Trả lương hưu và trợ cấp BHXH qua bưu điện: Tiện và lợi!
Từ ngày 1-9-2011, theo chương trình phối hợp giữa Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Dak Lak là một trong 12 tỉnh được tham gia thực hiện chương trình thí điểm chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) qua hệ thống bưu điện. Thực tế triển khai đã thể hiện những ưu việt của loại hình thanh toán này...
Nhanh chóng, thuận tiện
Cứ vào ngày 6 hằng tháng, bà Vương Thị Đảm, cán bộ hưu trí, hiện trú tại đường Lê Anh Xuân, phường Thắng Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) lại đến UBND phường để nhận lương hưu. Bà Đảm cho biết, hai vợ chồng bà đã nghỉ hưu nhiều năm nay, trước đây việc chi trả lương hưu do nhân viên của BHXH thực hiện. Riêng bà cũng chưa thấy phiền phức gì, chỉ chia sẻ với nhân viên BHXH vất vả vì phương tiện để vận chuyển tiền không có nên nguy cơ mất an toàn cũng rất cao. Nhưng từ gần một năm nay, thực hiện việc thanh toán qua hệ thống bưu điện, bà cảm thấy rất hài lòng và thuận tiện cho cả đôi bên. Ngày mồng 6 hằng tháng, bất kể vào ngày nghỉ hay ngày lễ, nhân viên của bưu điện đều đến phường phát lương đúng hẹn. Cứ theo danh sách, nhân viên đã chuẩn bị sẵn số tiền của từng người, ai đến nhận chỉ việc đưa sổ, kiểm tiền rồi ký tên nên rất nhanh chóng, trả đúng, trả đủ, ít sai sót. Chị Đoàn Thụy Phương Tuyết Hoa, Trưởng Phòng Kế hoạch – Kinh doanh (Bưu điện tỉnh) cho biết: Tham gia công tác này, Bưu điện tỉnh đã bố trí 300 nhân viên ở 182 điểm chi trả. Các nhân viên được tập huấn, trong đó ngoài vấn đề nghiệp vụ, Ban Giám đốc Bưu điện tỉnh đặc biệt lưu ý đến phong cách, thái độ phục vụ. Ngoài ra, để bảo đảm an toàn, trong quá trình chi trả, Bưu điện tỉnh đã trang bị đầy đủ các công cụ phục vụ như camera, vali, két sắt, roi điện, xe vận chuyển; mỗi kỳ chi trả đều có kịch bản phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người; tại các điểm chi trả có báo, nước uống phục vụ chu đáo. Chính vì vậy, từ ngày cung cấp dịch vụ chi trả này, gần như chưa xảy ra sai sót, nhân viên phục vụ được đánh giá cao về mức độ hài lòng của người hưởng chi trả. Chị Hoa còn chia sẻ, nhiều bác về hưu khi đến nhận lương còn thương nhân viên bưu điện vất vả, mua cả bánh mì đến mời ăn sáng.
Tại một điểm trả lương qua bưu điện. |
Là người phụ trách theo dõi công tác này, bà Nguyễn Thị Xuân, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Trước đây việc chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH do nhân viên của ngành BHXH thực hiện có ưu thế là “thông thạo” các chế độ, chính sách trong ngành nên dễ giải thích khi các đối tượng có ý kiến băn khoăn, thắc mắc. Nhưng lại hạn chế ở chỗ, phương tiện vận chuyển tiền không có, nhiều nhân viên đi rút tiền để trả lương phải đi xe máy hoặc taxi, không bảo đảm an toàn. Việc chuyển hình thức chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH thông qua hệ thống bưu điện khắc phục được hạn chế trên, thêm nữa mạng lưới bưu điện rộng, bố trí khắp các xã, phường, thị trấn từ khu đông dân cư đến địa bàn dân cư thưa thớt nên rất thuận lợi. Tác phong và thái độ của nhân viên chi trả phục vụ tận tình, chu đáo, lịch sự, ân cần, tạo được niềm tin và sự ủng hộ từ phía người thụ hưởng.
Hiệu quả từ sự phối hợp
Thực hiện chương trình phối hợp giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, ngày 25-3-2012, Bảo hiểm Xã hội tỉnh và Bưu điện tỉnh đã ký hợp đồng về việc chi trả lương lương hưu, trợ cấp BHXH qua hệ thống bưu điện. Theo hợp đồng này, quy trình chi trả cũng được xây dựng nhằm tạo điều kiện để Bảo hiểm Xã hội tỉnh và Bưu điện tỉnh luôn có sự phối hợp, hỗ trợ nhau trong cập nhập thông tin chế độ chính sách, điều chỉnh danh sách chi trả khi có thay đổi để bảo đảm trả đúng, trả đủ, đúng hẹn. Tất cả các điểm giao dịch của Bưu điện đều đặt tại trung tâm, thuận tiện về giao thông; có trang bị đầy đủ két sắt, tủ sắt. Về phương tiện vận chuyển tiền, mỗi bưu điện được trang bị 1 xe ô tô phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị nên rất thuận tiện, an toàn. Bưu điện tỉnh cũng có phương án chi trả đầy đủ đối với đối tượng già yếu, bệnh tật không đi lại được. Theo đó các đối tượng này rất hài lòng khi có những trường hợp ốm đau, tuổi cao nhân viên bưu điện đem tiền đến tận nhà để chi trả mà không thu một đồng phí nào. Bưu điện các huyện, thị xã, thành phố đều bảo đảm thời gian quyết toán chậm nhất 7 ngày kể từ ngày tạm ứng tiền. Đến nay sau 7 tháng sau khi thực hiện ký kết hợp đồng, tỷ lệ người hưởng chi trả là 69.984 lượt /70.814 lượt người hưởng phải trả, đạt tỷ lệ 98,8%. Số tiền đã chi trả là 158.508 tỷ đồng/160.268 tỷ đồng phải trả. Một số bưu điện huyện có địa bàn chi trả rất khó khăn nhưng tỷ lệ bình quân đạt cao. Cụ thể như: Bưu điện huyện Krông Bông, đạt tỷ lệ bình quân 99,9%; Bưu điện huyện Lak 100%… 9 tháng đầu năm 2013, số tiền chi trả trên 619 tỷ đồng/625 tỷ đồng phải trả với số người hưởng là 246.816 lượt người/249.484 lượt hưởng phải trả. Với những điểm ưu việt qua thực tế triển khai, bà Nguyễn Thị Xuân, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, hiện hình thức chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội qua hệ thống bưu điện đã được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh.
Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cho biết kết quả thăm dò ý kiến của người được trả lương qua bưu điện tại các tỉnh, thành phố thí điểm cho thấy: 93% người dân cho rằng bưu điện làm tốt và rất tốt việc trả lương; 3,8% đánh giá đạt yêu cầu và 0,05% nói không đạt yêu cầu, còn lại không có ý kiến. Công tác quản lý người hưởng, chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng qua hệ thống bưu điện được triển khai thí điểm lần đầu tiên từ 9-2011 tại 4 tỉnh Lâm Đồng, Bắc Kạn, Dak Nông, Phú Yên.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc