dự án “Đổi mới và phát triển dạy nghề” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề giai đoạn 2012-2015 là hỗ trợ phát triển nghề có năng lực đào tạo lao động kỹ năng nghề cao, từng bước đột phá về chất lượng dạy nghề, hỗ trợ phát triển đồng bộ khoảng 130 nghề trọng điểm ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó hình thành 26 trường chất lượng cao (trong đó có 5 trường đạt đẳng cấp quốc tế), góp phần đưa số lao động được đào tạo nghề đạt 40% vào năm 2015.

1
Học viên Lớp trồng và chăm sóc cà phê vối của Trung tâm Dạy nghề huyện Cư M'gar thực hành kỹ thuật nhận biết sâu bệnh hại trên cây cà phê. Ảnh minh họa

Hiện nay, trong tổng số 49,5 triệu lao động chỉ có 7,2 triệu người đã qua đào tạo nghề, chiếm 14,6% tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo thấp không chỉ tạo ra năng suất lao động thấp mà còn cản trở quá trình chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế. Chính vì vậy, nâng cao tỷ lệ lao động được đào tạo không chỉ là chiến lược phát triển của ngành lao động mà còn là mục tiêu để phát triển nền kinh tế-xã hội của đất nước.

Dự án sẽ tiếp nhận và chuyển giao 34 bộ giáo trình của 34 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế và khu vực ASEAN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 371/QĐ-TTg. Đào tạo thí điểm cho 2.750 học sinh, sinh viên. Ban hành chương trình và giáo trình của 130 nghề trọng điểm cấp quốc gia. Đào tạo và bồi dưỡng cho 3.000 đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia, đồng thời cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho 200.000 giáo viên dạy nghề và người lao động…

Đồng thời, trong quá trình thực hiện dự án, Tổng cục Dạy nghề sẽ cùng với các cơ quan, ban ngành đánh giá, rà soát lại danh mục nghề trọng điểm ở từng cấp độ của các cơ sở dạy nghề để đưa ra các giải pháp đầu tư thích hợp cho các cơ sở, trường dạy nghề trong thời gian tới. Tiếp tục tăng đầu tư đối với những cơ sở có kinh nghiệm, thế mạnh đào tạo và tạm dừng đầu tư với những cơ sở kém hiệu quả trong hoạt động đào tạo, giảng dạy nghề.

Kinh phí thực hiện Dự án “Đổi mới và phát triển dạy nghề” giai đoạn 2012-2015 là 18.946 tỷ đồng. Trong đó ngân sách Trung ương là 8.986 tỷ đồng và ngân sách địa phương là 9.960 tỷ đồng.

N.X (nguồn Chinhphu.vn)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.