Dạy như thế nào cho học viên dễ hiểu
09:42, 30/10/2013
Trong lần đi công tác mới đây, chúng tôi ghé thăm lớp may công nghiệp của một Trung tâm dạy nghề cấp huyện. Để có thể ghi nhận được không khí học tập sôi nổi, cách thức giảng dạy và việc tiếp thu kiến thức của học viên, chúng tôi đã đề nghị giáo viên thực hiện lại một bài giảng gần đây nhất. Sau khi tác nghiệp xong, đồng nghiệp đi cùng tôi hỏi: “Em nào có thể cho tôi biết “TPMT” là gì không?”. Nghe vậy, cô giáo liền nhắc: “TPMT” là cụm từ viết tắt của thành phẩm miệng túi, phần này các em đều học cả rồi mà, cứ mạnh dạn phát biểu”. Mặc dù được cô giáo động viên, khích lệ nhưng trong số 20 học viên có mặt tại lớp học, không một cánh tay nào giơ lên. Tưởng các em nhút nhát không giám phát biểu, chúng tôi đã đến từng bàn mời, nhưng em nào cũng lắc đầu: “Dạ, em không biết”. Thấy vậy, cô giáo liền giải thích: thành phẩm miệng túi là một miệng túi có số đo đạt chuẩn theo quy định sao cho khi ráp vào quần tạo thành một chiếc túi hoàn chỉnh. Sau đó, cô đưa ra nhiều sản phẩm được cắt, may hoàn chỉnh và giải thích: “Mặc dù các em không nhớ hết các thuật ngữ chuyên ngành nhưng khi thực hành thì đều làm được”. Qua sự việc trên tôi chợt có cảm giác băn khoăn, lo ngại về hiệu quả của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi ngay trong khóa học, đa số học viên vẫn chưa nắm vững những kiến thức cơ bản nhất thì liệu khi kết thúc, các em có đủ tự tin đứng vững trên đôi chân của mình, áp dụng kiến thức đã học vào nghề nghiệp, công việc thực tế.
Thiết nghĩ, để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả, ngoài sự nỗ lực của học viên, các giáo viên cũng cần điều chỉnh phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp với đối tượng học nghề là lao động nông thôn, người đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh dạy lý thuyết đi đôi với thực hành theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, giảng viên cũng nên chú trọng đến cách lựa chọn từ ngữ, diễn đạt sao cho phù hợp, dễ hiểu.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc