Mùa lan rừng xuống phố
Ở phố núi Ban Mê, lan rừng được bán quanh năm nhưng mùa mưa là thời điểm rộ nhất, bởi tại thời điểm này, người chơi lan thường tìm cho mình những giống lan đẹp để chưng tết. Những nhánh lan rừng mộc mạc được người đi rừng mang về bày bán dọc trên vỉa hè một số tuyến đường của TP. Buôn Ma Thuột như: Lê Duẩn, Trần Phú, Nguyễn Tất Thành… và trở thành những “chợ lan rừng” - điểm đến của người yêu lan.
Một điểm bán lan rừng trên vỉa hè đường Lê Duẩn. |
Cứ 7 giờ sáng, chị H’Linh, thôn 4, xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) lại gùi lan đến ngã ba đường Lê Duẩn và Phan Đình Giót để bán. Nhà ít rẫy nên nghề này đã theo chị gần 4 năm nay và đem lại nguồn thu kha khá cho gia đình. Chị tâm sự, các loại lan chị bán là do chồng và em chồng đi rừng hái về. Hôm nào có lan quý bán, đông khách mua thì chuyến đi cũng lãi được 400.000 – 500.000 đồng. Nhưng cũng có những hôm trời mưa, không có người mua lan chị lại phải bán sỉ cho những người buôn lan để lấy chi phí cho chuyến đi rừng tiếp theo.
Khác với lan bán ở các tiệm, phong lan ở các “chợ lan rừng” là lan thô mộc, còn nguyên nhánh, nguyên cây, nguyên bó được người đi rừng lấy về với đủ chủng loại, từ lan thường đến lan quý hiếm cho người mua lựa chọn và thường được bán theo… ki-lô-gam: tóc tiên 150.000 đồng/kg, thủy tiên trắng, thủy tiên vàng 100.000 đồng/kg, đốm báo 250.000 đồng/kg, đuôi chồn 20.000 đồng/kg, nghinh xuân 250.000 đồng/kg…
Trước đây, người mua lan rừng chủ yếu là các cửa hàng lan, vựa hoa cây cảnh… về trồng rồi bán lại cho người chơi lan. Nhưng vài năm trở lại đây người chơi lan chuyển qua thú “săn” lan rừng về tự trồng và chăm sóc. Anh Nguyễn Minh Thảo (đường Trần Hưng Đạo) cho biết, trước đây anh thường mua lan ở các tiệm đã được trồng sẵn trong bình, trong chậu, về chỉ cần chăm sóc, chờ ngày lan nở hoa. Hai năm nay, anh và nhóm bạn chuyển qua thú “săn” lan rừng tự nhiên. Tuy nhiên, để tìm được những nhánh lan quý thì người chơi phải am tường về các loại lan để tránh bị lừa. Hồi mới chơi lan, do hiểu biết về lan còn hạn chế, anh đã mua một giỏ lan hồ điệp trắng còn nguyên cả nhánh gỗ mục giá 200.000 đồng nhưng chăm đến ngày lan nở hoa lại là hồ điệp tím và trước đó trong vườn đã có tới 2 giỏ. Đến giờ, giàn lan nhỏ trong góc vườn của anh đã có đến hơn 20 loại lan rừng với 30 giỏ. Mùa mưa anh vẫn thường xuyên ra “chợ trời” săn lan về chăm sóc để hoa nở đúng tết… Còn chị Nguyễn Thị Thanh (ở đường Nguyễn An Ninh) cuối tuần nào cũng lên “chợ lan rừng” ở đường Lê Duẩn “săn” lan. Là một người yêu thích hoa phong lan nhưng khi tìm đến các tiệm bán lan, chủ các cửa hàng thường “hét” giá lên đến 100.000 – 200.000 đồng, thậm chí 400.000 đồng/giỏ, nên chị đã tìm đến các điểm bán lan rừng trên đường Lê Duẩn để tìm mua lan. Trước đây, lan bán theo cây, theo bó; cây nhỏ, bó nhỏ thì giá khoảng 20.000 – 50.000 đồng, nay lan được bán theo ký, giá cả tùy loại; nhưng để mua được giá rẻ, người “săn” lan thường tìm đến các gùi lan của những phụ nữ người Êđê bởi lan của họ được người nhà trực tiếp đi lấy từ trên rừng nên dễ “truy” nguồn gốc của từng loại lan để có cách chăm sóc hợp lý và giá cũng mềm hơn, dễ mua hơn so với các “đầu nậu”. Sau khi mua lan về, chị cắt tỉa các cành khô, rễ khô, héo để kích thích nó ra mầm, ra rễ mới, đồng thời, tưới nước gạo để lan phát triển nhanh.
Lan rừng ở Dak Lak có hàng trăm loại, trong đó, có cả những loại lan quý như: nghinh xuân, tóc tiên, đuôi chồn, quế hương, bạch ngọc, hồ điệp trắng... Nhưng những năm gần đây, người đi tìm lan ngày càng nhiều khiến loài thực vật này giảm dần. Muốn có lan đẹp, lan quý bán có giá thì người đi lấy lan rừng phải có tài đi rừng để vào tận rừng sâu, có khả năng leo trèo để trèo lên những thân cây cao lấy lan. Phong lan thường mọc ở những thân gỗ mục nên chuyện gãy cành, té ngã, bị bong gân, trật khớp là chuyện thường. Vừa giới thiệu cho khách loại lan mới lấy về, chị H’Ết (thôn 4, xã Cư Êbur) nói rằng, những năm trước, lan rừng khá phong phú, mỗi chuyến săn lan rừng chỉ dài 1-2 ngày. Vài năm trở lại đây, để có lan đẹp, lan quý, chồng chị phải gùi cơm, gùi gạo vào tận những cánh rừng sâu ở các huyện Ea Súp, Krông Bông, M’Drak, thậm chí là sang đến tận rừng ở tỉnh Kon Tum và biên giới giáp Lào. Và những nguy hiểm trong các chuyến đi rừng của chồng chị là không tránh khỏi. Anh Y Lin – chồng chị H’Ết kể: Vào năm trước, anh cùng 2 người bạn chuẩn bị lương thực dự định đi săn lan khu vực rừng núi giáp Lào với thời gian 3 – 4 ngày. Nhưng trên đường về anh bị rắn cắn, phải băng bó, nằm cáng để bạn khiêng về Đồn Biên phòng. May được người dân, bộ đội Biên phòng cứu giúp kịp thời nên anh mới giữ được tính mạng. Toàn bộ vật dụng, số lan thu hái được phải để lại trong rừng, chuyến đi đó coi như mất trắng…
Minh Nhật
Ý kiến bạn đọc