Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện chính sách BHYT tự nguyện qua đại lý thu: Còn nhiều khó khăn!

07:59, 07/09/2013

Để tiến tới mục tiêu bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân, cùng với việc thực hiện nhiều chế độ, chính sách hỗ trợ cho các đối tượng, xây dựng hệ thống các đại lý thu BHYT ở cơ sở cũng là một trong những biện pháp đưa chính sách an sinh xã hội này đến mỗi người dân. Tuy nhiên, hoạt động của các đại lý thu đang gặp nhiều khó khăn.

Tham gia BHYT giúp người dân đề phòng những rủi ro, chia sẻ khó khăn trong chăm sóc sức khỏe bản thân.
Tham gia BHYT giúp người dân đề phòng những rủi ro, chia sẻ khó khăn trong chăm sóc sức khỏe bản thân.

Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội tỉnh, toàn tỉnh hiện có 316 đại lý thu BHXH, BHYT thuộc địa bàn các xã, phường, thị trấn của 15 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, số đại lý đủ điều kiện là 232, số không đủ điều kiện (bao gồm số đại lý đã thanh lý hợp đồng và số đại lý đang hoàn thiện hồ sơ để ký tiếp hợp đồng) là 84. Việc lựa chọn các cá nhân để ký kết hợp đồng làm đại lý thu BHYT dựa trên một số tiêu chí như: có thể là cán bộ công tác tại các tổ chức đoàn thể, có điều kiện tiếp cận, khả năng tuyên truyền, vận động người dân; kinh tế gia đình tương đối ổn định, có thể bảo đảm những rủi ro trong thu phí BHYT… Khi được ký kết làm đại lý thu BHYT tự nguyện, các đại lý sẽ được phổ biến, tập huấn về quy trình, cách thức, nghiệp vụ khai thác, kỹ năng tuyên truyền. Mức hoa hồng các đại lý được hưởng là 4%/thẻ, tức với mức giá 621 nghìn đồng/thẻ, đại lý được hưởng khoảng 24 nghìn đồng/thẻ.

Tuy nhiên, với mục tiêu tiến tới BHYT toàn dân, việc xây dựng và hoạt động của các đại lý thu này hiện cũng không phải dễ. Bởi để được ký kết hợp đồng, các đại lý thu phải được sự giới hiệu và bảo lãnh của chính quyền địa phương. Trong khi đó, thực tế triển khai chương trình này, lãnh đạo một số xã, phường e ngại trách nhiệm khi bảo lãnh và cam kết thanh toán toàn bộ số tiền nếu đại lý thu làm thất thoát gây thiệt hại cho cơ quan BHXH dẫn đến việc ký kết hợp đồng với đại lý kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ thu. Một số đại lý đủ điều kiện ký hợp đồng nhưng qua thời gian hoạt động không hiệu quả phải thanh lý hợp đồng, số đại lý ký hợp đồng mới phải mất thời gian hướng dẫn nghiệp vụ nên cũng ảnh hưởng đến việc khai thác, vận động người dân tham gia BHYT.

Còn về phía các đại lý thu, hầu hết là hoạt động kiêm nhiệm nên chưa đầu tư nhiều thời gian cho công tác khai thác, phát triển đối tượng tham gia BHYT. Do đó, số lượng người dân tham gia BHYT chưa cao so với tiềm năng hiện có. Chị Lê Thị Bình, đại lý thu BHYT tự nguyện ở phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột cho hay: Hiện chị đang công tác tại Văn phòng Đảng ủy của phường, khối lượng công việc nhiều nên việc dành thời gian đi khai thác, đến tận nhà người dân vận động không nhiều, chủ yếu chị lồng ghép trong quá trình tiếp dân tại văn phòng, sau đó người nọ truyền tai người kia, có nhu cầu thì tìm đến chị. Ở phường trước đây cũng có 6 người tham gia làm đại lý nhưng do hoạt động không hiệu quả nên hiện chỉ còn 3 đại lý. Đa số người dân thuộc đối tượng tự nguyện chỉ khi ốm đau hoặc có nguy cơ ốm đau cao mới tham gia BHYT, số người tham gia BHYT để dự phòng rủi ro chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Thậm chí một số phụ nữ mang thai, vài tháng trước khi sinh mới đi mua thẻ, sau khi sinh xong, chị tìm đến để gia hạn thẻ thì họ không tham gia nữa. Có nhiều người duy trì mua thẻ liên tục được trong vài ba năm nhưng sau đó không thấy sử dụng nên họ không tiếp tục mua. Chị có vận động, giải thích cho họ hiểu không có bệnh, không phải dùng đến thẻ, là điều đáng mừng vì sức khỏe tốt thì họ lại cho rằng không dùng đến mà mua là lãng phí. Lại có trường hợp, người dân đồng ý tham gia, chị Bình phải đi năm lần bảy lượt mới thu được tiền. Cho nên “cũng vì phục vụ mà tham gia”. Ở thành phố đã vậy, ở những địa bàn vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, hoạt động của các đại lý lại càng không dễ. Một phần do trình độ dân trí còn hạn chế nhưng một phần do cuộc sống còn khó khăn nên có nhiều người nhận thức được nhưng có nhiều khoản phải lo, đặc biệt là việc học hành của con cái nên vẫn chưa thể sẵn sàng bỏ tiền mua thẻ BHYT để dự phòng. Một số đại lý chưa ghi chép, theo dõi sát sao các trường hợp đã tham gia để gia hạn thẻ kịp thời cũng làm ảnh hưởng đến việc duy trì, phát triển, mở rộng đối tượng.

Còn với các đại lý thu tại trường học, hầu hết là cán bộ kiêm nhiệm và hay thay đổi nên hiệu quả chưa cao, còn sai sót trong lập danh sách như họ, tên, lớp, giới tính, danh sách lập còn trùng lặp. Từ năm 2012, học sinh sinh viên thuộc diện tham gia BHYT bắt buộc. Tuy nhiên, do chưa có các biện pháp chế tài kèm theo nên số lượng tham gia chưa cao.

Qua theo dõi, rà soát, đáng giá hiệu quả hoạt động của các đại lý thu, Bảo hiểm Xã hội tỉnh cho rằng: Hệ thống đại lý tại các trường nên có sự ổn định, lâu dài. Bên cạnh việc tuyên truyền vận động, cần có những biện pháp, chế tài để học sinh sinh viên tham gia BHYT. Cần thường xuyên tập huấn, đào tạo đại lý về các kỹ năng khai thác, công tác tuyên truyền, vận động cho hệ thống đại lý thu. Chính quyền địa phương tăng cường công tác chỉ đạo và tạo mọi điều kiện thuận lợi để hệ thống đại lý thu BHYT hoạt động đạt hiệu quả cao. Hằng năm có chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm thống nhất phương án, nghiệp vụ và trách nhiệm của hệ thống đại lý. Cấp giấy chứng nhận và thẻ cho các đại lý đủ điều kiện hoạt động, tạo niềm tin và sự an tâm cho những người tham gia BHYT.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.