Multimedia Đọc Báo in

Đừng nhìn đâu cũng thấy tiêu cực!

08:27, 06/10/2013
Vào một quán cà phê, trong lúc ngồi chờ người bạn lâu ngày chưa gặp, tôi liếc qua tờ báo thấy đăng tải thông tin phát động chiến dịch “Kết nối Biển Đông” nhằm giúp ngư dân ứng phó thiên tai, góp phần cổ vũ ngư dân bám biển, phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Mục tiêu của chiến dịch là vận động sự đóng góp, ủng hộ của tổ chức, cá nhân trong nước và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài để hỗ trợ trang bị một số thiết bị thông tin liên lạc cho các tàu đánh cá của ngư dân.

Lâu nay vấn đề biển, đảo luôn là đề tài nóng được đông đảo người dân cả nước quan tâm, theo dõi và được các phương tiện truyền thông thường xuyên cập nhật, phản ánh. Tôi đang chăm chú theo dõi nội dung của Chiến dịch “Kết nối Biển Đông” thì bên bàn gần đấy có 4 bạn sinh viên nam cũng bàn tán xôn xao về vấn đề tranh chấp biển đảo của nước nhà và các nước trong khu vực Biển Đông. Một người trong số đó cầm tờ báo xem cú pháp nhắn tin ủng hộ, rồi bấm điện thoại gửi tin nhắn và tuyên truyền các bạn đi cùng nhắn tin ủng hộ. Theo như thông tin đăng tải, mỗi người có thể ủng hộ chiến dịch bằng ba hình thức: Nhắn tin qua đầu số 1400 - Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia (giá trị ủng hộ 10.000 đồng/SMS) với cú pháp “BD” hoặc “BIENDONG”; ủng hộ trực tiếp bằng tiền (số tài khoản: 120 10 000036656 tại Ngân hàng BIDV, Sở Giao dịch I); ủng hộ bằng hiện vật được tiếp nhận tại Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (82 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ba thanh niên trong số 4 người đã nhắn tin ủng hộ chưa kịp nở nụ cười vì làm được một việc nhỏ có ích thể hiện lòng yêu nước thì người bạn đi cùng đã “lên lớp” cho cả tốp: “Các ông rảnh việc quá, chuyện đó có Nhà nước lo rồi, cần gì mấy ông phải bao đồng. 1 tin nhắn trị giá 10.000 đồng, bằng ổ bánh mì ăn sáng. Nếu không quy ra ăn sáng thì từng đó cũng đủ gọi cho cô bạn gái được mấy phút để kết nối tình cảm, hoặc rảnh nữa thì đăng ký 3G vào Facebook tán gẫu với mấy nàng rồi like cho mọi người trên mạng kêu gọi họ nhắn tin ủng hộ không hơn à…”. Chàng trai vừa ngắt lời thì mấy người kia đã lên tiếng: “Ông đúng là dân kinh tế, tính toán từng li từng tí, vậy thì sau này chắc lập công ty nhân viên không ăn nổi của ông một đồng…”. Chàng trai nọ liền đáp: “Thì lâu nay ngoài mấy vụ tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông mà báo, đài đưa tin cũng đầy rẫy các vụ tham nhũng. Mà cái tin nhắn của ông khi vào nhà mạng rồi có được quy ra tiền chuyển đến tay ngư dân để họ mua thiết bị thông tin liên lạc trang bị cho các tàu, thuyền không hay biết đâu đấy lại nằm trong túi mấy ông nhà mạng? Năm 2010, ông có nghe cái vụ hàng trăm nghìn bộ quần áo cứu trợ được chuyển bằng đường sắt vào ga Vinh cho Hội Chữ thập đỏ Nghệ An để đưa đến người dân bị lũ lụt, tuy nhiên điểm đến của một phần số hàng này lại là… gara ô tô. Mà chắc gì giờ có được mấy người trẻ tuổi như ông biết nghĩ cho nhân dân. Con nhiều đại gia đi sàn, đi bar tiêu tiền như nước, rượu ngoại một chai giá mười mấy triệu đồng, uống nó chả tiếc, vậy mà khi thấy người già xin ăn đi qua 1 xu nó cũng không cho, còn đuổi người ta như đuổi tà. Còn nếu ông vận động nó nhắn tin ủng hộ thì kiểu gì nó chả bảo mấy việc này rỗi hơi hay sao mà làm. Mấy ông đã nghe chuyện khôi hài của một thanh niên trốn nghĩa vụ nhưng vẫn lên Facebook kêu gọi mọi người yêu nước? Đã thế trước đó, tay này còn post mấy cách chia sẻ mọi người để trốn được qua vòng kiểm tra sức khỏe khi đi khám nghĩa vụ. Yêu nước mà trốn nghĩa vụ, ngồi bàn phím hô khẩu hiệu như mấy tay này thì ai cũng làm được…”.

Nghe những câu chuyện mà mấy bạn trẻ đàm luận, tôi nhận thấy mỗi người có một suy nghĩ riêng. Tuy nhiên không phải ở đâu, thời điểm nào cái xấu cũng lấn át hết cái tốt. Mỗi thời đại mỗi khác, nếu ngày xưa, trong thời kỳ chiến tranh, việc ra trận cầm súng chiến đấu được coi là biểu hiện rõ ràng nhất cho lòng yêu nước thì hiện nay, trong thời bình, thanh niên thể hiện tình yêu với đất nước trong rất nhiều những lĩnh vực và bằng những hành động khác nhau. Không phải chỉ lên tiếng bảo vệ Tổ quốc mới được gọi là yêu nước. Trong những hành động nhỏ nhặt hằng ngày như giúp đỡ người già, đồng cảm với những người có số phận bất hạnh cũng thể hiện sâu sắc lối sống lành mạnh của lớp trẻ hiện nay. Mỗi năm có hàng trăm nghìn bệnh nhân được cứu sống từ những hành động hiến máu nhân đạo trong đó phần lớn là của sinh viên, thanh niên tình nguyện hiến tặng. Hay vào những dịp hè, trên cả nước các bạn thanh niên tình nguyện tỏa khắp mọi vùng miền để giúp đỡ người dân… Chúng ta không thể chỉ nhìn vào một số ít những người trẻ mắc bệnh “vô cảm”, trong đó có cả sự thờ ơ đối với đất nước mình để đánh giá cả một thế hệ người Việt trẻ hiện nay.

Nguyễn Tuấn Anh


Ý kiến bạn đọc