Cà phê DJ – Bao giờ mới vào quy củ?
Đau đầu vì... nhạc
Có thể nói, chưa bao giờ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, các quán cà phê mở nhạc DJ lại nhiều như hiện nay. Cà phê DJ có mặt tại Buôn Ma Thuột chỉ mới cách đây khoảng 3 - 4 năm nhưng lại phát triển khá nhanh. Trong đó, phải kể đến các quán lớn như O., X., H… Sử dụng nhạc DJ cũng khá đa dạng, quán sử dụng các bản DJ sẵn trên mạng Internet, có nơi thuê hẳn một tay DJ chuyên nghiệp đánh nhạc trực tiếp phục vụ “thượng đế”. DJ là một dòng nhạc rất sôi động nên hầu hết khách là các bạn trẻ. Dạo một vòng các quán cà phê vào buổi tối, ta sẽ thấy được sự khác biệt. Cà phê DJ hút khách hơn rất nhiều so với các loại hình truyền thống. Nguyễn Quốc Hùng - một người “nghiện” nhạc DJ cho biết: “So với việc đi các bar thì đến quán cà phê DJ rẻ hơn nhiều mà vẫn được nghe các loại nhạc như ở bar”. Đây cũng là điều lý giải vì sao hầu hết các quán mới mở đều sử dụng loại nhạc này như một “chiêu” câu khách…Thường khoảng sau 20 giờ, không khí tại các quán cà phê này được khuấy động bởi sự xuất hiện của DJ. Trên các bục nhỏ đặt ở khu vực giữa quán, các DJ tai đeo headphone, tay thoăn thoắt xoay đĩa chỉnh các nút trên dàn Mix. Lập tức âm thanh sôi động vang lên, nhiều khách hàng lắc lư theo điệu nhạc. Đến quán cà phê T. trên đường Quang Trung vào một đêm cuối tuần, ấn tượng đầu tiên là tiếng nhạc “khủng” phát ra từ những chiếc loa công suất lớn. Theo quan sát, trong quán có không dưới 6 chiếc loa hiệu JBL, mỗi loa có công suất hàng nghìn watt. Nữ DJ liên tục chơi các bản nhạc dance với tiết tấu mạnh, giật đùng đùng như sấm nổ khiến cô bé nhân viên phục vụ bàn phải “hét” vào tai khách hàng khi hỏi về đồ uống. Không kém quán T., khi vừa bước chân vào quán X. trên đường Hoàng Diệu, chúng tôi đã bị choáng váng vì những âm thanh cực lớn dội vào tai. Thế nhưng trong quán, nhiều thực khách mà chủ yếu đang trong độ tuổi teen vẫn thích thú đong đưa theo tiếng nhạc.
Bên trong một quán cà phê DJ tại TP. Buôn Ma Thuột. |
Với những vị khách uống cà phê thì thú vị là vậy, nhưng với những người dân xung quanh các quán này thì muốn phát bệnh vì…nhạc. Anh L.A.D nhà đối diện với quán cà phê T. than vãn, dù khi cải tạo nâng cấp nhà ở của gia đình, anh đã sử dụng hệ thống cửa cách âm nhưng vẫn không thể có được những phút giây yên tĩnh vào buổi tối. Người bình thường đã khó chịu, với trẻ em và người già thì còn phải chịu áp lực lớn hơn rất nhiều. Ông P.H (60 tuổi) gần quán cà phê X. cho biết, ông đã bị bệnh mất ngủ từ khi quán X. khai trương đến nay. Ông và nhiều hộ dân trong khu vực này đã nhiều lần nhắc nhở chủ quán, thậm chí là làm đơn kiến nghị lên UBND phường Thắng Lợi nhưng tình trạng trên vẫn không có chuyển biến.
Cần sớm đưa vào quy củ
Gần như tất cả các quán cà phê DJ tại TP. Buôn Ma Thuột đều nằm trong khu dân cư, thế nhưng hệ thống cách âm không được đầu tư bài bản nên âm thanh từ các quán này phát ra ngoài không thể kiểm soát được. Trong khi đó các ngành chức năng cũng không dễ nắm bắt và xử lý nếu có sai phạm. Theo một cán bộ Phòng Văn hóa TP. Buôn Ma Thuột, về hiện tượng, nhiều người vẫn lầm tưởng là các quán cà phê DJ thuộc thẩm quyền xử lý của ngành văn hóa. Thế nhưng thực chất đây lại thuộc về thẩm quyền xử lý của ngành Tài nguyên - Môi trường. Vì xét đến cùng đây lại là một hình thức “ô nhiễm môi trường”, mà cụ thể ở đây là “ô nhiễm tiếng ồn”. Thông tư số 39/2010 của Bộ Tài nguyên - Môi trường đã đưa ra quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn áp dụng cho các tổ chức, cá nhân gây ra tiếng ồn ảnh hưởng đến những khu vực có con người sinh sống, hoạt động và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam. Theo thông tư này, từ ngày 15-2-2011 các tổ chức, cá nhân gây ra tiếng ồn phải tuân thủ mức giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn. Cụ thể thông tư nêu rõ, từ 6 giờ sáng đến 21 giờ đêm, giới hạn tối đa cho phép ở khu vực thông thường là 70 dBA (đơn vị đo tiếng ồn) và tại các khu vực đặc biệt gồm: bệnh viện, nhà trẻ, nhà thờ, đình chùa, thư viện... chỉ ở mức 55 dBA. Từ 21 giờ đêm đến 6 giờ sáng, khu vực thông thường là 55 dBA, còn khu vực đặc biệt là 45 dBA. Trong khi đó, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 và Nghị định 117/2009/NĐ-CP ngày 31-12-2009 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hành vi gây tiếng ồn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con người là những hành vi vi phạm pháp luật, phải chịu xử phạt hành chính theo quy định. Cụ thể, ngoài hình phạt chính với mức phạt tiền từ 2-100 triệu đồng tùy theo mức độ, hành vi gây ồn, cá nhân, tổ chức vi phạm còn chịu hình phạt bổ sung: tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề cho đến khi thực hiện xong các biện pháp giảm thiểu tiếng ồn đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định.
Quy định đã rõ, tuy nhiên để áp dụng quy định lại là vấn đề khác. Trả lời về vấn đề này, một cán bộ Phòng Tài nguyên - Môi trường TP. Buôn Ma Thuột cho rằng, “bằng chứng” là điều khó nhất để xử lý(?). Trong các vụ khiếu nại về tiếng ồn, ngay sau khi có đơn khiếu nại là phòng cử cán bộ kiểm tra, nhưng không phát hiện vi phạm, hoặc chỉ nhắc nhở người bị khiếu nại phải khắc phục. Với vi phạm về tiếng ồn, người vi phạm đối phó một cách dễ dàng là vặn nhỏ nhạc hay tắt nhạc khi có đoàn kiểm tra đến. Khi kiểm tra xong, chuyện đâu lại vào đấy, mặc cho người dân bị ảnh hưởng hay nhọc công khiếu kiện kéo dài…
Có thể nói, cà phê DJ đã đáp ứng một trong những nhu cầu giải trí của một bộ phận không nhỏ người dân. Tuy nhiên, để hình thức giải trí này không trở thành “cơn ác mộng” đối với người dân ở các khu dân cư cần phải có những quy định, chế tài phù hợp hơn nữa. Cùng với đó, chủ nhân của các quán cà phê này cũng cần có biện pháp phù hợp để có thể kinh doanh hiệu quả mà không làm ảnh hưởng đến những hộ dân xung quanh mình.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc