Khi ông bà trở thành... “ôsin”!
Cả một đời bận rộn với công việc gia đình, xã hội, chăm sóc, nuôi dưỡng con cái trưởng thành, những tưởng khi tuổi già sẽ được an nhàn, thảnh thơi, nhưng nhiều ông, bà đã bất đắc dĩ trở thành “ôsin” cho con, cháu…
Trước đây khi mới nghỉ hưu, bà Trần Thị Thành (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) có dư thời gian để đi chùa hoặc tham gia tập thể dục dưỡng sinh với những người cao tuổi trong xóm. Nhưng 6 năm trở lại đây, hầu như chưa một ngày nào bà được rảnh rang. Chồng mất sớm, một mình bà tần tảo làm lụng nuôi 4 con ăn học nên người. Những tưởng như thế là đã làm tròn trách nhiệm, vậy mà khi các con trai, gái lần lượt lập gia đình, bà càng bận bịu, vất vả hơn trước. Không chỉ chăm con gái, con dâu lúc sinh đẻ, bà còn nuôi dưỡng luôn các cháu nội, ngoại, hết đứa này lại đến đứa khác. Bà Thành thở dài: "Có đầy đủ cháu nội, ngoại thì ông, bà nào chẳng vui nhưng càng đông cháu bao nhiêu càng vất vả bấy nhiêu. Bố mẹ chúng chỉ lo làm kiếm tiền, mọi việc phó thác hết cho tôi, muốn đi đâu cũng khó vì lúc nào cũng như có con mọn”. Dẫu biết vất vả là thế nhưng bà Thành không mấy khi than phiền với các con, vì ngại chúng bảo mình không thương con xót cháu. Và vì vậy, mặc dù việc ăn uống, sinh hoạt không thiếu thứ gì nhưng nhu cầu tinh thần của bà như gặp gỡ bạn bè hàn huyên tâm sự, tham gia các lễ hội, câu lạc bộ người cao tuổi ngày càng ít dần và bây giờ hầu như không còn.
Đại diện Hội Phụ nữ xã Ea Sar (huyện Ea Kar) thăm hỏi 3 ông cháu ông Lương Văn Ổn. |
Từ ngày chồng chết do bệnh hiểm nghèo, gia đình con trai trưởng dọn về ở chung, bà Nguyễn Thị Gắn (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) bỗng dưng trở thành người giúp việc trong chính ngôi nhà của mình. Sáng bà phải dậy sớm đi chợ mua thức ăn về chuẩn bị bữa sáng cho con, cháu kịp giờ đi học, đi làm, rồi “đánh vật” với đứa cháu nội mới hơn 2 tuổi. Vừa trông cháu, vừa lo việc nhà, cả ngày bà xoay như chong chóng với trăm thứ việc không tên từ giặt giũ, lau dọn, lo cơm nước, dỗ cháu ăn, ngủ. Ấy vậy mà hôm nào bận rộn quá chưa kịp cho cháu ăn trước giờ cơm trưa, chiều là y như rằng thấy con dâu tỏ vẻ không vui. Những ngày như thế, bà Ngắn lại lặng lẽ bế cháu sang nhà hàng xóm dỗ cho ăn để vợ chồng con trai được rảnh rang vừa ăn vừa trò chuyện. “Hết con rồi lại đến cháu, vui gì mà vui, thêm mệt hơn thì có. Mấy năm trước chỉ có ông bà già ở với nhau, tôi còn có thời gian đi chơi đây đó, thăm hỏi bà con hàng xóm, đi lễ chùa, hội họp; từ ngày vợ chồng, con cái nó dọn về đây ở, tôi bận tối mắt, tối mũi suốt cả ngày. Mệt nhưng nào dám than vãn”, bà Gắn bộc bạch.
Đối với những gia đình sinh sống ở nông thôn, điều kiện kinh tế còn khó khăn thì việc trông coi, chăm sóc, giúp đỡ con, cháu của ông, bà càng trở nên vất vả hơn. Vốn là hộ nghèo ở thôn Thanh Sơn (xã Ea Sar, huyện Ea Kar), ruộng đất không có nên để kiếm tiền trang trải cuộc sống, vợ chồng anh Lương Văn Buồn phải đi làm thuê ở xa, phó mặc việc chăm sóc, nuôi dưỡng 2 con cho bố mình - ông Lương Văn Ổn. Khi tiết kiệm được ít tiền, anh Buồn gửi về để ông lo cơm nước cho các cháu, còn không cũng đành chịu, ở nhà ông cháu tự xoay xở lo cho nhau. Đã vậy, cháu Lương Chí Trung (4 tuổi) còn bị bệnh thiếu máu, thường xuyên đau ốm, quấy khóc khiến ông Ổn càng thêm vất vả, bận rộn. Cứ vài tháng, ông, cháu lại đưa nhau lên bệnh viện nằm điều trị cả tuần. Biết gia cảnh khó khăn, chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể, bà con hàng xóm cũng quyên góp hỗ trợ thêm gạo, mắm, muối giúp 3 ông cháu qua ngày...
Dẫu biết rằng việc nhờ ông bà trông coi, nuôi dưỡng giúp các cháu đã là “truyền thống” của gia đình Việt nhưng thực tế cho thấy, rất nhiều ông, bà cảm thấy quá sức và mệt mỏi khi phải chăm sóc con cháu, lo toan nhà cửa như người giúp việc mà đúng ra ở độ tuổi ấy phải được nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, chăm lo nhiều hơn cho bản thân làm những việc mình thích. Ngoài những gia đình thực sự cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của ông bà để chăm sóc trẻ thì nhiều cặp vợ chồng trẻ do lối sống ỷ lại, dựa dẫm đã phó mặc mọi việc ông, bà. Chính việc gồng mình, gắng sức, cam chịu để con được rảnh tay làm việc, thăng tiến và sự vô tâm, hững hờ của con cái vô hình chung đã lấy đi những năm tháng an nhàn, rảnh rỗi của tuổi già...
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc