Nỗi lo sau… lũ
Đến ngày 20-9, toàn tỉnh vẫn chưa có thống kê đầy đủ về những thiệt hại do mưa lũ gây ra. Tuy nhiên, theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương thì ngoài những thiệt hại rất lớn về người, tại Ea Súp đang có hàng ngàn hộ dân đang đối diện với đói nghèo sau lũ…
Rốn lũ tan hoang
Bà K’Lôi đang cố gắng vớt vát những hạt lúa sau lũ. |
Nước lũ vừa rút, bà K’Lôi ở buôn Thal, xã Ea Rốc (huyện Ea Súp) đã vội ra đồng với hy vọng nhặt nhạnh lại những gì còn sót lại sau cơn lũ. Đầu mùa gặp hạn nên ruộng lúa của bà K’Lôi cao chưa đến gối, 10 hạt thì đã lép đến 5. Đã vậy, khi sắp đến kỳ thu hoạch thì nước lũ tràn về “giật” thêm của bà ít nữa. “Tiếc của phải gặt về chứ hạt lúa thu được chẳng đáng cái công. Nhưng không gặt về thì lấy chi ăn? Hai vợ chồng già quanh năm chỉ sống nhờ vào 3 sào lúa” - Bà K’Lôi than thở. Khổ vậy nhưng so với bà Brê Siu (cùng buôn) thì bà K’Lôi vẫn còn may mắn. Bà Brê Siu thậm chí chẳng thu được gì. Nhà Brê Siu thuộc diện hộ nghèo khó khăn đã chất chồng vậy mà nước lũ cũng tuốt sạch 3 sào lúa chẳng để lại hạt nào… .
Ở Buôn Thal này, ai cũng vậy cả, chỉ may mắn số ít diện tích sạ trễ, lúa đang kỳ trổ thì may ra còn mong vớt vát được.
Gặp chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hồng (thôn 9, xã Ea Rốc) than thở: “Mấy hôm trước, thấy trời bắt đầu mưa, gia đình tôi vội thuê người gặt hết 1,5 ha lúa. Cứ ngỡ “xanh nhà” hơn “già đồng”, ai ngờ lúa đưa về nhà rồi, chưa kịp phơi phóng thì nước lũ tràn về ngập hết. Chìm trong nước lũ hơn 2 ngày qua đã khiến mấy tấn lúa vừa mới gặt về lên mộng trắng tinh. Coi như xong!”.
Tưởng “xanh nhà” hơn “già đồng”, không ngờ mấy tấn lúa của bà Nguyễn Thị Hồng bị ngâm trong lũ lên mộng trắng tinh. |
Theo ông Bùi Đức Nguyện, Chủ tịch UBND xã Ea Rốc cho biết, thiệt hại trên địa bàn xã chưa thống kê hết, nhưng khả năng người dân sẽ bị mất khoảng 70% sản lượng lúa, ngô vụ này. Toàn xã có khoảng 1.200 ha lúa, số đã gặt về thì bị ẩm mốc, lên mộng do nước lũ ngập sâu nhiều ngày; số còn ngoài đồng, diện tích đang chín, thì xem như mất trắng. Trong khi đó, theo báo cáo chưa đầy đủ của UBND huyện Ea Súp, trong đợt lũ vừa qua có hơn 3.000ha cây trồng của người dân bị ngập, hàng chục tấn lương thực, gần vạn rưỡi gia súc, gia cầm của người dân bị cuốn trôi. Đáng chú ý, những thiệt hại ấy lại tập trung hầu hết ở các xã nghèo như Ea Bung, Ia T’mốt, Ea Rốc, Cư Kbang, Ia R’vê, Ya Lốp.
Nỗi lo sau lũ
Cũng theo ông Chủ tịch UBND xã Ea Rốc, trong đợt lũ vừa qua, toàn xã có hơn 2.200 nóc nhà thì đã có 2.009 cái bị ngập. Nước lũ phủ trắng cả xã suốt hơn 2 ngày khiến người dân mất mát rất lớn. Tình trạng này đang khiến gần 600 hộ nghèo trong xã có nguy cơ thiếu đói, tái nghèo. Còn tại xã Cư Kbang, nước lũ không chỉ cướp đi sinh mạng nhiều người mà còn khiến không biết bao nhiêu gia đình ở đó lâm vào cảnh vô cùng khó khăn thiếu thốn. Theo chủ tịch UBND xã Đàm Văn Hà, Cư Kbang là xã đặc biệt khó khăn, có đến 63% là hộ nghèo. Đa phần người dân trong xã là dân di cư tự do cuộc sống hết sức bấp bênh. Trong số đó sẽ có không ít gia đình tiếp tục gánh thêm khó khăn khi mà hàng trăm ha lúa của họ bị lũ cuốn qua.
Trước tình hình đó, UBND huyện Ea Súp đã chỉ đạo Hội Chữ thập đỏ huyện kịp thời có phương án hỗ trợ cho người dân trong vùng lũ. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Phú, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Ea Súp, thì về lâu dài chắc chắn cuộc sống của người dân sẽ gặp không ít khó khăn. Trong khi đó, điều kiện kinh tế của huyện lại cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Địa phương sẽ tích cực vận động nhân dân, doanh nghiệp giúp đỡ về vật chất và tinh thần cho người dân bị thiệt hại do lũ, đồng thời đề nghị tỉnh, trung ương tạo điều kiện giúp đỡ, giúp người dân ổn định đời sống”.
Việt Cường - Duy Hậu
Ý kiến bạn đọc