Multimedia Đọc Báo in

Nghị lực sống của một gia đình nhiễm HIV

13:53, 08/11/2013
Một lần đi làm phóng sự về người có H., chúng tôi đã gặp một cặp vợ chồng đầy nghị lực, luôn khát khao sống có ích, vượt lên khó khăn nghiệt ngã của số phận và bệnh tật. Dù cả bố mẹ, con cái đều nhiễm HIV nhưng họ vẫn sống mạnh mẽ và đầy ý nghĩa…
 
Đôi vợ chồng sống trong một ngôi nhà cũ nát, xiêu vẹo. Gặp chị, chẳng ai nghĩ chị bị mắc căn bệnh thế kỷ bởi trông chị rất khỏe mạnh và vui vẻ. Quê ở Hưng Yên, chị đã từng có một gia đình hạnh phúc với người chồng mẫu mực và 2 đứa con gái xinh đẹp, ngoan ngoãn. Cuộc sống “chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa” kéo dài không bao lâu. Sau khi ly hôn, chị đưa hai con vào Tây Nguyên lập nghiệp. Cuộc đời run rủi cho chị gặp anh – một người đàn ông cũng đang trong hoàn cảnh “đơn thân gối chiếc” sau một lần hôn nhân tan vỡ. Anh làm thợ mộc, một người thợ lành nghề và được mọi người yêu quý. Chị nấu ăn cho xưởng mộc nơi anh làm. Đồng cảm về hoàn cảnh của nhau rồi yêu nhau và tiến tới hôn nhân. Cuộc sống hạnh phúc cứ thế trôi đi, đến một ngày anh bị tai nạn giao thông trong một lần đi chơi với người bạn đồng hương. Cả anh và người bạn đều bị thương nặng phải nằm viện hơn hai tháng. Nhờ sự chăm sóc chu đáo, tận tình cũng như tình thương yêu của chị, anh đã bình phục hoàn toàn và trở về tiếp tục đi làm. Chín tháng sau, một bé gái kháu khỉnh ra đời là kết quả của tình yêu giữa hai người. Cuộc sống của anh chị lại càng thêm hạnh phúc.

Nhưng rồi cuộc đời nghiệt ngã đã không cho anh chị được hạnh phúc trọn vẹn. Ba năm sau, anh lâm bệnh nặng, bác sĩ chẩn đoán anh bị viêm gan nhưng chạy chữa không thuyên giảm mà ngày càng trầm trọng hơn. Anh quyết định ra Hà Nội chữa trị và ở đó người ta đã phát hiện anh dương tính với HIV. Anh được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) trong 3 tháng tại Hà Nội - 3 tháng anh giấu hoàn toàn tình trạng của mình với gia đình, vợ con. Khi sức khỏe hồi phục, anh trở về và vào làm việc tại một xưởng mộc khác. Cùng lúc đó, anh biết tin người bạn đồng hương bị tai nạn năm xưa đã chết vì AIDS. Anh bàng hoàng vì không nghĩ rằng mình bị nhiễm HIV từ tai nạn đó. Không lâu sau, đột nhiên cả hai mẹ con chị đều bị sốt cao, tiêu chảy và được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh, và ở đó người ta đã phát hiện hai mẹ con chị đều dương tính với HIV. Dưới chân chị, mặt đất như sụt lún dần, mọi thứ xung quanh chị chao đảo, chị chỉ muốn chết. Chị bảo anh chị đều là những con người chân chất, hiền lành tại sao lại mắc phải  một căn bệnh mà người ta gọi là “căn bệnh thế kỷ”. Điều duy nhất chị nghĩ được lúc đó là “chết quách đi để không phải đối mặt với sự khinh khi của người đời, để không phải đối mặt với nỗi đau mang bệnh không có thuốc chữa”. Chị bảo: “Lúc đó hàng xóm láng giềng xa lánh và miệt thị ghê lắm, họ nói muỗi đốt, ruồi bâu cũng lây chứ đừng nói đến ăn uống chung”. Mọi khó khăn cũng bắt đầu từ đây, chỗ làm của anh chị không chấp nhận cho làm việc nữa, cũng không ai dám thuê những người như anh chị vào làm cho nhà mình, ai cũng xa lánh, không muốn gặp gỡ, tiếp xúc với anh chị. Trước hoàn cảnh đó, sức mạnh của tình yêu và sự khát khao sống mãnh liệt đã mang đến cho anh chị nghị lực vượt qua bệnh tật, vượt qua sự kỳ thị của mọi người. Vợ chồng anh chị và cô con gái nhỏ đều được điều trị bằng ARV và sống khỏe mạnh. Anh chị vẫn lao động để nuôi bản thân và con cái. Dần dần, mọi thứ cũng tốt đẹp hơn. Hàng xóm, láng giềng nhận thức đầy đủ hơn về căn bệnh và không còn xa lánh, khinh rẻ; con anh chị đã được đến trường; anh chị cũng được vay vốn để chăn nuôi và chủ xưởng mộc lại gọi anh đến làm. Tất cả đều thay đổi một cách kỳ diệu. Sự đón nhận của cộng đồng lại tiếp thêm sức mạnh cho anh chị chiến đấu với căn bệnh quái ác. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng với anh chị, trước mắt là một tương lai tràn đầy lạc quan và hy vọng.

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc